Gã cướp nhí khát khao 1 mái ấm gia đình

ANTĐ - 4-5 lần đánh nhau với các bạn tù cùng buồng, trong đó đỉnh điểm là lần đánh chết một "bạn tù", Quang bị điều chuyển đi hết trại này tới trại khác. Ở đâu, tên cướp nhí này cũng kiếm cớ đi quậy phá.

Lý giải về việc tại sao vào trại giam rồi mà vẫn thích đánh nhau, Quang bảo đấy chỉ là hành động để che giấu sự yếu đuối của mình. Nghe thì có vẻ không mấy thuyết phục song đó lại là sự thật, giống như cuộc đời Quang, một đứa trẻ bị bỏ rơi khi chưa biết lẫy.

Có nhà nhưng không là tổ ấm

Trước mắt tôi là một thanh niên mới bước qua tuổi đôi mươi nhưng đã có 7 năm trong tù. Đôi mắt gườm gườm hay liếc xéo, không mấy thiện cảm khiến tôi cảm thấy se sắt. Một tên cướp vào tù khi vừa bước qua tuổi 16 đầy ước mơ, hoài bão, chẳng lẽ những tháng năm lang thang và khoảng thời gian bằng nửa số tuổi ấy trong tù đã làm cho cậu ta bi quan, tiêu cực đến nỗi không còn tin vào ai nữa? Cậu thanh niên khiến tâm trí tôi buồn thương lẫn lộn ấy là Phạm Thế Q., sinh năm 1989, quê ở thành phố biển Hải Phòng.

Nếu không có chuyện trục trặc giữa bố và mẹ thì có thể nói Q. là đứa trẻ sinh ra trong một gia đình khá đầy đủ. Ông bà nội là những người làm kinh tế giỏi, các chú, bác đều thành đạt, duy chỉ có bố Q. là có tính ong bướm nên trong gia đình thường cơm không lành canh không ngọt. Không chịu được người chồng có thói trăng hoa, bỏ bê vợ con nên mẹ Q. đã làm đơn xin ly hôn. Để ép vợ phải ở lại, bố Q. đòi nuôi con, dùng cậu làm sợi dây níu kéo nhưng có lẽ vì quá mệt mỏi nên người đàn bà ấy vẫn dứt áo ra đi, để lại Q. lúc đó mới 3 tháng tuổi.

Q. trở thành con của gia đình bác gái, cậu lớn lên trong tình thương yêu của hai bác, ông bà nội và các anh chị trong nhà, không có sự phân biệt hay đố kỵ. Sự quấn quýt của Q. với người bác gái mà Q. tưởng là mẹ khiến hai người anh con bác thấy ghen tỵ. Cho tới một ngày cuối năm, Q. học lớp 3, cả nhà quây quần quanh bếp lửa nghe ông vừa luộc bánh chưng vừa kể chuyện. Ít tuổi nhất nên chỉ một lúc sau là Q. buồn ngủ và đi tìm mẹ. Thấy Q. phụng phịu, bà đã ôm cậu vào lòng nựng và giống như mọi khi, cậu lại làm nũng một lúc rồi mới chịu lên giường ngủ. Sáng hôm sau, khi Q. đang đánh răng thì một người anh đi tới, lạnh lùng tuyên bố: "Đấy là mẹ của chúng tao, không phải mẹ của mày". Sững người trong giây lát, Q. òa lên khóc. Nước mắt chảy tràn trên mặt, cậu mếu máo chạy đi tìm mẹ.

Các phạm nhân trong trại giam Vĩnh Quang.

"Lúc cháu hỏi mẹ điều anh nói có thật không thì mẹ lặng im, ôm cháu vào lòng vỗ về nhưng cháu không chịu. Hỏi ông nội cũng không nói nên cháu chạy ra ngoài hỏi hàng xóm" - Q. nhớ lại.

Biết sự thật từ những người hàng xóm, Q. cảm thấy hụt hẫng và giận mọi người nên tìm một chỗ thật vắng để khóc. Q. cứ đi, đi mãi tới lúc thành phố lên đèn mới biết mình lạc. Không tìm được đường về nhà, Q. chui vào một gầm cầu thang ngồi, cả đêm đó, Q. khóc vì sợ chuột và vì nỗi cô đơn của một đứa trẻ bơ vơ trong đêm lạnh. Thấy Q. co ro vì lạnh, ngủ gà ngủ gật một mình trong đêm cuối năm, một cô công nhân dọn vệ sinh thương tình, đèo về nhà.

Ngôi nhà chật chội, chẳng có gì đáng giá nhưng đầy ắp tiếng cười khiến Q. cảm thấy quyến luyến. Hai bác biết tin, tìm tới, nói thế nào cậu cũng không chịu về. Mãi tới khi ông nội đến, bảo nếu Q. không về thì ông sẽ chết thì cậu mới ôm chầm lấy ông, khóc rồi theo ông về nhà.

Vẫn ngôi nhà khang trang, vẫn những món ăn đắt tiền và sự chiều chuộng có phần hơn trước song với một cậu bé đang bị tổn thương tinh thần thì tất cả dường như chẳng còn ý nghĩa. Q. không còn sà vào lòng bác gọi mẹ một cách âu yếm như trước mà cậu thay đổi cách xưng hô, gọi như đúng trật tự của nó cho dù mỗi lần nghe cậu gọi, mắt người bác lại đỏ hoe. Vốn là đứa bé có cá tính mạnh, Q. tỏ ra bướng bỉnh, không còn ngoan ngoãn vâng lời như trước. Cậu luôn tìm cách xa lánh mọi người, cố tình lảng tránh sự quan tâm của người thân bằng cách trốn vào một góc nào đó, ngồi tư lự.

Và những tâm sự đắng lòng

Biểu hiện phá phách đầu tiên của Q. là sự chểnh mảng trong học hành và kiểu chống đối này đã khiến ông nội của cậu giận dữ. Trong một lần không kìm chế được, ông đã cầm roi vụt đứa cháu nội đích tôn mà ông cưng chiều và hy vọng nhất để rồi đó là cái cớ để Q. bỏ nhà ra đi. Sự học hành cũng từ đây đứt đoạn bởi cứ bị gia đình tìm về được vài ngày, Q. lại tìm cách trốn đi, không chui vào quán đánh điện tử thì lại vạ vật hè đường, gầm cầu, chán thì về nhà những người bạn xã hội tá túc, hết tiền lại quay về nhà lấy trộm của gia đình. Cái vòng luẩn quẩn có tiền là ra đường, hết lại mò về giả bộ ngoan ngoãn để có tiền lại đi cứ thế luân hồi cho tới khi Q. vỡ giọng thì chuyện lấy tiền nhà đi chơi là hãn hữu bởi cậu bé hay bỏ nhà đi lang thang ngày nào giờ đã 16 tuổi, biết cách đi cướp để có tiền.

Quyết tâm đi tìm bố mẹ xem họ là ai, đang sống ở đâu và tại sao lại bỏ cậu còn đỏ hỏn để đi tìm hạnh phúc mới... Q. không ngờ gặp mẹ. Cậu đã gào lên, vứt hết những quần áo mà mẹ mang đến chỉ vì thấy bà có gia đình hạnh phúc với hai đứa con xinh xắn, học giỏi. Biết Q. là anh cùng mẹ khác cha, hai đứa nhỏ tìm tới nhà Q. để chơi với anh nhưng những hồn nhiên con trẻ của hai đứa em càng khiến lòng đố kỵ, ganh ghét và sự mặc cảm trong lòng Q. tăng lên gấp bội. Cậu tránh mặt hai em, tránh luôn cả người cha sau một thời gian lằng nhằng với người vợ mới, quay về chăm con như chuộc lỗi.

Ảnh minh hoạ.

Tháng 6/2005, sau khi cùng đồng bọn gây ra một loạt những vụ trấn lột, cướp tài sản của người đi đường, Q. bị công an thành phố Hải Phòng bắt giam. Khi ấy cậu vừa tròn 16 tuổi. Phạm tội ở tuổi vị thành niên nhưng vì tội nghiêm trọng và có quá trình nên Q. vẫn bị đưa ra xét xử. 12 năm tù là cái giá mà Q. phải trả cho những ngày lang thang, xưng hùng xưng bá, sống bằng tiền đi cướp.

Cải tạo tại Trại giam Xuân Nguyên, Q. không yên phận "thằng tù" nên thường kiếm cớ gây sự với các bạn cùng buồng để so tài cao thấp. 4 - 5 lần đánh nhau mà đỉnh điểm là lần đánh chết một bạn tù, Q. được chuyển từ trại này qua trại khác nhưng ở đâu cũng chỉ được một thời gian là lại gây ra xô xát. Cuối năm 2010, Q. được chuyển về Trại giam Vĩnh Q. cải tạo. Cái vẻ bất cần đời của Q. dần dần bị người quản giáo già cảm hóa. Q. bảo từ lúc đặt chân tới Vĩnh Q., nhìn thấy người quản giáo tuổi đời ngoài 50 lúc nào cũng cười tươi ấy, cậu bỗng thấy sợ. Trong nụ cười ấy, Q. đọc được sự đôn hậu, gần gũi nhưng cũng có nhiều cái nghiêm khắc, quyết liệt nên không dám càn quấy như trước.

Dường như cất được gánh nặng trong lòng, Q. nhoẻn miệng cười như muốn kết thúc câu chuyện về sự sa ngã của mình. Trước mắt tôi lúc này, Q. thật hiền với khuôn mặt khá điển trai và hàm răng trắng đều. Mỗi khi cười, lúm đồng tiền trên má ẩn hiện làm cho khuôn mặt Q. bừng sáng. Một vẻ đẹp khỏe khoắn, hiền lành. 23 tuổi và chặng đường 5 năm tù nữa mới hết hạn là một thử thách song cũng hứa hẹn còn rất nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời với một thanh niên lầm lỡ. Dường như hiểu rất rõ điều đó nên Q. tỏ ra khá tự tin. Q. bảo sau này ra tù sẽ ra Quảng Ninh lập nghiệp, mở công ty kinh doanh than để kiếm sống.

Tự tin và mơ ước là một điều rất đáng khích lệ nhưng việc mơ trở thành giám đốc liệu có quá xa vời không với một người có nhiều thành tích bất hảo về bỏ nhà, chơi điện tử, đánh nhau và tù tội còn trình độ văn hóa thì chưa hết lớp 3... Dẫu thế nào, thì tôi vẫn tin là Q. sẽ làm được bởi cậu là người có cá tính mạnh, chưa đầy 10 tuổi đã bộc lộ sự yêu ghét rõ ràng thì một khi đã khao khát và quyết tâm, chắc chắn sẽ biến ước mơ, dự định thành hiện thực. Chia tay Q., tôi cầu chúc cho điều ước của cậu sẽ thành hiện thực bởi tôi không hề muốn mình đặt nhầm lòng tin nơi cậu bé trạc tuổi con mình như Q..