Viết cuộc đời bằng đôi chân
Một ngày hè trời nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm về xứ Thanh để được gặp cô bé có đôi chân kỳ diệu làm nhiều người phải thán phục. Cô bé đó chính là Lê Thị Thắm ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Thịnh (Đông Sơn – Thanh Hóa). Sinh năm 1998, từ khi chào đời Thắm đã bị ảnh hưởng chất độc da cam. Không như bao đứa trẻ khác, Thắm đã gầy gò, đau ốm lại mất đi hai cánh. Thương con, bố mẹ Thắm đã chạy vạy khắp nơi để đưa con đi chữa bệnh. Thế nhưng, lúc tiền của cạn túi mà bệnh tình cháu vẫn vậy, anh chị đành chưa con về nhà trong nỗi đau vô tận.
Mãi lên hơn 3 tuổi Thắm mới nói rõ, 4 tuổi mới biết đứng và bắt đầu tập đi. Năm lên 6 tuổi, nhìn bạn bè cùng trang lứa nô nức đến trường Thắm đứng đằng sau cánh cửa cổng bật khóc. Sau hôm đó em nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Về nhà nhìn đứa con tội nghiệp thiếu đi hai bàn tay mang khát vọng đến trường khiến chị Nguyễn Thị Tình, mẹ Thắm lòng quặn thắt vì thương con. Chiều ý con, anh chị đành vui vẻ đưa con đi mua cặp bút và sách vở để cho con đến trường.
Lên lớp nhìn bạn bè tập viết chữ mà Thắm cứ ngơ ngác bởi em thiếu hẳn đi hai cánh tay. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu em, sau buổi học đó, em về nhà lấy viến gạch kẹp vào chân để tập viết. Những con chữ nguệch ngoạc đầu tiên khiến em thấy vui và càng cố gắng luyện tập chăm chỉ hơn. Bàn chân của em trở nên khô rát, chai cứng, các ngón chân lở loét chảy máu. Buổi tối, mẹ Thắm phải lấy khăn băng chân cho con. “Tưởng con sẽ bỏ cuộc, ai ngờ mới sáng ngày hôm sau khi vết máu chưa khô lại thấy con ra sân tập viết tiếp” - Chị Tình kể lại.
Thắm rất chăm chỉ, em ngồi cả buổi tập viết chữ đến bỏ ăn, quên ngủ. Nét chữ của em ngày càng thêm gọn và đẹp, em lại có thể đến lớp học bình thường như các bạn. Mọi sinh hoạt, học tập ở lớp Thắm đều dùng bằng đôi chân khéo léo của mình. Em dùng chân mở cặp, bỏ sách ra và tập viết, những con chữ đều răm rắp, tròn đẹp khiến cô giáo và các bạn trong lớp ai cũng ngạc nhiên. Lúc lên bảng làm bài tập, em chỉ đứng bằng một chân, chân kia còn lại thì kẹp phấn viết lên bảng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên em học rất giỏi và được thầy cô bạn bè yêu mến.
“Ở lớp em Thắm rất chăm học, do em viết, vẽ bằng chân nên nhà trường đã kết hợp với gia đình làm một bộ bàn ghế riêng cho em để em thuận tiện việc học bài. Thắm luôn đứng đầu lớp về kết quả học tập và là học sinh điển hình qua các cuộc thi của nhà trường” - cô giáo viên chủ nhiệm của Thắm chia sẻ.
Đôi chân nhiệm phép màu
Mùa đông giá lạnh, đôi chân tê rát, cứng đờ và liên tục bị chuột rút thế nhưng chưa hôm nào em phải nghỉ học. Không mặc cảm khi đến trường, Thắm luôn cố gắng học tốt để vươn lên số phận, những nét chữ nhỏ nhắn, tròn đẹp của em khiến bạn bè ở lớp phải thán phục. Năm lớp 7, em đã đạt giải xuất sắc cuộc thi viết chữ đẹp và vinh dự nhận được học bổng 3 triệu đồng của ngành giáo dục.
Lúc ở nhà thấy mẹ thêu khăn, Thắm xin mẹ cho thêu cùng. Em dùng một chân kẹp lấy khung thêu, một chân kẹp kim chỉ nhưng những tấm khăn thêu đẹp một cách lạ thường. Lúc ở nhà em vẫn giúp mẹ, bà thêu khăn, đan sợi. Không chỉ vậy, em còn vẽ rất đẹp bằng chính đôi chân của mình.
Ban đầu Thắm vẽ đồ vật, con vật sau đó em vẽ về những chủ đề bảo vệ môi trường, về giao thông, thầy cô, bạn bè. Bức tranh nào của em cũng đẹp và đủ các gam màu. Người xem tranh ít ai nghĩ rằng đó là tác phẩm của cô bé vẽ bằng chân.
Ở lớp thấy Thắm viết chữ, vẽ tranh đẹp nên khi có các cuộc thi, nhà trường luôn chọn em tham gia. Tất cả các cuộc thi em đều đạt được giải thưởng cao, điển hình như giải Nhì huyện với bức tranh phong cảnh, giải Nhì của Hội tàn tật tỉnh Thanh Hóa qua tác phẩm vẽ về người tàn tật. Đặc biệt nhất là bức tranh vẽ “gương người phụ nữ vượt lên số phận” của em hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Năm 2007 Thắm được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng bằng khen “Vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập từ năm 2004 đến năm 2006”. Em cũng vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giải thưởng của các cấp địa phương. Đặc biệt vào cuối năm 2007, những bức tranh do chính chân Thắm vẽ đã được giải nhì cuộc thi vẽ tranh do Hội Mỹ thuật tỉnh Thanh Hóa tổ chức.
Khi nói về ước mơ của mình, Thắm hồn nhiên bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này trở thành cô giáo, em sẽ học tốt, dạy tốt bằng đôi chân của mình”. Đôi chân nhỏ của em giờ đây có thể làm thay tất cả những hoạt động bằng tay. Em không những có thể tự đánh răng, chải đầu, ăn cơm mà còn giúp mẹ làm những việc nhỏ trong nhà.
Nhìn nét chữ, bức tranh hay những tấm khăn do Thắm thêu bằng chân thật đẹp và có hồn. Dù kém may mắn khi không có tay nhưng đến bây giờ mọi người đều phải thán phục nghị lực của Thắm vì em có thể theo đuổi ước mơ bằng chính nghị lực và đôi chân của mình. Không phải phép màu đã làm nên điều kỳ diệu ấy, mà điều kỳ diệu ấy chính là đôi chân, là nghị lực từ trong tâm trí của em.