Vậy đấy, chỉ mười nghìn đồng, một bà già cũng quyết không để bị lừa, nhưng không thể tưởng tượng được, chỉ bằng mấy lời nói lăng nhăng của những kẻ không quen biết có những người đã bị lừa hàng chục tỷ một cách ngoạn mục. Đó là những chuyện liên quan đến việc buôn bán những món hàng huyền thoại như đồng đen, thiên thạch, đồng lửa, cổ vật siêu quý…
Chuyện tiền triệu đô la Mỹ mà như đùa
Chiều 2-7-2011, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Bình Định đã bàn giao Chu Văn Lan (54 tuổi, ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) cho Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi lừa đảo. Thủ đoạn của Lan là tung tin đang sở hữu một viên thiên thạch nặng 80 kg, trị giá khoảng 50 triệu USD. Được sự cho phép của Chính phủ, Lan đang tìm đối tác nước ngoài để bán. Tiếp đó, Lan làm giả giấy tờ của Văn phòng Chính phủ rồi rỉ tai những người cả tin góp tiền chi phí cho việc ký hợp đồng bán viên thiên thạch. Tỷ lệ ăn chia là ai góp 80 triệu đồng khi bán được đá sẽ hưởng 2 triệu USD. Theo tố cáo của hơn 20 người bị hại tại Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM, bằng thủ đoạn trên, Lan đã chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Ngày 21/5/2011, Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Cơ quan thường trực phía Nam Bộ Công an cho biết vừa kiểm tra và bắt giữ một vụ lừa đảo mua bán đồng đen. Từ tin báo của cơ quan cảnh sát điều tra Tây Ninh, cơ quan thường trực phía Nam đã phối hợp với CSGT tỉnh Tiền Giang yêu cầu tài xế xe Fortuner biển số 70K-4923 dừng tại ngã ba Trung Lương để kiểm tra. Lúc này trên xe có Nguyễn Ngọc Thành (SN 1962, trú Q.8, TP.HCM, Phó giám đốc Công ty địa ốc Phước Thạnh), Nguyễn Hữu Hạnh (SN 1977, ở An Giang, tạm trú Lê Văn Lương, Q.7), Phan Văn Diễn (SN 1979, tỉnh Tây Ninh), Trần Minh Đẹp (SN 1981, Tây Ninh). Lực lượng chức năng đã tạm giữ một két sắt và các bản thỏa thuận, cam kết chuyển nhượng "đồng đen" có giá bán 60 triệu USD/kg, do Nguyễn Ngọc Thành làm chủ. Kiểm tra thì phát hiện két sắt toàn là sọ dừa bên trong có chất nhầy nghi là nhựa đường.
Và còn nhiều nữa, toàn chuyện tỷ đồng tiền Việt hoặc triệu đô la Mỹ. Thật ra những câu chuyện mua bán mấy món hàng không hề có trên đời này cùng những thủ đoạn lừa đảo không hề mới. Ngay từ những năm 1950 ở cả phía Bắc và phía Nam đã xuất hiện kiểu lừa đảo này và cũng với thủ đoạn này, chỉ khác biệt là số tiền ngày càng lớn, ngày càng viễn tưởng như những món hàng bọn tội phạm bán. Trong giới cổ vật đã nghe kể chuyện một đại gia cổ vật ở Hà Nội sập bẫy bọn buôn bán đồng đen từ năm 1967. Người được cho là nạn nhân là cụ bà ở phố Hàng Muối.
Một buổi tối cụ tiếp một người quen, đang sơ tán tận Bắc Cạn đến thăm cụ. Trong câu chuyện, người quen ấy có kể với cụ ở trên Bắc Cạn có gia đình đào được một pho tượng quái thú bằng đồng rất lạ. Toàn thân có màu đen tuyền, rất nặng và đặc biệt đồng hồ để cạnh nó thì ngừng chạy, gương thủy tinh để cạnh nó bị vỡ và bật lửa để cạnh nó bật không ra lửa. Quan trọng hơn, người quen cụ còn nói rõ, chính quyền địa phương nghe phong thanh việc đào được vật quý nên đang ráo riết truy tìm. Người đào được đang muốn bán cho khuất mắt. Nhớ đến những lời đồn đại về đồng đen, lại thấy người quen cụ vốn thật thà, cụ tin ngay món đồ đồng này là đồng đen trong huyền thoại. Nhưng vốn là người có kinh nghiệm, cụ từ tốn nói: Tôi thì không biết gì, nhưng nếu họ muốn bán cứ bảo họ mang về đây tôi mua cho.
Người quen cụ lĩnh ý về ngay Bắc Cạn trong đêm. Nhưng một tuần sau, ông người quen của cụ trở lại Hà Nội. Cái ông người dân tộc ấy đã bán cho một người khác món đồ đồng ấy giá 5 lạng vàng và người chủ mới ấy lại muốn bán lại, nhưng do họ sợ nên muốn cụ phải lên Bắc Cạn, chứ họ không xuống. Tin đi tin lại, phải một tháng sau cụ mới lên đường đi Bắc Cạn. Khi đi cụ mang theo 10 lạng vàng với quyết tâm mua bằng được bảo vật đồng đen ấy. Đến nơi, chờ mất hai ngày, mới có người đèo xe đạp chở cụ tới một thị trấn. Họ cho cụ xem ảnh món đồ. Ảnh đen trắng chụp lờ mờ, cụ không nhìn thấy gì cả. Cụ đòi xem hiện vật, nhưng cái ông chủ món đồ cứ đòi cụ thỏa thuận giá cả xong, mới cho xem. Cuối cùng cụ thỏa thuận mua món đồ với giá 7 lạng vàng. Lúc đó đã 5 giờ chiều. Cụ sốt ruột lắm, cứ nằng nặc đòi xem đồ, nếu đúng cụ sẽ thanh toán ngay. Thế nhưng chủ nhà sau một hồi đắn đo lại đề nghị cụ phải đặt trước 2 lạng vàng mới cho xem. Dĩ nhiên là cụ không đồng ý. Chủ nhà lắc đầu: Đây là món đồ quý, cụ xem xong không mua, sợ nó lộ ra công an bắt thì sao? Cuối cùng cụ đành đặt 2 lạng vàng vậy. Đến gần 7 giờ tối, vùng núi trời tối sớm, ông chủ thắp đèn dầu đưa cụ ra một cái lán ven rừng, thắp đèn dầu lôi ra một món đồ đồng hình con lân có sừng, bùn đất lem nhem…
Cụ chưa kịp cầm tay thì ngoài lán có tiếng kêu lớn: Công an đấy… Thế là đèn tắt phụt, tất cả ào chạy. Thần hồn nát thần tính, cụ cũng chạy. May có người đi cùng cụ, đưa cụ về Thái Nguyên rồi về Hà Nội. Tất cả đều yên lành chỉ có 2 lạng vàng là biến mất. Sau này khi người quen cụ về Hà Nội thanh minh với cụ, cụ ôn tồn nói: Nó lừa thế thì ai chả mắc, tại mình tham đồ thôi. Rồi cụ cũng cho ông người quen 2 chỉ vàng, trả cho ông cái công đi lên đi xuống.
Sự lừa ngày xưa nó như vậy. Lạ thay 50 năm sau, sự lừa không đổi mới, nhưng vẫn có thể lừa không phải 2 lạng vàng mà hàng tạ vàng. Tháng 10-2010, công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Cảnh (37 tuổi, trú 1999/1, tổ 15, khu phố 2A, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM), tạm giữ 2 đối tượng Trần Văn Um (43 tuổi, trú xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), Châu Sốc (35 tuổi, trú xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước cơ quan điều tra, Cảnh và đồng bọn khai nhận do biết anh Lê Trường Toàn (Ninh Thuận) đang cần mua đồng đen bán kiếm lời nhưng không am hiểu gì về loại này nên chúng dựng lên màn kịch bằng thủ đoạn lấy một cục đá do Châu Sốc mua từ Campuchia với giá 2 triệu đồng đem về sơn màu đen rồi nói là đồng đen để lừa đảo. Cảnh liên lạc với Toàn và cho biết cần kiếm đồng đen để mua, nếu Toàn có thì Cảnh sẽ mua với giá 3 triệu USD (tương đương 50 tỉ đồng). Song anh Toàn phải đặt cọc với Cảnh theo tỉ lệ là anh Toàn: 1, Cảnh: 10, nếu Toàn tìm được đồng đen, sẽ hưởng số tiền đặt cọc và ngược lại. Về phía đối tượng Um, y báo cho anh Toàn biết có người muốn bán cục đồng đen với giá 10 tỉ đồng, nếu muốn mang cục đồng đen này đến cho Cảnh xem thì phải thế chấp cho người chủ 1 tỉ đồng. Toàn đồng ý mà không biết chúng dựng lên màn kịch bằng thủ đoạn lấy một cục đá do Châu Sốc mua từ Campuchia với giá 2 triệu đồng đem về sơn màu đen rồi nói là đồng đen để lừa đảo.
Tháng 10-2008, Công an quận Tân Bình đã phát hiện một vụ mua bán... “thiên thạch”. Theo lời khai của ông V.X.U. (trú tại huyện Hóc Môn, TP HCM) - người mua “thiên thạch”, cuối tháng 10-2008 ông sang Campuchia tìm mua “thiên thạch” cho một công ty chuyên kinh doanh ở Hà Nội. Ông U đã tìm được một người có “thiên thạch”, thử bằng cách riêng của mình, ông xác định đó là “đá thiên thạch” thật. Hai bên thỏa thuận với giá 4,5 triệu USD, ông U đã giao 5 triệu đồng cho người này, đồng thời hẹn người đó cho người mang cục “thiên thạch” sang Việt Nam. Một người tên Sau Xa Pát đã được thuê để mang “thiên thạch” sang Việt Nam. Kết quả từ Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) cho thấy cục “thiên thạch” là một bát nhang đổ chì bên dưới, chất nhờn bên trong cục “thiên thạch” chỉ là... mỡ bò.
Giữa tháng 4-2007, ông L.C.L. – Giám đốc Công ty địa ốc M.N., được ông T. là chỗ thân tình giới thiệu gặp ông Trần Văn Hồi, tự xưng là Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Thiên Kim Việt Nam đang săn lùng mua... đồng đen về kinh doanh bán lại cho nước ngoài, giá rất hời. Ngay sau đó ông có một người giới thiệu có món đồng đen nặng khoảng 2kg với đơn giá 6 triệu USD/kg.
Theo lời rao, đồng đen tự nhiên có đặc tính “áp diêm quẹt, đá lửa, đinh sắt, nhiệt kế, kính tráng thủy dày 5cm cách vật 10 - 15cm thì diêm quẹt không cháy, đinh sắt bị đẩy ra, kính tráng thủy tinh bị vỡ, nhiệt kế rạn nứt, thủy ngân bị đóng cục...”. Chỉ bằng một màn ảo thuật nhỏ, nhóm lừa đảo đã lừa của ông L 400 triệu đồng.
Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội CA tỉnh Kiên Giang vừa phá một vụ án “lừa đảo đồng đen” quy mô lớn. Bọn lừa đảo đã dùng chì nấu thành cục, bôi đen lừa bán nhiều người, mỗi cục rao bán từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, vậy mà nhiều người đã bị lừa trong mấy năm qua.
Cầm đầu trong đường dây lừa đảo này là vợ chồng Danh Đang (còn gọi Đào Đen, SN1969) và Thị Út (còn gọi Thị Hiền, SN 1969) cùng Danh Gìn (còn gọi Danh Hùng, SN 1976), Danh Viên (còn gọi Danh Duyên, SN 1951), đều ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và Châu Khonl SN 1960 ngụ tại ấp An Lợi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang.
Bọn chúng đã hoạt động trong nhiều năm qua, lừa đảo không chỉ ở địa bàn tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang mà còn đi lừa tận TP.HCM. Thủ đoạn của bọn chúng là lân la làm quen với những gia đình khá giả, có “máu mặt” giả bộ bắn tin đại loại: Có cục đồng đen quí giá là báu vật từ bao đời nay của gia tộc cần bán, hay có cục đồng đen trộm cắp trong ngôi chùa cổ từ hồi chiến tranh… Nếu khách đồng ý thì ra giá bán từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng, tùy cục lớn cục bé.
Sau khi đã gây được niềm tin với “con mồi”, bọn chúng “nhả hàng” và yêu cầu đặt cọc. Có trường hợp ở Bình Chánh (TP.HCM) đặt cọc cả 20 cây vàng, hay như ông Nguyễn Hữu Ơn, phường Vĩnh Quang (TP Rạch Giá, Kiên Giang) bị lừa hơn 100 triệu đồng.
Khi thử “đồng đen” thì dùng 2 cái bật lửa gas, một cái thật, một cái bơm nước lã vào. Cái bật lửa thật được bật cháy lên khi để xa cục đồng đen, và khi đưa cục “đồng đen” lên bàn thì chúng “nhanh tay nhanh mắt” lấy cái bật lửa nước lạnh bật và nói: Các ông (bà) thấy không, bật lửa để gần cục “đồng đen thật” bật bao nhiêu cũng không bao giờ phát lửa…
Những trò lừa trẻ con
Trở lại vụ án CA TP. HCM bắt giữ ngày 21-5-2011. Bước đầu, Phan Văn Diễn khai được một người tên là Quốc giới thiệu Diễn với Nguyễn Ngọc Thành. Thành khoe đang sở hữu đồng đen, chì đen có giá trị lớn, nếu tìm được khách mua sẽ có lợi nhuận cao. Sau đó, qua các mối quan hệ, Diễn biết ông Nia, theo giới thiệu là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng kim loại quý, trong đó có đồng đen, tại Campuchia.
Ngày 16-5, Quốc cho Diễn biết là Thành đã mua được một cục đồng đen tại Tri Tôn, An Giang. Diễn đã điện thoại cho ông Nia tại Campuchia. Ông Nia đồng ý mua đồng đen với giá 60 triệu USD/kg. Ngày 19-5, Diễn thuê xe ô tô đi từ Tây Ninh tới quận 7 đón Thành và Hạnh. Đến Long Xuyên (An Giang), Thành yêu cầu Diễn mua một két sắt, sau đó Thành đưa Diễn đến xã Cô Tô, Tri Tôn, An Giang để gặp một người đàn ông Khơme tên Tám. Thành yêu cầu ông Tám cho xem và thử hàng.
Ông Tám đưa cục hàng lên bàn thờ thử bằng nến thì nến tắt, bật bóng đèn điện thì bóng đèn nổ. Thành cho rằng đó là hàng thật và nói Diễn đưa 100 triệu đồng cho ông Tám. Diễn lấy cục hàng vào trong két sắt khóa lại, còn chìa khóa giao cho ông Tám. Sau khi nhận tiền, ông Tám bảo về nhà cất tiền rồi theo xe lên TP.HCM để bán hàng nhưng ông Tám không quay trở lại và tắt điện thoại. Sau đó Thành và Diễn trên đường mang đồng đen về TP.HCM bán thì bị bắt giữ.
Thật ra các trò lừa này đơn giản như lừa trẻ con. Mỗi nhóm lừa đồng đen, thiên thạch cũng phải đến hàng chục người, có một “trưởng họ”, vài “đại gia” và đám “chân gỗ”.
Đám “chân gỗ” có nhiệm vụ lân la làm quen với những người nhiều tiền, ham chơi đồ cổ, gạ gẫm họ mua cổ vật đồng đen. Tìm được khách, chúng dẫn đến gặp trưởng họ. Thông thường ông “trưởng họ” này sống trong một căn nhà cổ (thường là chúng đi thuê), suốt ngày cúng bái, thắp hương thờ tự “vật quý”. Đám “con cháu” thì nhao nhao, đứa đòi bán lấy tiền chia nhau, đứa nhất quyết không cho bán “vật gia bảo” cụ tổ để lại... khiến khách hàng tin rằng vật đó đặc biệt quý thật. Bước tiếp theo là thử hàng.
Trưởng Công an xã Thái Sơn Phạm Sĩ Khoa kể, đã nhiều lần tận mắt xem họ thử đồng đen và thực sự... khâm phục. Trong căn phòng chật kín người là khách xem hàng, khói hương nghi ngút. Tượng con nghê màu đen đặt trong chiếc tủ ở góc phòng, “trưởng họ” xì xụp cúng bái. Một ông khách cầm tấm kính khá dày bỏ vào trong tủ rồi khoá lại. Lát sau mở ra, tấm kính rạn nứt như ruộng lúa gặp hạn. Mấy người đến gần tủ bật lửa, quẹt hết bao diêm cũng không cháy. Có người còn đốt nến mang đến gần tủ, lửa tắt luôn.
Cũng theo anh Khoa, những thủ đoạn trên thực ra rất đơn giản. Chúng đem tấm kính giống như tấm kính sẽ thử nung vào chảo cát. Khi tấm kính nóng, phun mấy giọt nước vào sẽ rạn nứt hết. Trong lúc thử, chúng sẽ nhanh tay tráo tấm kính rạn vào.
Còn cách nữa, sau khi làm những tấm kính nứt ra, chúng sử dụng một loại chất kết dính đặc biệt dính các vết nứt lại. Khi đặt vào gần cục đồng đen, chỉ nặng tay một chút là kính rạn vỡ như cũ ngay. Với bật lửa, diêm, chúng cũng tráo như vậy, chỉ có điều chúng tráo lúc nào trước bao nhiêu con mắt theo dõi thì quả là tài tình như ảo thuật gia. Cũng có người cẩn thận thuê cả chuyên gia đồ cổ, nhà khoa học, nhà hóa học đi thử hàng bằng những máy móc, phương pháp hiện đại, song cũng không thoát được những mánh khóe của chúng, bởi có thể “chuyên gia” này cũng là người của chúng nốt. Nếu không phải người của chúng sắm vai thì chúng sẽ mua chuộc bằng được.
Khi cách lừa trên cũ rích, người mua đã cảnh giác, thì chúng chỉ lừa đến bước chuẩn bị tiến hành giao hàng. Tức là khi người mua cầm tiền đến, chúng sẽ đóng giả công an xông vào đòi bắt cả người bán lẫn người mua vì tội “mua bán đồ quốc cấm”, thu hết tiền bạc, tang vật rồi... chuồn mất.
Ngay cả những người đã thuộc lòng những trò lừa trên cũng bị những vở mới cho vào tròng. Có một tay ăn mặc lịch sự đị xế hộp đời mới gặp và than thở: “Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đang đặt hàng anh ít đồng đen mà không kiếm đâu ra. Tiền cầm rồi mà không hoàn thành hợp đồng thì toi mạng”. Thế rồi ít lâu sau lại có một tay đến thủ thỉ: Em biết có chỗ có đồng đen mà không biết ai mua. Thế là mắc mưu.
Ngoài lừa đảo đồng đen, thiên thạch, bọn lừa đảo còn lừa món đồng lửa, theo đồn đại là món đồ này cọ vào bất kỳ cái gì cũng bùng lửa. Gần đây cũng với các chiêu tương tự, bọn chúng đang chuyển sang lừa những “vật quý” khác nữa như ngọc minh châu, quốc ấn, vương miện... của vua chúa Trung Quốc có tuổi cả nghìn năm (?!). Địa bàn chúng lừa đảo cũng dần chuyển về vùng sâu, vùng xa như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ... Gần đây dư luận đang âm ỉ về một viên minh châu hàng triệu USD ở đâu dó trên Tây Nguyên… Chắc chắn cũng lừa đảo cả.
Nhưng đồng đen thiên thạch là gì?
Thiên thạch thì đã rõ. Theo các nhà nghiên cứu, thiên thạch là các viên đá có nguồn gốc vũ trụ rơi xuống trái đất cháy không hết và Việt Nam là nước có rất nhiều thiên thạch. Với những người chơi đá phong thủy thiên thạch chỉ có giá 100.000 đồng/kg. Không bao giờ có giá tới hàng triệu đồng chưa nói tới triệu USD. Còn đồng đen chỉ là đồng pha nhiều chì, thiếc và một số kim loại khác, vì vậy có màu đen, còn “đồng đen” có tính chất như đồn đại thì không thể có trên đời. Ông Cao Văn Hồng, nguyên Trưởng phòng Quản lý khoa học công nghệ (Viện Khoa học công nghệ mỏ luyện kim), đã cung cấp một số thông tin liên quan đến đồng đen. “Đồng đen do con người luyện ra. Từ cổ xưa, con người đã luyện nên đồng đen từ quặng. Nó có màu đen và chứa nhiều kim loại quý như vàng, bạc, thiếc… Sự huyền bí của đồng đen chính là do con người đồn thổi nên, đồng đen quý vì nó có chứa những kim loại quý”, ông Hồng nói. Theo ông Hồng, đồng đen khi tách hết các tạp chất thì ra đồng đỏ đẹp. Đồng đen sử dụng trong đúc tượng rất tốt, nhiệt độ nóng chảy thấp (trong khi nhiệt độ nóng chảy của đồng nguyên chất lên tới trên 1.200 độ C), dễ đầy khuôn nên người xưa có thể nấu và đúc tượng được bằng phương tiện thủ công, thậm chí dùng củi lửa để nấu đồng. Còn đồng lửa sản phẩm do lừa đảo tưởng tượng ra, không hề có trong thiên nhiên.
Chúng ta đã kiểm điểm nhiều chiêu lừa với các món đồ có những đặc tính do những kẻ lừa đảo bịa đặt ra. Nguyên nhân để tình trạng lừa đảo với những món đồ này chỉ do lòng tham. Và giải pháp để loại trừ các dạng lừa đảo này là con người phải bớt sự tham lam đi. Và xin nhớ nếu ai phát hiện thấy những thương vụ kiểu này xin báo ngay tới các cơ quan công ạn. Đơn giản là như vậy.