Giờ mảnh đất Mai Châu, Hòa Bình đã thành "con gà đẻ trứng vàng". Bởi du lịch khám phá miền hoang sơ được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến, như để hưởng một phong vị riêng của đất trời Tây Bắc. Nhiều người đến với vùng đất Mai Châu, nhưng không phải ai cũng biết rằng, người dân nơi đây từng phải trải qua một thời đen tối và tủi nhục.
Ông Hà Công Biên: "Vụ thảm sát ở đồn Đồng Uống đã giết chết cả trăm người dân vô tội"
100 người bị giết hại
“Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”- Con đường Tây Tiến giờ đổi thay trong cuộc sống mới. Mảnh đất trữ tình một thời là mảnh đất chết của những nạn nhân vô tội mà những người dân Mai Châu từng phải đi qua những trang đen tối, nhớ mãi không quên. Thoắt cái, đã 60 năm kể từ khi vụ thảm sát 100 người dân lành xảy ra ở đồn Đồng Uống...
Ông Vi Xuân Đức- chủ tịch UBND xã Mai Hạ, huyện Mai Châu nhớ lại: “Sau hơn 60 năm xảy ra, ai cũng biết ngày tăm tối đó, nhưng đến giờ tất cả đã chỉ là ký ức đau thương. Chúng tôi đang mong muốn có nơi tưởng niệm để ghi lại tội ác man rợ của quân xâm lược. Khi ấy đồn Đồng Uống (xã Mai Hạ) do giặc Pháp lập trong những năm 1947 – 1949. Sau khi chúng bất lực trước nhiều hoạt động của Việt Minh nên bọn chúng đã trả thù bằng cách gây ra cái chết cho khoảng hơn 100 người dân Mai Châu…”
Mai Châu giờ đã trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước
“Tôi sắp nghỉ hưu. Điều mong nhất là được cấp trên quan tâm đầu tư cho xây dựng khu tưởng niệm những người bị giặc Pháp giết ở đồn Đồng Uống. Huyện, xã và nhân dân ủng hộ lắm. Thậm chí trước đây chúng tôi còn mời cả họa sỹ về thiết kế, phác họa phù điêu, lập đề án xây dựng khu tưởng niệm. Nhưng chẳng hiểu sao đến giờ nó lại bị... chết yểu”- ông Đức buồn rầu nói.
Thung lũng Mai Châu trong sương sớm
Cuộc hành hình man rợ
Dấu vết xưa vẫn còn đó ở khu đất của đồn Đồng Uống, Mai Hạ, Mai Châu. Người biết đến dần cũng già, người trẻ ở Mai Châu lớn lên ít biết đến. Cứ như thế này rồi cũng sẽ mất hết, cho dù đó chỉ là ký ức. Ông Đức vẫn còn giữ bản tự khai của người từng đi lính cho Pháp. Lời thú tội của người lầm đường đã ăn năn, và day dứt, trăn trở: “Tôi tên là Khà Văn Loan ở xóm Nghẹ xã Vạn Mai... năm 1947 tôi đi lính cho Pháp đóng ở đồn Đồng Uống... trong thời gian đi lính cho pháp ở đồn Đồng Uống từ năm 1947 đến năm 1949 tôi đã tham gia bắn giết những người bị coi là Việt Minh bị bắt và đưa về đây... Trong khoảng thời gian đóng đồn ở Đồng Uống, đã có khoảng hơn 100 người nghi là Việt Minh bị bắn giết”.
Còn nữa, nhiều nhân chứng ở Mai Hạ, Mai Châu vẫn còn sống, họ từng chứng kiến những vụ bắn giết dã man của giặc Pháp và tay sai ở đồn Đồng Uống. Chúng tôi đã đến gặp ông Hà Công Biên, ở Chiêng Hạ, Mai Hạ. Ông Biên năm nay đã 71 tuổi nhưng vẫn còn thảng thốt khi nhắc đến chuyện man rợ một thời: “Thời điểm đấy tôi mới lên 9 tuổi. Hồi ấy, tôi chứng kiến lính tây ở đồn Đồng Uống bắn giết liền lúc cả chục người".
Những dòng ghi của ông Đức về khu đồn Đồng Uống, Mai Châu
Lần theo ký ức của những người trong cuộc, chúng tôi gặp được ông Khà Phúc Dằng, Bí thư huyện ủy Mai Châu, Hòa Bình, ông cho biết: “Đồn Đồng Uống được lập năm 1947 nhằm án ngữ tuyến đường 15 huyết mạch nối giữa vùng đồng bằng với vùng Tây Bắc. Với vị trí chiến lược đó, ngoài lập đồn, thực dân Pháp còn xây dựng sân bay dã chiến ở đây”.Trong khoảng thời gian 2 năm tồn tại của đồn Đồng Uống, quân Pháp và bè lũ tay sai triệt để thực hiện chính sách tìm và diệt. Chúng thường xuyên đi càn quét bắt bộ đội, du kích về giam ở đồn. Thường thì chúng chỉ giam giữ một vài ngày rồi lại mang ra bắn. Mỗi lần bắn dăm, bảy người một lượt. Lần nhiều đến cả chục người. Tội ác của chúng thật khó dung thứ. Nó đưa người ta từ trong nhà giam ra bắt tự đào huyệt rồi xếp hàng trên bờ hào. Còn binh lính thì cứ ở trong xả đạn. Người chết đổ luôn xuống hố đào sẵn.
Bản làng Mai Châu thanh bình từng một thời chìm trong chết chóc
"Thực tế từ những năm chưa tách tỉnh, huyện cũng đã tổ chức sưu tầm tư liệu để làm bia tưởng niệm, ghi lại chứng tích tội ác của giặc Pháp nhưng rồi cuối cùng cho đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Trong số những người bị bắn giết ở đồn Đồng Uống có nhiều người là cán bộ Việt Minh hoạt động ở vùng Mai Châu, Thanh Hóa và thượng Lào. Thời kỳ đi sưu tầm tư liệu, chúng tôi còn được một bà cụ là người giã gạo cho binh lính đồn Đồng Uống kể lại là hầu như không có ngày nào vào làm phu dịch trong đồn là bà không chứng kiến cảnh bắn giết"- ông Khà Phúc Dằng nói
(Còn nữa...)