Ác mộng của những kẻ trốn truy nã

ANTĐ - Một ngày cuối năm, thấy mấy người khách lạ đến thăm “nhà”, Minh chợt giật mình thảng thốt, quá khứ tội lỗi từ đâu bất chợt hiện về rõ rệt, anh ta bưng mặt khóc tu tu, xin các anh công an cho ăn nốt cái tết với vợ con rồi sẽ đến cơ quan công an trình diện. Linh cảm của Đại tá Nguyễn Dĩnh cũng như các đồng sự của mình đã đúng khi đồng ý với đề xuất của kẻ trốn truy nã này. Sau Tết, đúng như đã hẹn, Minh đã khăn gói quả mướp đến trình diện tại trụ sở Cục Cảnh sát truy nã tội phạm C52. 

Suốt những năm lẩn trốn, tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon

Hôm nay đang còn sống vui vẻ bên gia đình nhưng sáng mai công an đã ập đến nhà đọc lệnh truy nã và bắt gọn người phạm tội có một quá khứ đầy kinh hoàng chẳng hề ăn nhập gì với bản tính lương thiện mà anh ta thể hiện… Mỗi cuộc đời là một câu chuyện để kể, là tội phạm bị lên án là điều đương nhiên nhưng cũng có những câu chuyện thẫm đẫm nhân tình. Mỗi bản án giáng xuống là hàng nghìn cảm giác về nỗi sợ hãi xâu xé tâm hồn người lĩnh án. Trong cơn hoảng hồn, họ cố tìm mọi cách để thoát khỏi nơi ấy để mong trốn án nhưng ai ngờ tránh được luật pháp vài ba năm, thậm chí là hàng chục năm nhưng rồi điều đáng sợ nhất là họ phải đối mặt với tòa án của lương tâm đạo đức. Bởi trong thời gian trốn án là cả một cuộc đời sống chui lủi, cuộc sống đội lốt của một con người khác trong khi đó ở quê nhà họ vẫn còn vợ dại, con thơ, cha mẹ già…

Cái quá khứ tội lỗi của Nguyễn Viết Minh bắt đầu từ một buổi tối tháng 2-2006, Minh lang thang đi uống rượu thì gặp đàn anh Trịnh Hồng Giang, tức “Tư kềnh” (đối tượng truy nã). Giang gạ gẫm, lôi kéo cùng đi giải quyết giúp vụ mâu thuẫn. Hai đối tượng đèo nhau về nhà lấy 2 dao chọc tiết lợn, đi xe đến phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai chờ “con mồi” và chém. Gây án xong Nguyễn Viết Minh trốn chạy sang Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc làm nghề bốc vác. Hai tháng sau khi vụ án xảy ra, Minh bị truy nã về hành vi giết người. Ra đầu thú hay lẩn trốn suốt đời? Đầu thú thì nỗi sợ tù tội quá lớn, rồi họ hàng, cha mẹ, vợ con sẽ nhìn mặt hắn sao đây? Minh quyết định trốn sang Trung Quốc để thời gian xóa nhòa quá khứ. Nhưng dù chăm chỉ làm ăn đến mấy cũng không giúp Minh nguôi đi ám ảnh về quá khứ tội lỗi, và nỗi nhớ người thân. Minh tâm sự: “Trong suốt những năm tháng lẩn trốn, tôi đã không có được một giấc ngủ ngon, trừ những lúc say rượu không biết gì. Ở Trung Quốc, tôi cũng cố gắng làm một con người đàng hoàng, tự kiếm sống để quên đi tội ác, nhưng không sao quên được”. 

Trước đây, Minh đã cưới vợ và có con từ năm 18 tuổi. Được hỏi người anh muốn gặp nhất khi về Việt Nam là ai? Minh đáp gọn: Con! Anh ta kể: Tôi về Việt Nam, việc đầu tiên khi đến Hà Nội là tìm đến trường con đang học. Mất mấy ngày ngóng con trước cổng trường, Minh mới nhận ra được cậu con trai 14 tuổi mà suốt 5 năm không gặp, nay đã lớn khôn, khôi ngô. Giây phút gặp mặt bỗng chốc qua đi, khiến lòng Minh đau quặn… Giờ đây Minh nhận ra rằng chỉ còn cách ra đầu thú anh mới được sống bằng chính con người mình bên vợ con. 

25 năm là quãng thời gian không ngắn đối với một đời người, còn đối Đinh Thế Trị, một người trốn nã thì có lẽ là quãng thời gian đằng đẵng những đắng cay tủi nhục. Trị chẳng nhớ mình đã thức trắng bao đêm với suy tư, sợ hãi. Những đêm ấy, Trị trằn mình muốn tìm một lối thoát cho bản thân. Ra đầu thú hay tiếp tục lẩn trốn, câu hỏi ấy đêm nào cũng giằng xé trong tâm khảm Trị… Cho đến một ngày đầu tháng 9-2012 Trị gọi điện đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Bình và xin ra đầu thú.

Trị kể lại, cuộc sống của kẻ trốn trại nơi đất khách quê người vô cùng khốn khó, nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Vừa phải tránh để lộ thân phận, vừa tìm cách kiếm sống qua ngày, chỉ còn cách làm thuê, làm mướn mới đủ miếng cơm lót dạ mỗi ngày. Trị cũng không dám làm ổn định một chỗ mà phải thường xuyên xê dịch tỉnh này sang tỉnh khác. Cuối cùng Trị nghĩ ra cách làm cho ngoại hình khác đi và đổi tên thành Đỗ Thế Lâm, rồi đăng ký cư trú tại xã Cư An, Đăk Pơ, Gia Lai. Trị xin làm công nhân nhà máy gạch và sống không hôn thú với một đồng nghiệp rồi sinh con. Thời gian đằng đẵng trôi đi. Trị không nhắc tới chuyện quá khứ, quê hương bản xứ với vợ con. Sống ở Cư An, Trị không có hàng xóm láng giềng, cũng tuyệt không liên lạc với gia đình ở Quảng Bình.

Người vợ trước và gia đình nghĩ Trị đã mất tích, đi xem bói thầy cũng “phán” Trị đã chết nên họ chọn ngày Trị bị kết án để làm ngày giỗ…

Không đâu bằng chính quê nhà

“Trừ loại máu lạnh thôi chứ những tội phạm bị truy nã trong thời gian trốn chạy luôn có cảm giác hối hận và canh cánh nỗi nhớ về gia đình, quê hương, đặc biệt là những đối tượng đã có tuổi. Trong nhiều trường hợp chúng tôi đã dùng tình người để kéo họ về quy án”. Đó là những lời nhận xét của Đại tá Trần Đức Triệu (Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm tỉnh Quảng Trị), người có thâm niên trong công tác truy nã tội phạm. Thật vậy, tội phạm truy nã là những kẻ trốn chạy, sống chui lủi khắp nơi này đến nơi khác bằng công việc làm thuê, chưa kể đến ốm đau, bệnh tật nối tiếp ngày này qua ngày nọ nên họ luôn trong cảnh thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Không được sống bằng chính con người mình và tâm lý thấp thỏm lo âu càng khơi dậy trong họ nỗi nhớ quê hương, gia đình. 

Với Lê Thị Kim Dung (Phi Mô, Lạng Giang, Bắc Giang) bỏ trốn sang Trung Quốc 6 năm để trốn lệnh truy nã tội phạm buôn bán ma túy là con đường tủi nhục gấp vạn lần mức án mà pháp luật đề ra. Lê Thị Kim Dung tâm sự thật lòng, khi biết tin đồng bọn bị bắt, chị vội vàng bỏ trốn. Bắt chuyến tàu lên Lạng Sơn với mấy trăm nghìn trong túi và một tâm trạng rối bời. Quay lại sẽ bị bắt nhưng đi tiếp sẽ đi đâu về đâu? Cả đêm ấy, Lê Thị Kim Dung thức trắng và khóc… Người phụ nữ ngồi kế bên hỏi chuyện, an ủi động viên rồi hứa sẽ giúp Dung tìm việc. Khi đến khu vực Lạng Sơn, giáp biên giới. Người phụ nữ đưa Dung tới một phòng trọ rồi hôm sau dẫn sang Trung Quốc bàn giao cho một số người khác. Cứ nghĩ mình tìm được việc nhưng những người này lại cứ tiếp tục đưa Dung đi sâu vào nội địa tỉnh Quảng Châu.

Những người này giao Dung cho một người đàn ông Trung Quốc khoảng hơn 30 tuổi có tên Sùng Sính. Anh ta dắt Dung về nhà, mua cho một bộ quần áo màu đỏ và đưa Dung vào căn phòng trang trí toàn màu đỏ. Lúc đó chị ta mới hiểu mình bị bán đi làm vợ. Ở với người chồng đầu được hơn 2 năm, Dung có mang nhưng chỉ được hơn 3 tháng thì sảy thai. Bất đồng về ngôn ngữ, lại không sinh được con cho chồng, chị ta quyết định bỏ trốn. Lang thang, để có tiền sinh sống, Dung xin vào bưng bê rửa bát tại các quán ăn.

Sáu năm ở với ba người chồng nhưng chị chỉ nhớ tên mỗi người chồng đầu là Sùng Sính còn 2 người chồng còn lại chị cũng không nhớ vì không biết tiếng. Dung kể, “Họ cho gì thì ăn nấy, họ làm gì thì nhìn người ta mà làm theo. Ngày Tết, họ đi chơi vui vẻ còn mình thì quẩn quanh ở nhà. Nhớ con quay quắt. Mình đang có một gia đình êm ấm như thế vậy mà giờ đây lại phải đi làm vợ người ta ở một nơi xa lạ, bỏ con ở quê hương”. Mỗi lần nhắc đến con, người đàn bà này đều khóc nức nở.

Ngày 27-3-2012, Dung được công an Trung Quốc bàn giao cho công an Việt Nam. Dung đã bật khóc: Về Việt Nam, được đối xử tốt như thế này, em thấy ân hận vì đã không ra đầu thú sớm. Sáu năm lang bạt, sống vật vờ trên đất khách, em không thấy đâu bằng quê nhà.  

Đó cũng chính là nỗi lòng của tội phạm truy nã Nguyễn Thị Hoài Phương (Quảng Trị) sau nhiều năm lẩn trốn. Ngày 3-5-2012, Đại úy Lê Thành Dũng trực tiếp dẫn giải Phương từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Trị. Mặc dù bị bắt giữ nhưng tâm trạng của Phương vui vẻ đến lạ kỳ. Khi đến địa phận Quảng Trị, miệng Phương luôn xuýt xoa: “Quê miềng bữa ni khác hè, đẹp hè”. Kẻ tội phạm năm nào nay lại nói lời cảm ơn cán bộ công an vì đã bắt, ra quyết định dứt khoát cho số phận. Phương thú nhận, nhiều khi bản thân cũng muốn ra đầu thú nhưng không đủ tự tin. Trong 18 năm trốn chạy pháp luật, Phương cho biết chưa một ngày được ngủ ngon giấc. Phải chăng tấm lòng quê hương đã cảm hóa con người?


Đâu là lối thoát?

Trốn tránh có làm cho cuộc sống của những người phạm tội tốt hơn không thì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu rõ nhất. Nhiều tội phạm vì trốn tránh với luật pháp thì ít mà đau khổ vì trốn tránh với lương tâm mình thì nhiều. Có người chỉ qua vài năm sống đời tội lỗi mà họ đã già đi tới hàng chục tuổi. Gương mặt trai trẻ hôm nào giờ đã hằn lên hàng trăm vết nhăn bởi hàng đêm suy nghĩ, ân hận và nỗi lòng đau đáu hướng về quê hương bản quán. Nỗi đau chối bỏ thân phận là nỗi đau lớn nhất mà họ phải trải qua. Lẽ ra nếu chịu tội thì nhiều người đã trả hết nợ pháp luật và cả nợ đời để trở về với gia đình xã hội. 

Mọi tội phạm đều phải bị trừng trị, đó là điều đương nhiên. Xưa nay, lưới trời lồng lộng thưa nhưng không thoát là bởi vậy. Đầu thú hay bắt giữ cũng đều là những hình thức thể hiện tính nhân văn. Ra đầu thú tức là họ đã quyết định chấm dứt cơn ác mộng trong quá trình chạy trốn để được trở về với gia đình, còn cái giá phải trả cho pháp luật bao nhiêu thì họ vẫn phải thực hiện đầy đủ để được làm con người là chính mình.