Con trai buôn “hàng trắng”, bố “từ quan”!

ANTĐ - Chết lặng người nghe tin người con trai cả buôn "hàng trắng", Phó Chủ tịch HĐND xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã "từ quan" về ở ẩn.
Đương là Phó Chủ tịch HĐND xã ngày ngày đi rao giảng cho đồng bào về tác hại ghê gớm của “con ma thuốc phiện”, nhưng ông cũng không thể ngờ rằng, người con trai cả, khúc ruột buốt xót của mình lại đang tâm đem “cái chết trắng” reo rắc cho đời.

Quá đớn đau và tủi hổ, ông xin “từ quan” về ở ẩn nơi xó rừng hiu hắt. Ông là Sùng Chứ Dềnh (nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), bố đẻ của tử tù Sùng A Dũng (SN 1986).

Cựu quân nhân “buông súng” buôn “hàng trắng”
Ngồi lặng im trong ráng chiều quặn đỏ, ông Dềnh mân mê mãi tấm ảnh cậu con trai. Mấy ngón tay ông răn reo, rờ rẫm trên khuôn hình có in mặt Sùng A Dũng trong bộ quân phục với nụ cười sáng lóa. Mắt ông nhìn xa thẳm. Có cảm giác, chẳng cần nhìn vào tấm ảnh, ông cũng có thể mường tượng ra “da thịt thằng Dũng” mà ông đã hết mực thương yêu và đặt rất nhiều kỳ vọng. Tịnh không giọt nước mắt nào lăn, nhưng người ta có thể cảm nhận được nỗi đau của người bố già nua, khắc khổ kia. Nỗi đau ấy, nó không được giải thoát bằng nước mắt, nó đang quặn từng cơn, vò xé trong lòng. Ông cầm điếu thuốc, nó cứ cháy mãi, cháy mãi đến tận kẽ tay xương xẩu, khi đó, ông mới chợt giật mình...

Mỗi lúc buồn, ông lại lấy ảnh đứa con trai ra vừa ngắm vừa trò chuyện

Trong mấy người con, ông Dềnh có phần yêu chiều Dũng nhất. Dù gia cảnh chẳng có gì dư dả, ông vẫn cố cho cậu con trai ăn học đàng hoàng. Ở cái xã Na Ư này, nơi từng được mệnh danh “Thung lũng tử thần”, thì những thanh niên “có ăn, có học” như Dũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi, chỉ sau khoảng gần chục năm bị “cơn bão trắng” tràn qua, Na Ư xơ xác, tiêu điều. Cả xã có đến 11 án tử hình, 10 lệnh truy nã đặc biệt, gần 50 án tù từ 15 năm đến chung thân vì ma túy. Thanh niên trai tráng rủ nhau đổ đời theo ma túy để rồi “dắt” nhau “dựa cột” hoặc vào trại “ăn cơm Nhà nước”. Na Ư hiu buồn vì vắng bóng đàn ông...
Không học lên cao, Dũng chọn con đường binh nghiệp với ước mơ cháy bỏng sau này sẽ trở thành người lính bảo vệ, giữ gìn biên cương tổ quốc. Mà kể cả ước mơ đó có không thành sự thật, thì với bản lý lịch sáng lạn “không tỳ vết” như thế, chỉ cần ở nhà vài tháng là Dũng có thể đã được cấp uỷ, chính quyền mời gọi, tiến cử tham gia công tác tại địa phương. 
Bản thân ông Dềnh cũng mong như vậy. Ông muốn cậu con trai sau khi xuất ngũ sẽ về làm anh cán bộ xã, để bố con được gần nhau, để ông còn có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Tính thế cho nên, ông Dềnh đã “nhắm” trước cho Dũng một vị trí trong bộ máy chính quyền xã Na Ư, nơi ông đang công tác với cương vị Phó Chủ tịch HĐND. Thậm chí, ông đã chọn sẵn cả “con dâu tương lai” là một cô gái xinh đẹp ở bản bên. Chỉ chờ Dũng về, ông sẽ nhờ “bà mối sang nhà người ta nói chuyện”.


Sùng A Dũng tại Cơ quan điều tra

Nhưng oái oăm thay, ông tính không bằng… trời tính. Vừa xuất ngũ, “buông súng” ở nhà với bố được ít ngày, Dũng theo chúng bạn qua biên giới buôn “hàng trắng”. Vậy là, “thằng Dũng” mà ông Dềnh nâng niu, che chắn, hy vọng, giờ nó cũng không thoát khỏi cái vòng kiềm tỏa, nanh vuốt tàn độc của “con ma thuốc phiện”.
Đêm 26-12-2007, Dũng bị bắt quả tang khi đang vượt núi mang “vàng trắng” về Na Ư. Ông Dềnh chết đứng. Chỉ qua vài đêm, tóc ông bạc trắng như sương muối. Đến lúc ấy ông mới biết, từ lâu nay, “thằng Sùng A Dũng có khuôn mặt đẹp như bông hoa trên đỉnh núi Hua Thanh” kia không phải đi “kua gái” như nó từng nói với ông mỗi khi trời tối, mà là nó như con thú hoang luồn rừng mang “cái chết trắng” về reo rắc khắp bản làng.
Ngày Dũng bị đưa ra xét xử, ông lọ mọ “cơm đùm, cơm nắm”, băng rừng đến Tòa từ đêm hôm trước. Bố con nhìn nhau mừng mừng, tủi tủi. Dù ông đã đoán biết phần nào kết cục của con trai, nhưng khi nghe Tòa tuyên án tử hình, ông như người rơi từ đỉnh núi vòi vọi xuống thung lũng Mường Thanh. Trước khi Dũng được đưa về phòng biệt giam dành cho các tử tù, ông Dềnh chỉ kịp dúi cho con nắm cơm nấu vội từ đêm trước.
Nhớ con, mang ảnh ra ngắm và trò chuyện
Sau khi Sùng A Dũng bị bắt và lĩnh án tử hình, quá đau đớn và tủi hổ, ông Dềnh làm đơn xin từ chức. Bởi đối với ông, danh dự người đàn ông Mông cao như ngọn núi. “Con mình không dạy nổi, nói ai nghe?”, ông cứ lặp đi, lặp lại mãi cái điệp khúc hiu buồn đó như tự trách mình. Nỗi ân hận vì đã “không dạy được con” cứ đay đả hắt mãi vào ông, ăn mòn cả tinh thần và thể xác.
Khi có điều kiện, ông lại cuốc bộ hàng trăm cây số đường rừng xuống thăm con ở trại giam. Lần nào ông cũng an ủi, động viên Dũng thành khẩn khai báo và yên tâm cải tạo. Sau đó, từ những thông tin mà Dũng cung cấp, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ thêm hàng chục đối tượng cộm cán trong đường dây vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn ở Điện Biên.
Ngày trước, ông Dềnh nổi tiếng là một cán bộ xã năng nổ, nhiệt tình. Giờ đây, ông suốt ngày chỉ loanh quanh trong căn nhà tối hủm nằm sau nách núi. Đêm nào trước khi đi ngủ, ông cũng mang ảnh con trai ra ngắm nghía và… trò chuyện. Thỉnh thoảng có việc gì cần lắm, ông mới ra khỏi nhà. Ông xấu hổ khi phải chạm mặt bà con, dân bản, những người từng “đốt đuốc đến nhà Phó Chủ tịch để nghe rao giảng về “con ma thuốc phiện”!”.
Cũng chính vì quá đau buồn, tủi hổ, đã mấy lần ông Dềnh định ra bìa rừng “cưỡi lá ngón về trời”. Ông bảo, cũng may còn có mấy đứa cháu ngoại, chúng đã “kéo” ông lại với trần gian. Từ ngày bọn trẻ đến ở cùng, căn nhà cũng bớt phần hiu quạnh, ông dần thấy mình cần phải sống. Và, ông bắt đầu hành trình xin ân giảm án cho con. Pháp luật khoan hồng, đến đầu năm 2012, lá đơn xin ân giảm của tử tù Sùng A Dũng được Chủ tịch nước chấp nhận. Không chỉ Dũng được sống, mà ông Dềnh cũng như được “hồi sinh”…
Ông bảo, ông biết con mình “thân mang trọng tội”, được như thế là đã mãn nguyện lắm rồi. Giờ đây, ông đã có thể thanh thản sống nốt quãng đời còn lại. Ông chỉ có mỗi tâm nguyện rằng, ở trong trại giam, Sùng A Dũng, con ông, biết chắt chiu, trân quý từng phút sống mà chuyên tâm cải tạo, gột rửa quá khứ để hoàn lương. Và, ông cũng mong, từ cuộc đời đầy nghiệt ngã và bi kịch của gia đình ông, sẽ là “bài học sống” cho mỗi người khi đứng trước lằn ranh của cái thiện và cái ác. Đồng thời, nó cũng sẽ làm thức tỉnh những kẻ đã và đang ngày đêm mang “cái chết trắng” reo rắc khắp các bản làng nơi biên viễn.