Cảnh sát trại giam và những màn đấu trí có một không hai

ANTĐ - Với những kinh nghiệm nghề nghiệp, các cán bộ Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội đã phát hiện ra nhiều vụ giấu đồ “kinh điển”, mà nếu hình dung ra, hẳn người ta sẽ dựng tóc gáy.

Thật khó có thể tưởng tượng, những đồ vật như điện thoại, tiền, vàng, ma túy, bật lửa, thậm chí cả lưỡi cưa, lại được các can phạm liều lĩnh giấu vào những chỗ hiểm. Đàn bà giấu kiểu đàn bà, có thể là nhét trong búi tóc cặp ngược lên, nhưng nhiều nhất vẫn là giấu trong... chỗ kín, đàn ông giấu kiểu đàn ông, đảm bảo các cán bộ trại giam không thể nào tìm được nếu chỉ dùng tay kiểm tra bên ngoài. Nhưng, với những kinh nghiệm nghề nghiệp, các cán bộ Trại tạm giam số 1 Công an Hà Nội đã phát hiện ra nhiều vụ giấu đồ “kinh điển”, mà nếu hình dung ra, hẳn người ta sẽ dựng tóc gáy.

1.001 CHIÊU TRÒ

Một cái bắt tay, một cái ôm, thậm chí giả vờ... tát nhau, cũng có thể cho ra sản phẩm là một vài tép... heroin. Những trò này quá cũ nhưng thỉnh thoảng lực lượng Cảnh sát bảo vệ Trại tạm giam (chuyên dẫn giải các bị can đi xét xử tại tòa) vẫn gặp. Người nhà, bạn bè của đối tượng tranh thủ lúc người thân được dẫn giải ra xe về trại, họ gửi theo thuốc lá, quần áo, đồ ăn, thậm chí cả... dép. Nhưng là những đôi dép đặc biệt. Đó là những đôi dép “thửa”, được đặt hàng từ cơ sở sản xuất, có đế dày hơn và rỗng hơn. Một nhát cắt ngang đế sẽ hở ra một khoảng rộng vừa đủ để đút vào đó điện thoại, ma túy và những thứ linh tinh khác, rất cần cho một kẻ ở tù. Sau đó, vết cắt được dán lại bằng băng keo, cực kỳ tinh vi.

Một cảnh sát bảo vệ dẫn giải bị can đi tòa kể: “Họ hoán đổi dép cho nhau; nghĩa là họ đi hai đôi dép giống nhau, khi có điều kiện thuận lợi, chỉ trong một tích tắc, dép người này đã ở chân người kia. Chúng tôi chỉ có thể phát hiện nhờ vào kinh nghiệm. Nhìn thấy đôi dép nào “lạ” là biết ngay, bởi khi bước đi nó sẽ không có độ vẩy như những đôi dép thông thường”. Đồ được gửi vào nhiều nhất vẫn là ma túy.

Mới đây nhất, trung tá Tô Hùng Mạnh - cán bộ Đội tổng hợp, kiểm soát cổng kể, một người nhà phạm nhân đã gửi vào cho người thân một chiếc quần sooc rất đẹp, được may khéo léo, chất vải đẹp và nhìn qua cũng biết là hàng xịn. Khi cán bộ kiểm tra lần xuống gấu thì bất ngờ kẻ gửi đồ ba chân bốn cẳng chạy thục mạng, mất hút ngoài cổng. Một gã bạn khác đã nổ sẵn xe máy đợi, chúng rồ ga phóng mất dạng. Khi dùng dao chích gấu quần ra, bên trong là những “túi” nylon được se nhỏ đựng heroin dài suốt hai cái gấu quần.

Cảnh sát trại giam và những màn đấu trí có một không hai ảnh 1
Mỗi ngày Trại tạm giam số 1 Hà Nội tiếp nhận hàng trăm ký quà

Nhét ma túy vào quần áo, đồ ăn là chiêu thức cũ, nhưng nhiều kẻ vẫn sử dụng. Vì là nguyên tắc, nên bất cứ thứ gì khi gửi vào trại cũng phải được kiểm tra kỹ lưỡng, phải cắt ra nếu đó là đồ ăn. Khi Trại tạm giam số 1 còn chưa có căng-tin phục vụ như bây giờ (yêu cầu người nhà mua thực phẩm tại căng-tin để gửi vào cho thân nhân nhằm tránh việc gửi đồ cấm từ ngoài) thì người thân của can phạm vẫn gửi đồ ăn từ ngoài vào.

Có những chiếc bánh gatô được gửi đúng vào ngày sinh nhật can phạm, trang trí rất đẹp, đẹp đến nỗi thậm chí cán bộ cũng cảm thấy ngại ngần khi dùng dao cắt nó ra trước mặt chủ nhân. Nhưng cắt rồi mới thấy sự cẩn thận của mình không thừa khi ở giữa chiếc bánh là những gói ma túy được đựng trong túi nylon. Hoa quả chúng cũng không chừa, từ chuối, cam, quýt, mít, dừa... đến ống hút, miễn là quả nào có vỏ, vật nào có lỗ rỗng, cũng rất có nguy cơ bị đút ma túy vào.

Mỗi ngày, ở Trại tạm giam số 1 có khoảng vài trăm kilogam quà tiếp tế được gửi vào. Khi các trại tạm giam còn chưa có vách ngăn mica trong buồng thăm gặp như bây giờ, thì việc ngăn chặn tuồn đồ cấm vào trại thực sự nan giải. Người nhà hoặc bạn bè đi thăm phạm nhân, có khi họ đi đôi dép giống nhau, mặc những chiếc áo khoác giống nhau, khi có cơ hội là trao đổi. Khi vách ngăn mica ngăn trở việc trực tiếp gửi đồ cấm thì chúng dùng thuốc lá đốt cháy lên rồi gí thẳng vào vách ngăn. Chỉ cần một lỗ tròn, nhỏ bằng một xăng-ti-mét vuông thôi cũng đủ để tuồn qua đó vô số thứ. Điều đó lý giải tại sao ở một số phòng thăm gặp phạm nhân, vách ngăn mica luôn có những lỗ đục cháy vàng khè.

Một chiêu nữa là đổ heroin lên... tóc. Một vài tép được trút thẳng vào giữa đỉnh đầu, đến khi về buồng, đối tượng chỉ cần dùng lược chải ra. Việc hôn nhau (vụng trộm) ở phòng thăm gặp cũng “gửi gắm” trong ấy là những chỉ vàng, những tờ tiền được vo viên lại nhỏ xíu. Kẻ được “hôn”, chỉ cần nuốt chửng vào bụng, đi lọt qua cổng, về đến buồng giam là lại tìm cách cho ra bằng đường tiêu hóa. Những “khổ nhục kế” này xem ra vẫn rất hữu dụng, nhất là đối với các đối tượng được dẫn giải ra tòa xét xử, vì họ có nhiều cơ hội tiếp cận với người nhà, bạn bè.

Cảnh sát trại giam và những màn đấu trí có một không hai ảnh 2
Chiếc điện thoại giấu trong đế dép lỗ thủng vách ngăn mica để tuồn ma túy cho phạm nhân

“CẮM PHÍCH”

Đó là một từ lóng mà bất cứ kẻ nào từng ở trại cũng biết. Đồ cấm được chúng đút vào bao cao su rồi nhét thẳng vào hậu môn, vào âm hộ. Nhiều vụ “cắm phích” đã bị phát hiện vì muốn vào tới buồng giam phải qua ba vòng kiểm tra hết sức cẩn thận. Ở Trại tạm giam số 1, gần đây, khi kiểm tra một bị can nữ trước khi nhập trại, cán bộ trại này phát hiện một chiếc điện thoại bé bằng hai ngón tay, được chị ta nhét vào trong bao cao su rồi giấu vào chỗ kín. Nhiều khi không cần kiểm tra “chi tiết”, mà chỉ cần nhìn dáng đi, các cán bộ giàu kinh nghiệm cũng có thể phát hiện được họ có giấu trong người cái gì hay không.

Rất nhiều đồ được “cất” trong vùng kín mà không ai có thể tưởng tượng nổi như... bật lửa, lưỡi cưa, thuốc lào, và chính những vật phẩm nguy hiểm này đôi khi gây ra những vụ cấp cứu hy hữu có một không hai. Cách đây không lâu, các cán bộ nữ phát hiện một đối tượng phạm tội mua bán ma túy giấu được tới mấy chục triệu đồng trong chỗ kín của chị ta. Sự việc này ngoài sức tưởng tượng, đến nỗi một cán bộ nữ làm nhiệm vụ kiểm tra đã xót xa nói với đối tượng: “Sao phải khổ sở thế này?”.

Tiền, vàng là những thứ can phạm thường tìm cách mang vào trại nhất. Có kẻ cất vào chỗ kín, có kẻ lại chọn cách nuốt chửng. Trước đây, chúng thường “cho ra” rồi nhặt lại, bây giờ thì chỉ cần về đến buồng, một cốc nước muối loãng hoặc một chén xà phòng giặt pha vào nước sẽ giúp chúng “tiêu hóa ngược” tất cả những gì đã nuốt vào bụng.

Việc trực tiếp đưa “hàng” vào bụng đôi khi gây ra những hệ lụy kinh hoàng. Nhiều vụ cấp cứu do nuốt ma túy đã xảy ra. Heroin khi vào dạ dày, túi đựng bị rách, ma túy ngấm trực tiếp vào cơ thể gây sốc nặng, có trường hợp dẫn đến tử vong. Trước đây, có đối tượng giấu bật lửa và thuốc lào trong hậu môn, không ngờ bật lửa rò rỉ gas khiến chất độc trong búi thuốc lào ngấm thẳng vào trực tràng gây tử vong. Đó là những cái chết lãng xẹt.

Cảnh sát trại giam và những màn đấu trí có một không hai ảnh 3
Trại giam bán đồ tiếp tế để tránh gửi đồ cấm cho phạm nhân

Nhiều bạn bè, người thân phạm nhân đã dính vào vòng pháp luật khi “thương” kẻ đang ở tù một cách thái quá. Cách đây không lâu, tôi gặp một phạm nhân 17 tuổi trong Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam. Cô bé tên là Lưu Ngọc Mai, bị bắt khi gửi ma túy vào cho anh trai đang thụ án ở Trại giam Nam Hà. Hoàn cảnh gia đình Mai rất đáng thương, bố mẹ đều đã chết vì bệnh nan y, anh trai bị giam ở Trại Nam Hà vừa bị bệnh tim lại vừa bị bệnh thận, nó sa chân vào ma túy để mong làm giảm những cơn đau đớn của bệnh tật. Đến khi mắc nghiện, nó cùng một thằng bạn đi cướp giật để lấy tiền hút hít. Trở trời, căn bệnh tái phát khiến toàn thân đau nhức, nó gọi điện về nhà vừa đe dọa vừa khẩn khoản xin cô em gái mang ma túy lên thăm mình.

Thời điểm ấy, cô bé Mai bán hàng nước ở sân vận động Mỹ Đình để kiếm sống, tiền cũng chẳng có nhưng vì thương anh, cô đã nhờ ông xe ôm đầu ngõ đi mua giúp mấy tép heroin, rồi nhét vào trong hộp thịt như lời thằng anh dặn. Không ngờ khi gửi đồ vào, bị cán bộ Trại giam Nam Hà phát hiện, Mai bị bắt quả tang và phải lĩnh án. Số phận cô gái có nước da trắng xanh vì căn bệnh thận di truyền từ người mẹ luôn là nỗi ám ảnh đối với tôi. Không hiểu những kẻ đang thi hành án trong các trại giam còn muốn gây hệ lụy tới người thân của mình tới bao giờ?