Công nghệ đào trộm cổ vật

ANTĐ - Mặc dù có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện ma quỷ được thêu dệt xung quanh nhiều cổ vật, nhất là những món đồ được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ. Nhưng chưa bao giờ nỗi sợ hãi từ cõi u minh đó làm chùn bước của kẻ trộm cổ vật. Những món đồ tùy táng vô giá, được chôn theo người quá cố có sức hấp dẫn con người ta đến lạ kỳ. Thậm chí có cả một công nghệ đào trộm cổ vật.
Công nghệ đào trộm cổ vật ảnh 1
Khu khai quật Vườn Chuối, Hoài Đức, Hà Nội

Tự nhận con cháu mộ vô danh

Sau ba tháng thực hiện cuộc khai quật khảo cổ Phụ Sơn lăng - lăng tẩm của vua Trần Dụ Tông (1336-1369) và Nguyên lăng - lăng tẩm của vua Trần Nghệ Tông (1321-1394), các nhà khảo cổ đau xót phát hiện ra, di tích Nguyên Lăng vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước đã từng là nạn nhân của những kẻ đào trộm mộ. Phần nền của khu trung tâm mộ đã bị phá hủy gần như toàn bộ. Theo các nhà khoa học, những kẻ trộm đã đào sâu xuống huyệt mộ, làm bật lên rất nhiều than tro và gỗ, trong đó có các súc gỗ lớn dài 3 - 5m. Ở trung tâm lăng, hiện vật còn lại chỉ là gạch ngói, than tro, vôi bột, mẩu gỗ vụn và hợp chất vốn được sử dụng phổ biến ở các ngôi mộ thời Trần. 

Giáo sư Hoàng Xuân Chinh - Nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam kể, ông từng tham gia nhiều cuộc khai quật cổ mộ, trong số đó có không ít những ngôi mộ, khi các nhà khoa học đến nơi đã thấy bị đào lên xới lại tanh bành, thậm chí có ngôi mộ chỉ còn trơ lại mảnh xương khô của người quá cố cùng một số vật dụng bị vỡ nát. Và quanh những ngôi mộ này luôn được phủ lên màn sương mờ ảo đầy ma mị. Có lần sau khi công việc khai quật khảo cổ tương đối hoàn tất, GS. Hoàng Xuân Chinh và những đồng nghiệp bỗng thấy rất nhiều người kéo đến nhận ngôi mộ vô danh kia là mộ tổ, tay cuốc tay xẻng, người thì bao nọ, bịch kia hằm hằm xông vào khu vực khai quật. Dù trước đó chính quyền địa phương đã cho biết, đây là ngôi mộ cổ không rõ nguồn gốc, mới được người dân phát hiện cách đấy không lâu.

Và quá trình khai quật cũng cho thấy nhiều dấu hiệu đây là một ngôi mộ Hán, vẫn có hàng đàn “con cháu” lũ lượt kéo đến yêu cầu được vào trong để “bảo vệ” phần mộ của tổ tiên. Hỏi ra mới hay, những hộ dân sống gần khu vực khảo cổ thấy các nhà khoa học khuân ra hết thùng này đến thùng kia liền cho rằng đấy là kho báu. Mỗi người thêm thắt một chút thành ra một câu chuyện vô cùng ly kỳ hấp dẫn: Ngôi mộ này là của một vị tướng anh dũng, sau khi chết đã chôn theo vô số vàng bạc châu báu cùng nhiều cổ vật quý giá. Do bị động mồ mả, vị tướng kia đã báo mộng cho con cháu đến bảo vệ phần mộ tổ tiên. Mặc dù đoàn khảo cổ đã cố gắng giải thích, đây là một ngôi mộ từ thời Bắc thuộc, bên trong chỉ còn lại vài vật dụng tùy thân như bát đĩa, chum vại và hầu hết đã bị phá hủy. Một số người ra về trong tâm trạng thất vọng. Số khác lại vẫn “ngùn ngụt khí thế”, và cho rằng đoàn khảo cổ cất giấu đi để hòng chia chác.
 

Nhà khoa học chậm chân hơn… trộm

Theo GS. Chinh, mục đích ban đầu của kẻ trộm mộ thường là những trang sức quý giá được chôn theo người đã mất như vàng nén, vòng vàng đeo tay, đeo cổ. Tuy nhiên, kinh nghiệm nhiều năm làm khảo cổ cho thấy, hầu hết những ngôi mộ cổ ở Việt Nam thường không chôn theo đồ quý giá bởi tâm lý cho nhẹ gánh khi sang thế giới bên kia. Nếu có cũng chỉ là một vài món vật dụng bát đĩa, lọ, vò... Tuy nhiên, sau này đời sống phát triển, những món đồ tùy táng lại càng được giới chơi đồ cổ săn tìm. Những kẻ trộm mộ chuyển sang săn lùng đồ tùy táng. Ông cũng cho biết hiện nay, thị trường đồ cổ được chia thành ba loại chính: đồ đào (đào được trong các cuộc khai quật, đào trộm), đồ vớt (khai quật khảo cổ học dưới nước) và đồ bờ (đồ cha truyền con nối, của gia bảo. Những món đồ này ít, do hầu như những thế hệ sau ít có thông tin về giá trị của món đồ). Tuy nhiên, đồ đào vẫn được yêu thích hơn đồ vớt bởi hiện vật tìm được ít hơn, khó bị “đụng hàng”.  

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ đã phải chào thua giới đào trộm mộ vì sự chuyên nghiệp và thông tin nhanh nhạy của chúng. Còn nhớ vụ khai quật hai ngôi mộ cổ ở khu vực Vườn Chuối, Hoài Đức, Hà Nội cuối năm 2009. Các hố khai quật khảo cổ còn chưa kịp đóng, khu vực chưa được niêm phong trông coi thì đã xuất hiện những tên trộm mang theo thiết bị rà kim loại cày nát cả khu vực để “mót” cổ vật. Dù đã có hai kẻ bị bắt giữ nhưng hàng trăm hiện vật khác như một số đồ đá, rìu đồng, mũi tên đồng niên đại từ hàng nghìn năm trước đã bị lấy mất. 

Xem chừng nếu không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những kẻ đào trộm cổ vật, chúng ta sẽ phải đối mặt với nạn chảy máu cổ vật ở trong nước. Những món đồ cổ lưu giữ bao tinh hoa văn hóa dân tộc Việt gửi gắm trong đó cứ theo chân những kẻ đào mộ mất dạng trong thị trường đồ cổ trong nước và thế giới.