Ông Minh buồn bã mỗi khi xem lại “khế ước” xin việc cho con gái
Theo trình bày của ông Trịnh Văn Minh (trú ở Khối 5, xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội), cách đây chưa lâu, cô con gái lớn của vợ chồng ông tốt nghiệp đại học. Đang lúc loay hoay tìm “cửa” xin việc làm cho con thì gia đình ông được một người cùng làng giới thiệu gặp gỡ Nguyễn Bá Thanh (SN 1970), trú ở thôn Đức Hậu, xã Đức Hòa, cùng huyện Sóc Sơn. Người cùng làng với ông Minh “quảng cáo”, Thanh có người nhà “làm to” ở Cục Hàng không Việt Nam nên có thể “lo lót” vào Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) với chi phí 180 triệu đồng.
Sau đôi lần gặp mặt và được Nguyễn Bá Thanh hứa hẹn, từ tháng 6 đến tháng 9-2011, gia đình ông Minh đã 3 lần giao tổng cộng 150 triệu đồng cho anh ta, kèm theo hồ sơ xin việc. Ngày 13-9-2011, vợ chồng ông Minh cùng Nguyễn Bá Thanh đã cùng ký vào giấy giao nhận tiền. Nội dung giấy tờ này thể hiện, Nguyễn Bá Thanh đã nhận của gia đình ông Minh số tiền trên để xin cho con gái ông vào bán vé giờ chót tại Sân bay Nội Bài. Nếu không “lo lót” được, anh ta sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền đã nhận của gia đình ông Minh, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật. Vậy nhưng một thời gian sau, Nguyễn Bá Thanh lại bất ngờ bảo con gái ông Minh đến phỏng vấn và sẽ làm việc tại một hãng hàng không không phải Vietnam Airlines. Nhận thấy Nguyễn Bá Thanh chơi trò “lập lờ đánh lận con đen” nên gia đình ông Minh đề nghị chấm dứt giao dịch. Đáp lại, anh ta “vui vẻ” thuận tình và hẹn ngày hoàn trả lại số tiền đã nhận. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần hứa hẹn, nhưng Nguyễn Bá Thanh vẫn không chịu trả lại tiền và viện đủ lý do để lẩn tránh. Ông Minh cho rằng Nguyễn Bá Thanh đã lên “kế hoạch” đưa gia đình ông vào “tròng” để chiếm đoạt tài sản.
Cực chẳng đã, ngày 26-2-2012, gia đình ông Minh buộc phải làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng. Ngay sau đó, những người liên quan đã được gọi hỏi lấy lời khai. Mới đây, ngày 13-9, ông Minh lại làm đơn tố cáo thêm một lầ nữa, song đến nay, gia đình người nông dân này vẫn chưa nhận được bất kỳ động thái cần thiết nào từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật... Trước đơn tố cáo của ông Trịnh Văn Minh, chúng tôi cũng đã kiên trì liên hệ với Nguyễn Bá Thanh nhằm tìm hiểu rõ sự việc. Qua điện thoại, anh này xác nhận là có việc cam kết, hứa hẹn và nhận 150 triệu đồng của gia đình ông Minh để “chạy việc”. Thế nhưng Thanh cho rằng anh ta không có ý lừa tiền. Đề cập đến việc hoàn trả tiền cho gia đình ông Minh khi “đại sự” bất thành, anh ta cho biết vẫn chưa thể trả lại “khổ chủ” vì một phần số tiền đó đã chuyển cho bên thứ ba.
Trước đó, tìm hiểu qua một số người dân sống gần nhà Nguyễn Bá Thanh, chúng tôi được biết gia đình anh này về cơ bản vẫn chỉ sống dựa vào nghề nông. Không một ai hay biết, anh ta có người nhà “làm to” hay không. Thời gian gần đây, người dân thôn Đức Hậu chỉ nghe nói Thanh làm ăn gì đó về xây dựng và thường xuyên không có mặt ở nhà. Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, nếu nội dung tố cáo của ông Trịnh Văn Minh là đúng sự thật thì vụ việc có dấu hiệu lừa đảo tài sản, bởi nó đã hội tụ cả 2 yếu tố là sử dụng thủ đoạn gian dối và có hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, luật sư lưu ý rằng kết luận cuối cùng thuộc về các cơ quan bảo vệ pháp luật. Luật sư này đồng thời khuyến cáo, từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ án lừa đảo tài sản với thủ đoạn tương tự.