“Con đường ma túy”
Nữ phạm nhân đó là Lê Thị Tuyết (SN 1964), ở tại 187, tiểu khu 4, thị trấn Mộc Châu, Sơn La, bị bắt ngày 15-10-1998 vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian trước khi phạm tội, chị là bác sĩ của bệnh viện huyện, ngoài ra chị còn mở thêm một phòng khám tư tại nhà. Tại phòng khám của mình, tầng 1 chị dành để khám chữa bệnh thông thường và bán thuốc; còn tại tầng 2 chị nhận cai nghiện cho các con nghiện trong thị trấn. Và, việc nhận cai nghiện tại gia này chính là bước ngoặt đưa chị đến với “con đường ma túy”.
Chuyện là, các con nghiện những tưởng tìm đến phòng khám của chị để cai nghiện nhưng thực chất là để ngấm ngầm mua, bán, trao đổi ma túy với nhau. Thời kỳ đầu các con nghiện còn kín kẽ, dần dần càng lộ liễu, dễ một tham hai, tại phòng khám của chị bắt đầu xuất hiện những kẻ buôn bán ma túy lẻ. Ban đầu từ phạm vi trao đổi giữa các con nghiện với nhau đã mở rộng ra việc mua bán, giao hàng ma túy lẻ ngay tại phòng khám của chị. Câu chuyện này được kể đến đây hẳn không ít người sẽ đặt câu hỏi rằng tại sao chị lại chấp nhận cho hoạt động trái phép này? Chị được lợi gì từ những kẻ mua bán, những con nghiện?... Chị Tuyết kể trong xót xa: “Những hành vi này không qua được mắt tôi, nhưng có điều là đáng nhẽ phải ra sức phản đối, không cho phép những người này làm chuyện phạm pháp trong nhà mình thì tôi lại bỏ mặc cho ai thích làm gì thì làm. Chính sự dễ dãi, sự quản lý lỏng lẻo của tôi đã biến một phòng khám uy tín của thị trấn thành nơi chứa chấp, buôn bán và sử dụng ma túy công khai”.
“Lúc đó thật sự tôi không nghĩ nhiều, vẫn biết việc buôn bán, sử dụng ma túy là phạm pháp, nhưng tôi cứ nghĩ mình không có liên quan gì đến việc mua bán đó nên mình hoàn toàn vô can”. Nhưng chị đã lầm, lẽ đời đôi khi vẫn không theo cái mà người ta nghĩ, chính sự mặc nhiên thừa nhận sự trái pháp luật, không tố giác đã khiến chính những kẻ đang mua bán cái chết trắng tại chính ngôi nhà chị ngầm hiểu rằng chị cũng đồng lõa muốn tham gia cùng bọn chúng, muốn chia lợi nhuận. Để dễ dàng làm ăn và tránh rủi ro bị phát giác, chúng đã tìm cách lôi kéo chị trở thành đồng bọn của chúng. Từ đây, “con đường ma túy” dẫn chị đến với bi kịch cuộc đời bắt đầu… cho đến ngày vướng vào tù tội.
Bản án tử hình
“Đầu tháng 10-1998, khi tôi đang khám chữa bệnh tại phòng khám tại nhà thì có một người quen dẫn một người đàn ông to béo tên là Quân đến nhờ khám vết bỏng ở bắp chân do ngã xe máy. Sau khi khám và băng bó xong, 2 ngày liên tiếp sau đó Quân lại đến phòng khám của tôi để rửa và thay băng. Trong quá trình khám, Quân và tôi có nói chuyện qua lại với nhau và dần trở nên thân thiết… Sau này Quân đã hỏi tôi ở cơ sở cai nghiện của chị có nhiều người nghiện không, có ai hít thuốc không, có ai bán heroin không và ngỏ ý nhờ tôi tìm người bán heroin để Quân mua. Tuy không tham gia vào việc mua bán ma túy nhưng từ chính những kẻ mua bán ma túy chuyên cung cấp ma túy cho những con nghiện tại phòng khám của mình, ngày 12-10-1998, tôi đã tìm gặp Trần Đăng Dung (SN 1961), ở tại tiểu khu 8, thị trấn Sơn La để nhờ tìm mua ma túy. Một hôm Quân đến thay băng và hỏi tôi đã tìm được chưa, lập tức tôi đã gọi điện cho Dung và đưa máy cho Quân nghe. Dung đã hẹn Quân ngày hôm sau đến xem hàng. Sáng ngày 14-10, Dung đã đến phòng khám của tôi đón Quân đến nhà một đối tượng tên là Hua, ở bản Co Cháy, xã Lóng Xập, thị trấn Mộc Châu. Hua tiếp tục dẫn Dung và Quân đến nhà Lầu A Trọ.
Tại đây, con trai của Trọ là Mua đã lấy 10 bánh heroin cho Quân và Dung kiểm tra. Quân đồng ý lấy 6 bánh heroin với giá 8.000USD/cặp và hẹn Mua 9h tối ngày 15-10 đem hàng ra nhà tôi” - Lê Thị Tuyết kể lại “Vì nể nang nên mới móc nối giúp cho người đàn ông tên Quân mua ma túy chứ tôi không hề có ý định mua bán hay kiếm chác gì cả. Những tưởng vai trò của tôi trong phi vụ mua bán này chỉ dừng lại ở đó thì… Đúng giờ hẹn, khi các đối tượng giao 6 bánh heroin của Quân mua đến phòng khám, tôi đã cùng Dung và Quân đem thuốc vào buồng để kiểm tra hàng, phương thức trả tiền. Tôi còn đưa cho Quân vỏ hộp thuốc Gentamincin gói hàng lại để cho Quân và phụ xe của Dung là Lò Văn Hải (SN 1969), ở bản Áng, xã Đông Sang, Mộc Châu mang đi cất. Khi đến Bến xe Mộc Châu, phát hiện thấy lực lượng Công an nên Quân bỏ chạy. Hải đã bị lực lượng Công an phát hiện, bắt và thu giữ 6 bánh heroin”.
Từ đây, vụ án mua bán trái phép chất ma túy với khối lượng lớn với sự giúp sức của một nữ bác sĩ được hé lộ. Tại bản án sơ thẩm ngày 24-9-1999, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tuyên phạt Trần Đăng Dung, Lò Văn Hải và Lê Thị Tuyết mức án tử hình; Lầu A Trọ mức án chung thân. Sau đó, Lê Thị Tuyết đã có đơn kháng cáo. Nhưng với những chứng cứ phạm tội không thể chối cãi, nên phiên tòa phúc thẩm đã xử y án sơ thẩm đối với Lê Thị Tuyết và các đối tượng trong vụ án.
“Ngôi sao may mắn”
Bản án tử hình - Lê Thị Tuyết không thể ngờ được rằng cái giá phải trả cho lần đầu tiên trong đời dính dáng đến ma túy lại nghiệt ngã đến thế. Sau khi kháng án không thành, Tuyết dường như tuyệt vọng chỉ chờ ngày ra pháp trường lạnh giá. Đúng trong cái thời khắc giọt sống đếm ngược, may mắn lúc đó đứa con trai thứ 3 của chị chưa đủ 36 tháng tuổi nên chị được miễn thi hành án tử hình theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự. Đứa con trai bé nhỏ đã cứu rỗi cuộc đời chị, “ngôi sao may mắn” ấy đã cho chị một cơ hội để làm lại cuộc đời, dù là án chung thân nhưng muộn còn hơn không…
Cuộc đời đã trải qua nhiều biến cố, dù năm tháng đã bào mòn tuổi xuân, nhưng gặp lại phạm nhân Lê Thị Tuyết vẫn thấy chị là một người đàn bà đẹp với nước da trắng. Nhớ về quá khứ, chị nói rằng ông trời đã ban tặng cho chị nhiều may mắn cho đến khi chị tự tay phá hủy nó. Chị kể với chúng tôi rất nhiều về tuổi thơ êm ấm, về bố mẹ và các em, về những giai đoạn khó khăn nhưng bố mẹ chị vẫn luôn cố gắng hết sức để nuôi nấng 5 người con ăn học thành tài. Bản thân chị sau khi tốt nghiệp cấp III, được bố mẹ cho đi học Trung cấp Y tế, sau này về làm tại Bệnh viện đa khoa của huyện thì tiếp tục đi học lên đại học. Chị lấy chồng năm 21 tuổi. Chồng chị cũng làm trong cơ quan Nhà nước. Hai người quen và yêu nhau từ sự vun đắp của gia đình hai bên. Sau khi ổn định kinh tế được vài năm thì những đứa con bé bỏng lần lượt ra đời. Khi các con đến tuổi đi học, được sự giúp đỡ của gia đình hai bên, cộng với số tiền tích cóp được, chồng chị đã giúp chị mở một phòng khám tư ngay tại nhà. Và cũng chính tại cái phòng khám tư ấy, đang là người có tất cả mọi thứ, bỗng chốc tự tay chị hủy hoại đi tất cả. Chị bảo: “Mỗi lần nghĩ đến đó, tim tôi thắt lại, tôi có lỗi với tất cả gia đình, người thân và những người luôn yêu quý, tin tưởng tôi. Đối với tôi những tội lỗi đó là quá lớn và không bao giờ nói được thành lời”.
Có lẽ ông trời vẫn muốn thử thách người đàn bà trót mang tội lỗi này. Trong lúc nỗ lực cải tạo để sớm về với gia đình, chồng con, thì người chồng đã không còn kiên nhẫn để đợi chị sau 14 năm dài đằng đẵng. Anh đã chọn cho mình một con đường đi riêng mà trên con đường ấy “người bạn đồng hành” với anh là một người phụ nữ khác. Chị xót xa: “Tôi không trách anh ấy, vì tôi là người có lỗi khi không làm tròn trách nhiệm của một người vợ, người mẹ là chăm sóc chồng con. Án của tôi cũng quá dài, nên biết trước sớm muộn gì anh ấy cũng phải xây dựng cho mình một hạnh phúc riêng. Nhưng khi nhận được tin chồng lấy người khác tôi bị sốc và rất buồn. Lúc đó anh ấy vẫn còn giấu không cho tôi biết, và đơn ly hôn cho đến giờ tôi vẫn chưa nhận được…”. Nỗi đau chưa nguôi, chị lại tiếp tục nhận thêm một tin dữ là mẹ chị đã qua đời. Niềm thương nhớ đứa con gái dại dột không lúc nào nguôi. Trong một lần cầm tờ báo có bài viết về chị, nhìn thấy đứa con gái gầy sọp, hao mòn trong bộ quần áo phạm nhân trong bức ảnh, bà đã bị tăng huyết áp đột ngột và qua đời. Khi nhắc đến mẹ, chị đã khóc, chị trách mình đã không được ở cạnh để chăm sóc bố mẹ lúc về già, là nguyên nhân gây ra cái chết của mẹ. Chị thương mẹ đến quay quắt, lúc đó nếu không nghĩ về con chắc chị đã không còn muốn sống nữa.
Sau những giọt nước mắt vì ám ảnh tội lỗi, vì những chuyện buồn cứ dồn dập tìm đến, thì ánh mặt, gương mặt chị bỗng thoáng vui khi tôi hỏi về những đứa con của chị. Chị khoe về 2 cô con gái học hành giỏi giang, đều đỗ đạt đại học. Cậu con trai thứ 3 cũng chính là “ngôi sao may mắn” của cuộc đời chị cũng đang ngày ngày phấn đấu để thi đỗ đại học. Không giấu được niềm vui, chị thổn thức: “Chúng nó có nhận thức, có hướng đi đúng đắn, ngoan ngoãn, biết dẹp bỏ dư luận và những chuyện buồn trong gia đình để đứng lên. Nhất là con bé đầu, dù thi trượt đại học tới 3 lần nhưng nó không nản lòng một chút nào, nó bảo vì mẹ nên phải phấn đấu đi học cho bằng được, để người ta khỏi khinh mẹ. Nghe nó báo đã đỗ đại học vào lần thi thứ 4, tôi mừng rớt nước mắt, không biết nói gì nữa mà chỉ ôm nó vào lòng rồi 2 mẹ con cùng khóc. Nhìn các con, người mẹ như tôi thấy xấu hổ vô cùng”. Đường về với chị nay cũng đã ngắn lại, hiện chị đã được giảm án từ chung thân xuống 20 năm… Mong muốn cháy bỏng nhất của chị bây giờ là cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về với các con, làm chỗ dựa tinh thần cho các con trong những tháng ngày phía trước.