Đã bao lần đến với Pù Mát mây ngàn ở huyện Con Cuông, Nghệ An, nhưng lần này tôi đã may mắn không bị lỡ chuyến đò băng ngược sông Giăng để đến với những cánh rừng săng lẻ thâm u mây vờn. Chuyến đi này, ngoài chúng tôi ra chỉ có anh Trần Xuân Cường, Nguyễn Tất Hà, anh Võ Công Anh Tuấn là cán bộ của vườn quốc gia Pù Mát. Thế nên, theo anh Cường thì chuyến này chỉ đi “thu hoạch nghệ thuật”, nên đỡ vất hơn việc đi nghiên cứu như những lần đi trước.
Ngược dòng sông Giăng cũng đã là sự gian khổ rồi. Cái tên sông Giăng không chỉ thử thách lòng người qua con nước, mà còn qua 147 thác ghềnh nguy hiểm. Vậy mà, đối với anh Tuấn, anh Cường, anh Hà thì những chuyến như thế cứ diễn ra như cơm bữa.
Anh Hà kể: “Bà con Đan Lai thực là ân nhân của chúng tôi. Có lần bị lật thuyền, bà con đi bắt cá trông thấy, họ hô hào nhau ra cứu. Rồi thì những chuyến đi rừng, anh em trong đoàn như trở về căn nhà thứ 2 của mình. Bởi với đồng bào Đan Lai ở lõi rừng Pù Mát, dù họ ít tiếp xúc với thế giới văn minh, song tình cảm đối với đồng bào thì rất thật. Họ có thể đi bắt cá, kiếm rau rừng để nấu ăn cho anh em mỗi khi ngủ lại rừng…”. Tình cảm giữa những người “nghệ sỹ” của rừng, với đồng bào Đan Lai cứ gắn bó dần trong mỗi chuyến vất vả như thế. Như những tán cây rừng tỏa bóng cho người in dấu chân không mệt mỏi, như những khe suối làm no cái bụng khi mưa rừng ập đến mà chưa kịp về nhà.
Chuyến đi này, dù ngắn ngủi, nhưng giúp tôi hiểu phần công việc vất vả của những người “săn” thú bằng máy ảnh, phục vụ cho việc nghiên cứu.
Chúng tôi bắt đầu tìm những điều tưởng như vô vọng dưới tán lá xanh bạt ngàn của rừng săng lẻ. Từ chân thác Kèm - con thác dữ dội nhất trên lối đi lên đỉnh Pù Mát - có thể lần theo đường mòn để ngắm cảnh núi non hùng vĩ, đi ngược qua thung lũng Khe Bu hoặc leo núi Pu Loong trong mây ngàn Pù Mát để thỏa sức vượt thách thức của thiên nhiên. Càng leo càng mệt. Càng gần lên đỉnh càng hiểm trở, nhưng đáp lại được cảnh mây trời non nước như sà vào mắt người đi. Mùi ngai ngái của lá rừng, mùi hăng hắc của lá khô mục thốc vào mũi tôi mỗi lúc một đậm đặc. Mỗi bước chân tiến về phía trước, làm tăng nhịp đập của tim nên phải hít thở càng mạnh dần lên. Bất chợt, anh Cường hô to, “có chân hổ đồng chí ơi”!. Anh Hà và tôi tiến lại gần, tôi thì chưa định hình rõ đâu là vết chân, đâu là lá rừng thì anh Hà đã ngắm nghía rồi rút thước trong túi áo ra, đo đạc tỉ mỉ. “Con này mới ngang đây thôi. Chắc chắn có trong “bẫy” rồi”.- kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh Hà vui mừng nói.
Tôi vén mớ dây rừng và bụi sa nhân để lấy lối đi, bất chợt, tia chớp phát ra anh sáng cưc mạnh khiến tôi hết hồn. “Thế là cậu bị lưu hình rồi đó”- anh Cường cười như giải thích. Bẫy ảnh giăng khắp nơi, mà theo các anh chỗ nào nghi ngờ thú hay ngang qua, nhất là gần khe suối, ắt chúng phải xuống uống nước. Nên đặt bẫy nơi này hiệu quả hơn lối mòn trên núi.
“Bệnh viện” ở địa đàng xanh.
Thượng nguồn khe Kèm không có các loại cá lớn, chỉ có những con cá nhỏ cỡ ngón tay. Những đó cũng là món cải thiện cho chúng tôi một đêm ấm bụng. Nhưng rồi điều không mong đợi và lo sợ nhất cũng đến. Cơn mưa rừng đông Trường Sơn chẳng lãng mạn như lời bài hát nào đó. Mà còn làm chúng tôi thêm lạnh buốt thấu da thịt. Trong đêm mưa, có lẽ lại là cảm hứng để ký ức ùa về trong câu chuyện của anh Cường, anh Hà, anh Tuấn. “Thật ra, có lúc tôi đã từng nghĩ chẳng hiểu sao mình chọn việc này, rồi cũng có lúc muốn thay đổi nghề nhưng chỉ thảng hoặc chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm được cả. Người ta bảo ở đâu âu đấy cũng phải. Tôi ở rừng lâu rồi cũng không muốn xa rừng. Có thể đối với anh, mỗi cây rừng, mỗi con thú chỉ là thiên nhiên hoang dại, còn đối với tôi, nó như một người bạn làm tôi vui trong công việc”- anh Cường tâm sự.
Chả là khu bảo tồn rừng quốc gia Pù Mát, có “bệnh viện” để cứu hộ những con thú không may mắn dính bẫy của người đánh bẫy trộm. Mỗi lần đi rừng, gặp thú dính bẫy, anh Cường, anh Hà hay những người khác đều thế, mang chúng về chăm sóc như đứa con thơ, chữa trị đến khi khỏe mới thả chúng về rừng. Hôm tôi đến, anh Cường vẫn đang chăm sóc một chú gấu nhỏ mới sinh. Chú gấu này bị người dân bắt và bán thì bị cơ quan kiểm lâm và công an bắt giữ. Gấu còn quá non, bị lạc mẹ rơi vào tay con người, nên cần phải chăm sóc đến khi biết tự kiếm ăn như bản năng của thú mới thả về rừng.
Và ở “bệnh viện” rừng này, còn nhiều con khác cũng đang được các anh chăm sóc, như khỉ, hươu...Vì vậy, ngoài công việc bẫy ảnh cung cấp cho việc nghiên cứu đa dạng sinh học của rừng, thú quý hiếm... các anh còn phải “nuôi con mọn” nữa. Theo anh Võ Công Anh Tuấn, trong lĩnh vực bảo tồn loài, Pù Mát chẳng những là một khu tầm cỡ quốc gia mà còn có giá trị cho cả Lào và khu vực Đông Nam Á. Nếu được quản lý và bảo vệ tốt, rừng Pù Mát sẽ là nơi lý tưởng để bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cao. Với những giá trị đặc biệt như vậy, rừng Pù Mát thực sự là một khu “rừng vàng” không riêng của xứ Nghệ.
Vườn quốc gia Pù Mát nằm ở sườn phía đông của dãy Trường Sơn, trải dài trên ba huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương ở phía tây nam Nghệ An với diện tích khoảng 91.000km2. Đây là vùng rừng với sinh cảnh chủ yếu là rừng ẩm nhiệt đới núi thấp với các loại cây gỗ và dây leo phát triển mạnh, đồng thời là vùng có đa dạng sinh học lớn nhất tại khu vực đông Trường Sơn. Đỉnh cao nhất vùng là đỉnh Pù Mát 1.841m. Đi rừng nhiệt đới ngày mưa thật sự luôn là một thử thách khắc nghiệt. Những con đường trở nên trơn nhẫy, sẵn sàng quật đổ tất cả, những con dốc cao, gập ghềnh, trắc trở... cả với những người đi rừng rắn rỏi và đầy kinh nghiệm. Để có những điều này, cũng xuất phát từ những bước chân đầu tiên, của những người không ngại gian khó ghi lại. Mà tôi gọi họ là “những nghệ sỹ” của địa đàng xanh.