Làng Đăk Ôn (huyện Đăk Glei, Kon Tum) nằm ngay ngã ba Đông Dương, nơi "3 nước nghe chung một tiếng gà gáy", nơi đồng bào dân tộc thiểu số là tộc người Hà Lăng định cư lâu đời trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cũng chỉ nơi đây, 12 bộ trang phục bằng vỏ cây có tuổi hàng trăm năm vẫn được lưu giữ qua bao đời mang trong đó tinh thần, văn hóa riêng của người Hà Lăng.
Hàng tháng ròng đi tìm cây làm áo
Theo trưởng thôn A Xen, muốn làm một chiếc áo vỏ cây, người đàn ông Hà Lăng phải rất vất vả đi hàng tháng trời trong rừng sâu tới được vùng có cây Loong Phoong về làm áo. Họ chọn những cây Loong Phoong to bằng cỡ bắp chân, không bị hư hại, chặt từng khúc dài khoảng 1,5m đến 2m, bóc lớp vỏ bên ngoài rồi dùng dao lột lấy lớp lụa giữa phần thân cây và vỏ, bởi lụa của cây Loong Phoong mềm mại, dai mới làm được áo và màu sắc áo mới đẹp.
Những lớp lụa được đưa ra ngâm dưới suối hoặc trong nồi lớn khoảng 2 tháng. Sau đó vớt ra, dùng chày răng cưa đập nhuyễn, phơi khô trong bóng râm. Khi những lớp lụa của cây Loong Phoong đã khô, lại đến công việc của người phụ nữ Hà Lăng: tách thành từng cọng nhỏ, se thành sợi và dệt. Chưa dừng lại ở đó, tìm cây Loong Phoong đã khó, tìm chỉ La Plâh để đan lại càng khó hơn. Vì chỉ duy nhất dây La Plâh mới làm được chỉ đan áo. Loại dây này vừa trơn vừa chắc nhưng rất hiếm. Tìm được rồi công đoạn làm chỉ cũng rất công phu. Dây La Plâh được chẻ nhỏ cho vào ống nứa đun sôi liên tục, đun càng lâu thì sợi chỉ càng chắc. Sợi chỉ bằng dây La Plâh xỏ xuyên qua từng sợi Loong Phoong, kết thành áo.
Trưởng thôn A Xen cho biết: “Mình nghe ông cố kể lại, xưa kia giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, có sự tranh giành đất đai, nhờ các tấm áo vỏ cây này mà dân làng mình luôn giành phần thắng. Khi mặc tấm áo này vào, gươm, dao chặt khó đứt... Hơn nữa, trước đây dân làng nghèo lắm, không đủ áo để mặc. Cha ông mình đã tìm tòi, sáng tạo ra loại áo bằng vỏ cây này, vừa để mặc ấm, vừa làm tấm đắp. Ai có được tấm áo, tấm đắp bằng vỏ cây là thuộc hạng người giàu có. Muốn sở hữu được một tấm đắp vỏ cây người ta phải đổi con heo 1 thước (dài 1 khuỷu tay người lớn), cùng nhiều vật dụng khác hoặc bằng 30 ly vàng (khoảng 3 chỉ vàng ròng)”.
Mỗi tấm áo vỏ cây phải ròng rã dệt 3 tháng trời mới thành. Áo nặng khoảng 2 kg, không dùng khuy cài áo mà dùng sợi dây để choàng, quấn chặt thân người...
Người Hà Lăng mặc trang phục vỏ cây biểu diễn cồng chiêng |
Gìn giữ như báu vật
Trong số 12 bộ trang phục bằng vỏ cây hàng trăm năm tuổi gần như còn nguyên vẹn của người Hà Lăng ở làng Đăk Ôn đang gìn giữ, có 10 bộ dành cho người trưởng thành và 2 bộ dành cho thiếu niên. Già A Côi cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, ông cố của tôi đã dặn dò con cháu phải cất giữ các bộ trang phục cẩn thận, đây là báu vật, là tài sản quý giá của tộc người Hà Lăng”. Chính vì thế, đã bao nhiêu du khách kể cả những tay chơi đồ cổ đến đây gạ mua, đổi con trâu, con bò song người dân Hà Lăng nhất quyết không bán vì đó là báu vật của dân làng, của dòng họ, tổ tiên để lại”.
Ông A Xen đưa đôi bàn tay vuốt thẳng nếp áo, lấy từng tấm áo cây được gói ghém cẩn thận, khoe: “Tấm áo này chỉ được đồng bào mình mặc, sử dụng trong các nghi lễ trọng đại của dân tộc như mừng nhà rông mới, mừng lúa mới... Trước khi dân làng đem áo ra mặc phải làm lễ tế Giàng. Bởi mỗi chiếc áo đã được cha, ông mình mặc qua bao đời nay, giờ đó là đại diện cho người Hà Lăng của mình. Nhờ có các tấm áo này mà khi tham gia lễ hội cồng chiêng tại TP Kon Tum, H. Kon Long... làng mình đều giành được các giải thưởng”. Được biết, không chỉ ở Kon Tum mà cả Tây Nguyên, chỉ duy nhất tộc người Hà Lăng, làng Đăk Ôn, xã Đăk Long còn lưu giữ được các tấm áo vỏ cây có tuổi hàng trăm năm.
A Xen gói ghém cẩn thận các bộ trang phục áo bằng vỏ cây |
A Côi chợt buồn: “Cả làng Đăk Ôn có 100 hộ, 515 khẩu, song không còn người biết dệt tấm áo vỏ cây này. Năm trước, khi già Y Địa còn sống - người duy nhất biết làm áo từ cây Loong Phoong và La Plâh, làng họp và đã cử 5 người cơm đùm cơm nắm băng rừng, lội suối để tìm cây dệt cho già Y Địa đan áo nhưng ròng rã nhiều ngày không tìm ra. Giờ đây, người duy nhất biết làm áo vỏ cây đã đi theo Giàng rồi và mang theo luôn cả bí quyết hàng trăm năm truyền đời”.
Cùng với các nhạc cụ như cồng chiêng, sử thi thì sự độc đáo của 12 bộ áo bằng vỏ cây mà tộc người Hà Lăng đang gìn giữ, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc dân tộc Việt Nam.