Ban đầu cò ở quanh nhà, sau chúng kéo đến đông quá, gia đình đành chặt mấy bụi tre gần nhà, xua cò ra vườn. Thế là lũ cò sống ở vườn nhà bà từ dạo ấy. Bao năm nay, cứ từ tháng 3 đến tháng 8 là các loài cò kéo nhau về đây lên đến hàng vạn con, làm tổ ken đặc trên khắp các ngọn tre.
Cái dáng vẻ gầy nhưng mạnh mẽ, bà Khiêm từng là cán bộ, là Đảng viên phụ trách Hội phụ nữ xã, nên trong cách giao tiếp luôn có phần cương nghị thẳng thắn. Song song với chuyện cuộc đời gập ghềnh của bà, là chuyện đàn cò. Chẳng có sự bảo vệ ráo riết của bà thì đàn cò cũng tan tác từ lâu rồi.
Nhưng làm sao một phụ nữ gày gò nhỏ bé như bà lại có thể cai quản được cả khu rừng tới gần 5ha, không cần thuê bất kỳ ai trông giữ, chống lại đám trộm chim suốt ngày rình rập? Đó là cả một câu chuyện của người đàn bà yêu thiên nhiên.
Sở dĩ bà Khiêm hành động như vậy là bởi bà quan niệm: Nếu bắt cò con đem bán, chẳng hoá ra bà là người vô lương tâm hay sao! “Tôi không làm được điều đó”, bà Khiêm khẳng khái. Bởi vậy, nếu là người khác, có đàn cò trời cho như thế, họ sẽ khai thác kiếm tiền ngay, nhưng bà Khiêm thì tuyệt đối không động chạm đến. Có lần, một tốp người làm ở sân bay Nội Bài đến đặt vấn đề mua chim non ở khu rừng nhà bà, lặn lội vượt gần trăm cây số lên tới nơi, chẳng ngờ vừa ngỏ ý mua cò đã bị xua như xua tà.
Cũng vì yêu đàn cò mà mấy chục năm nay bà Khiêm chỉ luẩn quẩn ở làng Dừa Lẽ mà không dám đi đâu, sợ người ta vào săn bắt cò. Nhiều khi giữa đêm tối, bà Khiêm vẫn lần mò vào vườn để bắt tận tay những kẻ phá hoại. Đã nhiều lần bà bị những tên ăn trộm chửi mắng, đánh trả.“Tôi không sợ. Mình phải có cách riêng của mình để bảo vệ chúng chứ”, bà Khiêm hóm hỉnh.
Ở một khu rừng rộng rãi có nhiều chim cò sinh sống như thế, thì nạn săn bắn trộm là chuyện đương nhiên, và bà Khiêm thường xuyên phải đối mặt với điều đó. Bà giữ được thì cò còn, bà bó tay thì rừng cò sẽ tan hoang sau một thời gian ngắn. Trước năm 2002, xã chưa có quy chế cấm săn bắn cò trong rừng bà Khiêm, phường săn trộm lộng hành. Bà Khiêm vẫn “một mình chống lại mafia” không chút nao núng.
Trong suốt bấy nhiêu năm, bà Khiêm đã nhiều lần “bắt sống” kẻ gian theo cách của một bà già gày yếu nhưng dũng cảm. Khi phát hiện trên rừng có động, bà Khiêm giả là người chăn bò hoặc đi lấy củi, mon men lại gần đối tượng rồi hỏi những câu vu vơ, thậm chí hơi ngớ ngẩn, như: “Các cháu đi chơi à, đi bắn cò à, chim nhiều quá nhỉ...” Mấy tay săn trộm mải ngắm bắn, chẳng để ý đến bà già lẩn thẩn đi thả bò. Khi tiếp cận được đối tượng, bà Khiêm bất ngờ lấy tay quàng vào dây súng, quấn vào cánh tay 1-2 vòng. “Nếu tôi nắm vào súng thì chúng nó giật được ra ngay, nhưng quàng vào dây thì chúng nó chịu”, bà Khiêm hào hứng kể.
Hoặc, bà sẽ nhanh như cắt, nắm chặt lấy cổ áo đối tượng: “Kẻ gian không thể quay đầu lại, vùng ra cũng không được. Đây là mẹo của tôi đúc rút được sau mấy chục năm bảo vệ rừng. Trừ cổ áo, nắm tay vào đâu bọn nó cũng vùng chạy được ngay, vì toàn thanh niên”. Bấy giờ, bà Khiêm mới dong về nhà, bắt lập biên bản.
Lúc đó chẳng hiểu sao, bọn trộm toàn thanh niên khỏe mạnh mà cứ run bần bật. Biết bà là chủ khu rừng nên van xin. Nhưng bà luôn buộc chúng phải khai trong biên bản, ăn trộm giờ nào, được bao nhiêu con... “Nếu vườn cò có mệnh hệ gì, tên trộm đó phải chịu trách nhiệm”, bà Khiêm nói.
Bây giờ, bà Khiêm chỉ lo bọn trộm cò ngày càng tinh vi hơn, thân bà thì ngày một yếu đi, chậm chạp không đủ sức bảo vệ đàn cò.