Thằng bé giãy lên đành đạch, nước mắt nước mũi hòa vào nhau tèm lem trên mặt, vừa khóc, nó vừa mếu máo gào lên bằng cái giọng thảm thiết: "Đừng bắt con di... trại giáo dưỡng”… vẫn biết rằng cho con tham gia "học kì thứ 3" đang là "mốt" của các bậc phụ huynh và cũng là một phương pháp giáo dục đem lại hiệu quả không thể không thừa nhận, song bên cạnh đó vẫn còn có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.
Đi học về còn... "lắm chiêu" hơn!
Có cậu con trai bướng bỉnh, khó bảo nên bố mẹ Trương Hoàng D rất đau đầu trong việc dạy bảo con cái. Thời buổi bây giờ, thanh niên hư hỏng, nghiện ngập, cờ bạc chẳng thiếu, ngoài xã hội thì đầy rẫy những cạm bẫy, lọc lừa, chỉ trực chờ để "nuốt chửng" những cô cậu thanh niên mới lớn, chập chững bước vào đời. Ngay trong nhà đã có một tấm gương nhãn tiền là cậu anh con nhà bác, mới tí tuổi đầu đã học đòi hút thuốc, lô đề, rượu chè, tụ tập đánh nhau rồi bị đuổi học khi vừa mới hết lớp 10... đến nỗi được liệt hẳn vào "danh sách đen" của thanh niên phường. Bởi vậy mà bố mẹ D càng thêm lo lắng.
Từ nhỏ, D đã tỏ ra là cậu bé có cá tính rất mạnh, thường chỉ thích làm theo ý mình, không chịu nghe lời khuyên răn của ai, ngay đến đòn roi của bố, D nhiều khi cũng đã "trơ lì". Bước vào tuổi mới lớn, cá tính của D ngày càng phát triển theo nhu cầu thể hiện bản thân. Ở lớp, D thường xuyên bị phê bình vì vi phạm kỉ luật, còn trong lối xóm, D luôn bị nhắc nhở vì bắt nạt, gây gổ với đám bạn cùng tuổi.
Lên lớp 9, D bị chuyển vào danh sách "học sinh cá biệt". Từ một cậu bé thông minh, lanh lợi, học giỏi, D trở thành đứa trẻ lười biếng, ham chơi, học hành ngày càng sa sút, tính tình lại ngỗ ngược, nóng nảy. Bố mẹ D rất xấu hổ vì tuần nào cậu con trai yêu quý cũng được nêu danh trong số những học sinh vi phạm kỉ luật và bị điểm kém nhiều nhất. Mọi lời khuyên nhủ đẫm nước mắt của mẹ cho đến cả roi vọt cứng rắn của cha đều không để lại hiệu quả lâu dài đối với câu con trai đang tuổi lớn. Kì nghỉ hè là thời gian mà bố mẹ D lo lắng nhất vì cậu con yêu quý đã không còn thuộc sự quản lí của nhà trường, bố mẹ thì quá bận công việc không thể ngày nào cũng kè kè theo sát con từng li từng tí. Nghỉ hè, D lại được dịp trở thành "đứa trẻ đường phố", thỏa sức chơi bời, lêu lổng.
Một vài lần nhìn thấy con trai lẫn trong đám thanh niên tóc nhuộm vàng hoe, áo mở phanh cúc tới tận ngực đang xúm đông xúm đỏ trong quán bi-a, điện tử, hò hét cá cược, tu bia ừng ực như nước, bố mẹ D phát hoảng, sợ con mình hư hỏng, sa ngã vì chơi với đám bạn xấu, bố mẹ D nghĩ cách cách ly cậu bằng việc đăng kí cho D tham gia một khóa "học kì quân đội". Khóa học được nhiều người ca ngời là cực kì có hiệu quả, không những rèn luyện cho con trẻ ý chí, tính tự lập, ý thức tự giác mà còn mang tính giáo dục, hướng trẻ vào những hoạt động có ích, khơi gợi lòng yêu nước, yêu thương gia đình... Những ích lợi ấy rất thiết thực song nghe nhiều quá cũng ù cả hai tai, đọng lại trong tri nhớ của bố mẹ D chỉ có duy nhất một ý nghĩ: "Sẽ không phải bận rộn vì quản lí đứa con trai khó dạy", và biết đâu đấy, sau khi học xong một khóa, thằng bé sẽ khá hơn. Nói là làm, bố mẹ D hối hả đi đăng kí cho cậu nhóc tham gia khóa học hè đó mà chẳng quản đến chuyện tiền nong, giá cả.
Ngày "lên đường nhập ngũ", trái với sự lo lắng của các bậc phụ huynh, D tỏ ra rất háo hức. Suốt đợt học, không thấy con trai kêu ca, than vãn gì, cũng chẳng thấy khóc vì nhớ nhà như những đứa trẻ khác, bố mẹ D rất yên tâm. Ngày về, cậu nhóc còn luyến tiếc chia tay đám bạn cùng phòng và không quên hẹn "năm sau gặp lại". Thấy con trai rắn rỏi, tự tin hẳn ra, bố mẹ D mừng lắm, đinh ninh rằng con mình "đã nên người lắm rồi". Chẳng ngờ rằng chưa đầy một tuần sau, D đã gây ra hàng loạt các rắc rối mới.
Cậy mình có sức khỏe, lại được tập luyện "như bộ đội" nên D càng ra sức bắt nạt đám bạn cùng lứa, thậm chí còn chẳng ngại ngần "thượng cẳng chân, ha cẳng tay" vì cho rằng... mình "có võ". Chẳng những thế, sau kì học, cậu nhóc còn thu nhận được thêm vô số "mánh khóe", "tuyệt chiêu" tinh ranh, quái đản mà đám bạn cùng phòng vẫn thường "trau dồi, học hỏi" lẫn nhau, từ những chiêu để bỏ học, trốn học, quay cóp đến nói dối bố mẹ, "bí kíp" trèo tường, leo rào... "Học kì thứ 3" vô tình đã trở thành một khóa học mà bọn trẻ tự "đào tạo, chia sẻ" với nhau những "kĩ năng" tinh quái mà ở ngoài chúng khó lòng học được. Rất tự hào về các "chiến hữu" của mình, D chia sẻ: "ở ngoài rất khó để gặp được những đứa bạn hợp cạ như thế!". Còn bố mẹ D thì thở dài ngao ngán: "Nếu ngoan ngoãn, dễ bảo thì chắc bố mẹ chúng nó cũng không phải cho con đi huấn luyện như vậy. Vào đó gặp nhau rồi, chúng nó chẳng khác nào... cá gặp nước!".
Trốn nhà vì sợ... đi trại giáo dưỡng
Gia đình chị Nguyễn Ngọc H (Gia Lâm, Hà Nội) đã được một phen nhốn nháo vì đi tìm cậu quý tử bỗng dưng trốn nhà đi bụi. Quý tử nhà chị vốn là một cậu bé nhút nhát, từ nhỏ đã quen sống trong vòng bảo bọc, nâng niu của cha mẹ, ông bà. Là con trai duy nhất trong gia đình, lại là "đích tôn" nên L, quý tử nhà chị H, luôn được nuông chiều. Gia đình chị H khá giả nên dù đã 14 tuổi mà L vẫn chưa một lần phải tự tay giặt quần áo cho mình. Từng bữa ăn, giấc ngủ của cậu luôn được chăm chút tận tụy bởi ba người giúp việc, một người chuyên lo chuyện giặt giũ, một người chuyên lo cơm nước đúng theo các món cậu quý tử yêu cầu, một người chuyên nhắc nhở chuyện học hành, đưa đón...
Ba người lớn chỉ để chăm sóc một cậu nhóc, bởi vậy, L chưa hề phải tự tay làm bất cứ một việc gì cho bản thân, dù là nhỏ nhất nhất. Là con trai nhưng tính tình L chẳng khác nào một cô bé, luôn e dè, nhút nhát. Đến lớp, bị các bạn trêu là "ái", L chỉ biết khóc thút thít rồi về nhà... mách bố mẹ. Bị đám trẻ con trong xóm bắt nạt, cậu cũng chỉ biết khóc toáng lên rồi về nhà gọi ông bà ra... giải quyết. Tuy đang bước vào tuổi dậy thì song L vẫn không thể tự lập, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác.
Thấy sự phát triển "bất ổn" của cậu quý tử, bố mẹ L rất lo lắng, muốn rèn giũa, chuẩn bị cho con trai một hành trang tốt trước ngưỡng cửa cuộc đời. Bố mẹ L quyết định không thuê người giúp việc và tập cho cậu con trai tự phục vụ những nhu cầu tối thiểu của bản thân, song chỉ trong một ngày đầu tiên, mọi việc trở nên rối tung rối mù và nằm ngoài tầm kiểm soát của bố mẹ L, từ việc đi học muộn, quên sách vở, quên giờ học đến chuyện bỏ bữa vì không nấu nổi một bát mì để ăn sáng...
Thương con song bố mẹ L vẫn phải "cắn răng" thực hiện những biện pháp mạnh để giáo dục tính tự lập cho cậu con trai yêu quý của mình. Tuy vậy, mọi biện pháp đều trở nên bất lực với cậu bé đã quen sống ỷ lại vào người khác. Nghe bà bạn rĩ tai có một chương trình giáo dục gọi là "học kì quân đội", là cách để giáo dục tính tự lập và bản lĩnh cho trẻ rất hiệu quả, bố mẹ L lập tức đăng kí cho con tham gia. Sợ rằng khi biết về "học kì thứ 3" khắc nghiệt mà bố mẹ đã chuẩn bị sẵn cho mình ấy, L sẽ sợ hãi, trốn tránh nên vợ chồng chị H rất cẩn thận giữ bí mật với con. Không ngờ, đó lại là một quyết định sai lầm.
Nghe mấy người làm trong nhà bóng gió với nhau về việc bố mẹ sẽ cho cậu đi "quân ngũ" vào mùa hè này, cậu nhóc L càng hoang mang, lo sợ. Không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, chỉ nghe mấy đứa bạn dọa dẫm: "Đi như... đi tù vậy, khổ cực lắm, bị nhốt, bị ép..." là cậu nhóc đã sợ xanh mặt. Về nhà, thấy cái vẻ bí ẩn của bố mẹ, L càng thấp thỏm hơn. Ngày nào cậu cũng mơ ác mộng, mơ thấy những cảnh tù đày trên phim ảnh. Không hiểu thế nào là "học kì quân đội", không được tiếp cận thông tin, lại không được bố mẹ chuẩn bị tâm lí, L sợ hãi đến mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng đinh ninh rằng sắp bị... cho đi trại giáo dưỡng. Ngày cuối cùng của kì học để bước vào đợt nghỉ hè, L thậm chí còn không dám về nhà.
Đến khi bố mẹ tiết lộ cái tin "hốt hoảng" rằng đã đăng kí cho L tham gia một đợt "trại hè đặc biệt", cậu nhóc lăn ra đất, giãy đành đạch, gào khóc thảm thiết, song vẫn không lay chuyển được ý định của bố mẹ. Ngày hôm sau, khi chuẩn bị xong hành trang cho cậu quí tử lên đường, bố mẹ L mới tá hỏa vì không tìm thấy con trai đâu. Sau hơn một ngày huy động mọi người đi kiếm, bố mẹ L mới phát hiện ra cậu con trai đang "tá túc" ở nhà một cậu bạn vì sợ bị bắt đi "cải tạo". Vừa thương, vừa giận, bố mẹ L không nỡ đánh mắng con, chỉ trách mình sao không nói rõ để cậu bé hiểu, sẽ bớt đi được rất nhiều phiền toái.
Đòi đi tu vì tin rằng mình... có "căn"
Đã tốn không biết bao nhiêu tiền để đưa "cậu ấm" đi chữa chạy hết bệnh viện tâm thần này đến bác sĩ tâm lí khác, song bố mẹ Trịnh Phúc H vẫn rất đau lòng vì cậu con trai duy nhất lúc cũng ngơ ngác, bần thần như... người ở cõi khác. Vốn là đứa trẻ thông minh, ham học nên H rất mê đọc sách. Nhà khá giả nên H được bố mẹ ưu ái thiết kế riêng hẳn một thư viện trong nhà gồm hàng trăm đầu sách quý để cậu bé tha hồ học hỏi, tìm hiểu. Từ khi biết đọc đến khi đã học gần hết lớp 8, thú giải trí duy nhất của H chỉ là đọc sách. Những chồng sách kinh viện cứ cao dần lên theo tuổi đời của H, nhưng lại tỉ lệ nghịch với kiến thức thực tế về đời sống của H.
H biết rất nhiều, hiểu rất rộng, song khi đối diện với đời sống thường nhật thì cậu lại ngơ ngác, lúng túng. Cứ hết giờ học là H lại vùi mình vào sách. Cậu bé có thể giam mình cả ngày trong thư viện riêng để đọc mải miết, say mê mà chẳng hề quan tâm tới bất kì điều gì đang xảy ra bên ngoài. Phòng sách đối với H như một thiên đường có đủ mọi điều thú vị mà câu nhóc thỏa sức khám phá. Sách là người bạn tốt, nhưng không giống như những người bạn bằng xương bằng thịt kia. Sách biết nhiều hơn, điềm tĩnh hơn, hiền lành hơn, không đe dọa và không làm H sợ hãi. Mang ý nghĩ ấy trong đầu nên càng ngày H càng xa rời cuộc sống, xa rời bạn bè, ngay cả đến người ruột thịt như bố mẹ, đôi khi cậu cũng tỏ ra xa cách.
Lo lắng trước những biểu hiện bất thường của cậu con trai, bố mẹ H đưa cậu nhóc đi khám và được bác sĩ chẩn đoán là mắc bệnh tự kỉ, trầm cảm, không có khả năng giao tiếp... Tuy nhiên, bệnh của H mới ở giai đoạn đầu và có thể khỏi nêu được chữa trị tích cực. Những lời phán bệnh của bác sĩ làm bố mẹ H suy sụp, đứa con mà họ đã đặt bao kì vọng và luôn luôn tự hào khi nhắc tới bỗng dưng lại bị cho là phát triển không bình thường khiến họ rất sốc. Chẳng ngại tốn công, tốn của, bố mẹ H dồn hết sức để chữa trị cho cậu con trai yêu quý, chỉ mong sao H mau ổn định, trở lại thành đứa trẻ bình thường. Mỗi lấn nhìn thấy con mình ngồi thu lu trong (góc phòng đọc sách, miệt mài đọc như nuốt từng con chữ trong khi những đứa trẻ khác đang vui vẻ nô đùa ngoài bãi cỏ ngập nắng, bố mẹ H không khỏi đau lòng.
Họ hết đổ lỗi cho nhau rồi lại tự trách mình đã không quan tâm đúng đắn đến con, không chăm lo cho sự phát triển cân bằng của nó... Nhưng mọi lời trách cứ, hối hận đều chẳng thể làm căn bệnh của H thuyên giảm. Được giới thiệu một khóa học "tu" dành cho trẻ em ở thiền viện, bố mẹ H lập tức đăng kí cho cậu tham gia. Được nhiều người ca ngợi là đem lại kết quả xuất sắc nên bố mẹ H rất kì vọng cậu con trai vào đó sẽ hòa nhập với đám bạn cùng tuổi, tìm được sự tĩnh tâm để sẵn sàng bước vào cuộc đời.
Không hề phản kháng, H nghe theo mọi sự sắp đặt của cha mẹ, cậu nhóc ngoan ngoãn lên đường tới thiền viện "học tu". Song H đã nhanh chóng phải bỏ dở khóa học vì càng ngày, cậu càng lầm lũi, ít nói, thu mình hơn. H tỏ ra không thể hòa nhập với đám bạn cùng trang lứa. Tuy vậy, đến khi được bố mẹ đón về nhà, H lại khóc lóc thảm thiết xin được ở lại, thậm chí cậu nhóc còn có ý định trở thành một nhà tu thực thụ vì tin rằng mình... có duyên với nhà Phật. Nhiều ngày sau đó, dù được sự động viên, khuyên răn hết lòng của cha mẹ nhưng H vẫn một mực cạo trọc đầu và kiên quyết ăn chay để hướng Phật. Trước sự quyết tâm của con, lại sợ làm con tổn thương trong lúc đang mang bệnh, bố mẹ H đành cắn răng chiều lòng cậu.
Nhưng căn bênh trầm cảm ngày càng nặng nề hơn, đến nỗi H chẳng còn buồn bước chân ra khỏi căn phòng, ngày nào cậu cũng trầm mặc, ưu tư một điều gì đó mà ngay cả bố mẹ cậu cũng không thể hiểu nổi. Các bác sĩ được mời đến thăm bệnh, sau một thời gian dài thử đủ các phương pháp, cũng đành bó tay. Nhìn đứa con khôi ngô, thông minh, lanh lợi ngày nào nay bỗng trở nên ngu ngơ, câm lặng, sợ hãi ngay cả với những người ruột thịt của mình, lòng bố mẹ H đau như cắt. Mỗi ngày thức dậy, đối diện với cậu con trai, họ đều bảo nhau rằng: "Giá đừng cho nó lên chùa, có lẽ...".
Giáo dục kĩ năng sống lệch lạc, con hoang tưởng về bản thân
Phạm Hương L (11 tuổi) là cô bé nhút nhát, sống thu mình. Là con út trong gia đình nên L rất được cha mẹ, anh chị cưng chiều. Từ nhỏ, thể trạng L đã yếu ớt hơn những đứa trẻ khác, sợ con ra ngoài mắc bệnh nên bố mẹ L vô cùng hạn chế cho L ra khỏi nhà, ngay cả việc học thêm hay vui chơi cũng đều thu hẹp trong một căn phòng. Cũng bởi vậy mà L không có bạn, lúc nào cô bé cũng lủi thủi một mình, tự học, tự chơi, độc thoại với những con búp bê... Lớn hơn một chút, sức khỏe của L khá dần lên, song bởi nghĩ con mình không quen va chạm, sợ ra ngoài sẽ bị người ta bắt nạt, lừa đảo nên bố mẹ L càng giữ gìn con gái hớn. L đi học luôn có người đưa đón để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người ngoài và tuyệt nhiên cô bé không được đi chơi cùng bạn hay tham dự các hoạt động ngoại khóa, dù là do nhà trường tổ chức. Song trong cái vòng bao bọc ấy nên càng lớn L càng rụt rè, nhút nhát. Mỗi khi có khách đến chơi nhà, L thường lấy cớ tránh mặt hoặc ngồi cúi gằm mặt suốt buổi, chẳng nói chẳng rằng. Bước sang tuổi dậy thì, khi những cô bé khác lanh lợi, giao tiếp, đối thoại đều nhanh nhẹn, hoạt bát thì L vẫn như một cô bé con, cái gì cũng phải nhờ bố mẹ nói hộ.
Một lần, khi đang ở trường, L bị kẻ xấu lừa mất chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền một cách ngoạn mục, cũng bởi cô bé quá ngây thơ, tin người. Sau lần đó, bố mẹ L mới chợt nhận ra rằng họ không thể bảo vệ cô bé 24/24 mà phải trang bị cho con gái yêu của mình những kĩ năng sống tối thiểu để có thể tự lập. Vả lại, L rất tự ti về bản thân. Lúc nào cô bé cũng nghĩ rằng mình thua kém các bạn, không có tài năng gì, lại chẳng thông minh, xinh đẹp... Nhiều đêm L nằm khóc thút thít chỉ vì nghĩ rằng mình là một "con vịt xấu xí" không được ai yêu quý. Một lần bị điểm kém, bị cô giáo quở trách, L đã cho rằng mình là kẻ "chẳng làm nên trò trống gì" và không bao giờ có thể bằng được chúng bạn. Chứng kiến tất cả những chuyện ấy, bố mẹ L rất lo lắng, đến khi đó, họ mời cuống cuồng tìm cách trang bị kiến thức để con bước vào đời. Song việc làm này chẳng hề dễ dàng bởi kỹ năng sống không phải là một bài học thuộc lòng mà là cả một quá trình, trong đó, sự tự đúc rút, trải nghiệm là vô cùng quan trọng, nhưng ngặt một nỗi, cô bé L đã quen sống trong sự nâng niu của cha mẹ lại chẳng có gì để trải nghiệm.
Đau đầu vì con, lại bận rộn công việc, không có thời gian để trò chuyện nhiều với L, bố mẹ L quyết định cho con gái theo học một lớp đào tạo kỹ năng sống "cấp tốc". Chỉ trong l0 buổi học ngắn ngủi để biến một cô bé vốn nhút nhát, rụt rè có được sự tự tin quả là không hề dễ dàng. Nhưng sau một khóa học vỏn vẹn ấy, L có sự thay đổi rõ rệt. Nhân sự tiến bộ vượt bậc của con gái, bố mẹ L lại ra sức "bồi dưỡng" cho con lòng tự tin đến nỗi cô bé có biểu hiện của sự "quá liều". Được bố mẹ tâng bốc, khen ngợi hết lời, ngày nào cũng được nghe những câu khích lệ như: "Con tôi giỏi số 1!", "Con gái bố không ai bằng!"... L lại tưởng rằng mình là "số 1" thật, lúc nào cũng bồng bềnh trong sự hoang tưởng về bản thân.
Ở lớp, L cho rằng mình là học sinh giỏi nhất nhưng bị cô giáo trù dập, mỗi lần bị điểm kém, L chẳng những không cố gắng để được điểm cao hơn mà còn tị hiềm với các bạn, khóc lóc ra điều cô giáo đã thiên vị bạn. Mỗi lần mắc lỗi sai, L đều tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà chẳng bao giờ chịu nhìn ra cái sai của mình, dù người lớn đã nhiều lần khuyên nhủ. Càng ngày, căn bệnh "hoang tưởng" của L càng nặng nề hơn, đến nỗi cô bé trở nên bảo thủ, lúc nào cũng khăng khăng chỉ có mình là đúng, không chịu nghe lời ai khác, kể cả cha mẹ.
Vậy mới biết, cái gì cũng có hai mặt tốt và xấu, kể cả giáo dục. Do vậy, các bậc phụ huynh cần sáng suốt trong việc dạy dỗ con em mình, đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời để những chuyện dở khóc dở cười kia không còn tái diễn.