Anh Võ, bố của nạn nhân Đặng Quang Ngọc đang chia sẻ về nỗi đau mất con
Ra đi mong được thoát nghèo
Bầu không khí bi thương bao trùm khắp các ngõ trong thôn xóm. Bên chiếc bàn thờ được dựng vội nghi ngút khói, trên chiếc giường, người đàn bà đang gào khóc thảm thiết. Đó là chị Hoàng Thị Cảnh (44 tuổi), mẹ của nạn nhân. Nhìn vợ khóc con, anh Đặng Quang Văn (48 tuổi) cố giấu những giọt nước mắt đang chực trào ở khóe mi. Uể oải kéo chiếc ghế, anh ngồi xuống cạnh chúng tôi để trải lòng về hoàn cảnh gia đình.
Anh Văn và chị Cảnh yêu và đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ vào năm 1991 và một năm sau vợ chồng anh chị vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Liên tiếp 4 đứa con ra đời, kinh tế lại càng khó khăn hơn. Hai vợ chồng khi đó chỉ biết động viên nhau cố gắng làm lụng để nuôi các con khôn lớn. Vùng đất Bảo Thành chiêm trũng, quanh năm lũ lụt, mùa màng thất bát gia đình anh chị thuộc diện nghèo nhất xóm.
Khi những đứa con lớn dần bước vào tuổi ăn, tuổi học thì cuộc sống của gia đình anh chị càng khó khăn hơn. Nhiều lần hai vợ chồng tha phương vào tận miền Nam làm kinh tế nhưng rồi tình hình cũng chẳng thể khá hơn. Đến lúc này, hai vợ chồng quyết định về quê làm ăn, dù giàu, dù nghèo để gia đình được đoàn tụ. Rồi anh mở xưởng làm mộc, thu nhập có tăng lên đôi chút, nhưng khi xưởng chưa đi vào ổn định thì anh lại đau ốm thường xuyên.
Cha ốm, một mình mẹ không cáng đáng được kinh tế gia đình nên người anh trai đầu là Đặng Quang Trung nghỉ học đi làm nuôi ba em ăn học. Cách đây hơn nửa tháng, Thành quyết định sang Nga mong kiếm thêm ít tiền về lo cho bố mẹ và các em. Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Văn là anh Đặng Quang Võ (42 tuổi), trú cùng xóm - là cha của nạn nhân Đặng Quang Ngọc (20 tuổi) là con chú, con bác với nạn nhân Đặng Quang Thành và cũng là nạn nhân chết cháy ở Nga. Trong căn nhà của gia đình anh Võ, bàn thờ của đứa con trai xấu số cũng đã được dựng lên, bát nhang đang tỏa khói nghi ngút.
Cũng như gia đình anh Văn, khi nhận được tin con mình bị chết cháy, anh Võ như chết đứng không nói được gì, chiếc điện thoại cầm trên tay rơi xuống vỡ nát. Từ khi biết con tử nạn, chị Tuyết (vợ anh Võ) ngất lịm, khi tỉnh dậy, chị gào thét, gọi tên con.
Nỗi đau của người cha, người mẹ
Ngày Thành có quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nga, vợ chồng anh Văn chị Cảnh vui mừng vì có thể đây là con đường để gia đình anh chị thoát nghèo. Ngày làm bữa cơm mời hàng xóm đến liên hoan cho Thanh lên đường, cả xóm chúc mừng anh chị. Nào ngờ mới đi đúng 15 ngày thì xưởng may nơi em làm việc xảy ra hỏa hoạn. Thành và đứa em con chú ruột bị ngọn lửa thiêu cháy chết tại chỗ.
Đưa tay quệt ngang dòng nước mắt đang trào ra, anh Văn nấc lên từng tiếng: “Gia đình nhận được tin cháu nó chết hôm 11-9. Chiều hôm đó tôi bị đau dạ dày nặng nên đang nằm nghỉ ở nhà thì nghe ông Hữu (có con là Tú cũng làm trong xưởng may nhưng may mắn thoát nạn) điện báo tin thằng Thành bị chết cháy ở bên đó. Tôi không tin vào tai mình, còn vợ tôi thì ngất đi ngay khi nhận tin, phải gọi bác sĩ đến nhà cấp cứu”.
Mấy ngày vừa qua, anh Trung là anh trai của Thành đang là bộ đội được nghỉ phép về thăm nhà nhận được tin em trai. Anh Trung chia sẻ: “Không thể tin được em tôi lại ra đi như vậy. Từ hôm nghe tin đến nay, bố mẹ tôi đã suy sụp hẳn. Thật thương em tôi quá, một mình em nơi xứ người lại xảy ra chuyện”.
Nghẹn ngào khi nhắc đến con, anh Võ lau dòng nước mắt chảy tràn trên má cho biết: “Ngọc cũng như Thành, hai anh em đi cùng ngày, cùng chuyến bay. Ra đi ai cùng mừng mong con thuận buồm xuôi gió, riêng tiền chi phí cho chuyến đi của Ngọc hết 50 triệu đồng là vay ngân hàng cả. Thằng Thành cũng thế, nhà nghèo, chúng tôi đều đi vay ngân hàng để cho con đi kiếm thêm thu nhập, ai mà ngờ lại ra cơ sự này”.
Hoàn cảnh gia đình anh Võ cũng không khá hơn so với anh Văn. Sau khi cưới vợ, anh cũng lập một xưởng mộc để kiếm kế sinh nhai. Nhưng thật nghiệt ngã khi cách đây hai năm anh bị một tai nạn, chiếc máy cưa đã cắt cụt của anh 4 ngón tay, sức khỏe anh giảm sút từ dạo đó, làm không được bao nhiêu nữa. Tiền nợ ngân hàng cứ chồng chất. Cuối cùng Ngọc phải bỏ học từ năm lớp 9 để ở nhà phụ giúp bố mẹ lo cho các em. Hiện anh Ngọc còn đứa em út học lớp 12, không biết rồi đây em có đủ sức và nghị lực để bước tiếp trên con đường học tập.
Cùng nỗi đau với gia đình anh Văn, anh Võ, ở Nghệ An còn có 3 gia đình khác cũng chịu cảnh nỗi đau mất người thân bên xứ trời tây. Đó là gia đình nạn nhân Vũ Văn Hồng, trú ở xã Quang Thành, Yên Thành; gia đình chị Phan Thị Ngân ở huyện Nghĩa Đàn và gia đình anh Châu ở huyện Nam Đàn. Nỗi đau mất con như mất đi từng khúc ruột của người cha, người mẹ này, giờ đây họ đang mong ngóng từng ngày để nhận lại thi thể của con, để con của họ được yên nghỉ nơi mảnh đất quê hương.
Chiều 13-9, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của các đại diện Hội người Việt, Hội doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam tại Nga bàn việc hỗ trợ xử lý hậu quả vụ hỏa hoạn tại xưởng may ở thị trấn Yegoryevsk vào chiều 11-9.
Công sứ Phạm Thị Ngọc Bích cho biết, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Nga sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí hỏa táng và chuyển tro cốt về nước cho 14 người thiệt mạng với chi phí dự kiến khoảng 2.000 USD/nạn nhân. Nếu gia đình nạn nhân có nguyện vọng đưa thi hài về nước, Ban công tác đặc biệt sẽ hỗ trợ khoản tiền tương đương chi phí hỏa táng (2.000 USD). Ngoài ra, Ban công tác đặc biệt sẽ hỗ trợ gia đình người bị nạn một khoản tiền trên cơ sở cân đối đóng góp của bà con cộng đồng.Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, Đại sứ quán sẽ tổ chức tang lễ cho các nạn nhân.