Thẻ rút tiền ngân hàng và chiếc điện thoại Nguyên dùng để liên lạc đã bị công an thu giữ
và lá đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyên từ một bị hại
“Giám đốc” yêu chó mèo
Theo tố cáo của chị Nguyễn Thị Nhung, trú ở TP Hồ Chí Minh, trong tháng 7-2012, có một cô gái đến tổ chức từ thiện yêu động vật tại TP Hồ Chí Minh nơi chị Nhung làm việc, nói với những người quản lý ở đây giám đốc của mình đang có ý định quyên góp, ủng hộ tiền cho trung tâm. Vài hôm sau, Nguyên và cô gái này xuất hiện. Nguyên tự giới thiệu đang làm giám đốc cho một công ty lớn của nước ngoài. Bởi bản thân sớm bị mồ côi từ nhỏ, lại một mình vươn lên trong khó khăn, Nguyên nói rất muốn được chia sẻ với những số phận không may mắn, cho dù đó có là những chú chó, mèo bị bỏ rơi. Nguyên đã tặng cho tổ chức yêu động vật này vài thùng đồ ăn của chó mèo và hứa sẽ sớm quay trở lại. Nguyên còn không quên tạo dáng, ôm, hôn những chú chó mèo để chụp ảnh.
Trước khi ra về, Nguyên yêu cầu tổ chức từ thiện này không được tiết lộ danh tính của mình bởi theo anh ta “làm việc thiện không nên cho người khác biết”. Tuy nhiên, Nguyên đã tạo dựng cho mình một hình ảnh chàng giám đốc trẻ đa tài, yêu động vật, thiên nhiên và sẵn sàng làm tất cả để giúp đời, giúp người trên mạng cá nhân. Lần lượt những địa chỉ blog, facebook của các thành viên trong tổ chức từ thiện yêu động vật này đều được Nguyên ghé thăm. Với những thông tin chia sẻ trên trang mạng cá nhân của mình, Nguyên dễ dàng “hút” được những cô gái đa sầu, đa cảm, có lòng thương người.
Ngoài những hình ảnh về bảng thành tích học tập “khủng”, đứng chung với các sinh viên quốc tế trong nhiều trường đại học danh tiếng, Nguyên còn sử dụng photoshop ghép hình của mình tươi cười đứng giữa một đàn chó, mèo. Sau khi các cô gái này bị mê hoặc bởi những câu chuyện đời đầy nước mắt và cảm động về tính cao thượng của Nguyên, y bắt đầu dùng hàng loạt các nickname khác mở tiếp các trang cá nhân, tâng bốc mình. Và kịch bản đột ngột bị bệnh hiểm nghèo, thiếu tiền chữa trị được tạo ra. Với lòng thương người và muốn giúp đỡ bạn bè, nhiều cô gái đã chuyển tiền cho Nguyên theo yêu cầu của siêu lừa.
“Cao thủ” về ngoại ngữ
Sáng 8-11, tiếp xúc với một số người đã bị Nguyên lừa đảo khi họ tới cơ quan công an tố cáo, PV được chị Nguyễn Thị Hà (SN 1987) kế toán một công ty ở Hà Nội cho biết, vào năm 2011, trong khi chị lên mạng có một nick chat “mèo con” nhảy vào làm quen. Người thanh niên nói tên là Jame quốc tịch Australia. Và kịch bản đã từng “diễn” trong TP Hồ Chí Minh đã được Nguyên mang ra áp dụng với chị Hà. Nguyên còn nói rằng mình bị mồ côi từ nhỏ, rất muốn được có một ai đó sẻ chia vui buồn. Trước câu chuyện cảm động về cuộc đời người bạn này, chị Hà đã đồng ý nhận làm em gái kết nghĩa của Nguyên.
“Khi đó, Nguyên vẫn nói với em là đang làm việc bên Australia, có thể trong thời gian ngắn sẽ được biệt phái về Việt Nam công tác, quản lý một công ty lớn hoạt động trên lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán”-chị Hà thuật lại. Vài tuần sau, chị Hà bất ngờ nhận được tin Nguyên đã bay về nước và ra Hà Nội. Tại đây cả hai đã gặp nhau, nói chuyện, uống cà phê. Khi chúng tôi hỏi nếu Nguyên đã nói đang ở nước ngoài tại sao không trắc nghiệm trình độ ngoại ngữ của anh ta. Chị Hà cho biết khi nói chuyện cũng đã thử nhưng lúc ấy Nguyên “xổ” ra một tràng ngôn ngữ “lơ lớ” giống tiếng Anh nhưng rất khó hiểu. Nguyên nói rằng do ở nước ngoài lâu nên phát âm “gió” chứ không nói tiếng Anh chậm như chị Hà, đồng thời khuyên chị Hà cần phải học thêm ngoại ngữ. Còn khi tiếp xúc với chúng tôi, một câu hỏi đơn giản về tên tuổi được PV viết ra giấy Nguyên cũng không biết. Lý giải cho băn khoăn của chị Hà về đôi mắt một bên mắt xanh lơ, một bên mắt nâu sậm của Nguyên, siêu lừa nói rằng có bố là người Australia, còn mẹ là người Việt Nam. Bộ râu quai nón, khuôn mặt góc cạnh như người Tây Á cùng điệu bộ lịch sự, ga lăng của Nguyên và ánh hào quang về một Việt kiều, giám đốc đa tài của Nguyên đã khiến chị Hà gục ngã. Và sau đó, câu chuyện đột ngột bay vào TP Hồ Chí Minh, bị ngất tại văn phòng rồi được nhân viên đưa thẳng lên máy bay sang Nhật phẫu thuật được Nguyên gửi tới chị Hà.
Nguyên nói rằng tài khoản ngân hàng của mình hiện đang ở một ngân hàng của Anh, không thể chuyển khoản sang Nhật Bản nên tiền chữa bệnh bị thiếu. Do không có ai thân thích nên Nguyên nói vay chị Hà tiền để chữa bệnh, khi nào về nước sẽ trả. Ban đầu chị Hà còn ngập ngừng. Thấy vậy, Nguyên nói nếu chị Hà không tin thì có thể gọi điện vào TP Hồ Chí Minh nơi Nguyên đang nhận nuôi 3 đứa trẻ mồ côi cho ăn học khi đến tuổi trưởng thành. Cùng với đó, hình ảnh và địa chỉ trung tâm từ thiện nơi những em bé mồ côi trắng trẻo, xinh xắn đang nằm nôi được Nguyên cho bú sữa bình được y gửi cho chị Hà để làm tin. Nguyên còn gửi hẳn số điện thoại của một bệnh viện nơi mình đang “điều trị” tại Nhật cho chị Hà. Tin lời Nguyên và không muốn để người anh kết nghĩa phải mất mạng vì thiếu tiền chữa bệnh, chị Hà đã chuyển 16 triệu đồng cho siêu lừa qua tài khoản ngân hàng. Để có được số tiền này gửi cho Nguyên, chị Hà đã phải bán cả đồ đạc, vay mượn bạn bè. Thấy chị Hà nói đã hết tiền, Nguyên còn giục nạn nhân đi vay lãi ngân hàng, bán xe máy.
Ngoài chị Hà, tại Hà Nội ít nhất có tới 3 cô gái đã là nạn nhân của anh chàng “Việt kiều kiêm giám đốc” Đồng Phạm Nguyên. Thậm chí có trường hợp nạn nhân còn tin tưởng đưa Nguyên về nhà ra mắt gia đình để tính tới chuyện lâu dài. Cho đến khi Nguyên bị bắt, một số nạn nhân còn không tin là sự thật, thảng thốt gọi điện đến cơ quan công an hỏi: “Sao lại bắt anh Jame, anh Jack… của em”.