Sau hàng loạt vụ tấn công trọng tài và người nổi tiếng

Gây thương tích dưới 11% có bị khởi tố?

ANTĐ - Ngày 25-5 vừa qua, Tòa án có thẩm quyền bang San Joe (Mỹ) tiếp tục đưa ra xét xử vụ Lý Tống có hành vi xịt hơi cay vào mặt ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng khi anh này sang biểu diễn tại Mỹ. Theo cáo buộc dù không gây thương tích cho ca sỹ này nhưng Lý Tống vẫn phải đối mặt với 4 tội danh và có thể phải chịu mức án đến 5 năm. Trong khi đó, tại Việt Nam, khi tấn công một người nào đó phải gây thương tích tới 11% thì mới có thể khởi tố về tội cố ý gây thương tích... 

Hành vi xịt hơi cay vẫn chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo pháp luật Việt Nam

(Ảnh Internet)

Theo điều 104 BLHS tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp luật định có thể bị khởi tố. Tuy nhiên, thực tiễn rất ít vụ án xâm phạm thân thể tương tích dưới 11% bị khởi tố.

Qua đó, có thể thấy như trường hợp trọng tài Võ Minh Trí vừa bị các CĐV tấn công hôm 13-5 vừa qua nếu có thể xác định chính xác thủ phạm cũng không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Tóm tắt lại vụ việc, sau khi trận đấu giữa CLB Hải Phòng và CS.Đồng Tháp trên sân Cao Lãnh kết thúc lúc gần 18h ngày 13-5, một nhóm CĐV hơn 10 người của Hải Phòng tụ tập trước cổng sân chờ trọng tài Võ Minh Trí để “xử lý” do “bất bình” với kết quả trận đấu cũng như cách trọng tài điều khiển trận đấu. Theo các nhân chứng, tổ trọng tài, giám sát trận đấu và cả ông Trần Duy Ly, Trưởng ban Tổ chức giải V-League đang trên đường về TP Hồ Chí Minh thì CĐV Hải Phòng đi xe bắt kịp. Trong lúc trọng tài Trí dừng lại đi vệ sinh thì có khoảng  gần chục người nhảy xuống xe, xông tới dùng tay “đánh hội đồng” trọng tài Võ Minh Trí. Nhờ được can ngăn kịp thời nên ông Trí chỉ bị xây xước nhẹ.

Đây không phải là lần đầu tiên các vua sân cỏ bị tấn công nhưng là lần đầu tiên họ bị bên ngoài sân cỏ. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn chưa quên vụ việc trọng tài Trương Thế Toàn vào mùa bóng năm 1996-1997 đã phải chạy hình zic zắc trên sân để tránh bị các cầu thủ túm gọn. Hay mùa giải 2006-2007, trong một trận đấu trên sân Long An mà các CĐV Long An cho rằng đội mình bị thổi ép thì cả một cơn mưa vật thể lạ cũng được trút cả về phía các trọng tài. Giám biên Châu Đức Thành trong trận đấu đó đã bị ném đá trúng đầu, các bác sĩ đã khâu sống cho ông Thành ngay trên đường piste.

Không chỉ vua sân cỏ mới bị tấn công mà các “ngôi sao” ca nhạc khác cũng thường xuyên bị cảnh dở khóc dở cười, ngậm bồ hòn làm ngọt. Chuyện đè ra hôn, cào cấu thậm chí là cắn vào má, sàm sỡ với ca sỹ đã thành chuyện thường ngày ở huyện. Nữ ca sỹ Cẩm Ly khi đi biểu diễn ở Bến Tre đã bị người hâm mộ quăng rắn vào người, ca sỹ sợ xanh mặt trong khi kẻ ném rắn thì ung dung ngồi cười. Nhưng tất cả các vụ việc này đều bị chìm xuồng, thứ nhất là do không tìm được thủ phạm, thứ hai là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên rõ ràng ở đây những vụ việc này có ảnh hưởng đến đời sống xã hội, nếu để xảy ra thường xuyên sẽ trở thành tiền lệ xấu.  

Trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng chúng tôi được biết: Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì những hành vi trên thuộc nhóm tội phạm xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của công dân. Để xử lý theo quy định của pháp luật thì phải có những điều kiện nhất định, cụ thể là phải có thương tích xảy ra. Như vụ trọng tài bị tấn công, nếu trọng tài không bị tổn hại về sức khỏe theo tỷ lệ % mà cơ quan giám định đã xác định được thì không thể truy tố những người tấn công mặc dù những hành vi tấn công này có tính côn đồ và đê hèn. Kể cả với hành vi sử dụng hung khí là hơi cay nếu muốn buộc tội thì việc dùng hung khí này cũng phải gây ra thương tích thì mới có tội.

Luật sư Nguyễn Thu Hồng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng đồng quan điểm này và cho rằng, việc buộc tội phụ thuộc vào quy định của pháp luật từng quốc gia. Các nước đều tuân theo nguyên tắc “vô luật bất thành tội”, nghĩa là muốn buộc tội công dân nào đó thì phải có điều luật quy định tội danh đó. Ở nước ta chưa có quy định về tội tấn công bằng hơi cay nên không thể xử lý hành vi này ngoài tội danh cố ý gây thương tích. Trong tư duy lập pháp, mỗi quốc gia cũng có quan điểm khác nhau. Chẳng hạn như việc Lý Tống tấn công Đàm Vĩnh Hưng với luật pháp của Mỹ, Lý Tống bị cáo buộc với các tội danh là chống lại lệnh bắt giữ, đột nhập trái phép, sử dụng hơi cay trái phép, hành hung người khác, tấn công có vũ khí nguy hiểm… với mức án lên tới 5 năm. Có thể thấy, nhiều quốc gia lấy yếu tố khách quan của hành vi phạm tội như hậu quả của hành vi làm cơ sở buộc tội nhưng nhiều quốc gia lại buộc tội căn cứ vào ý thức, thái độ chủ quan của nghi can khi thực hiện hành vi. Vì thế, một hành vi ở quốc gia này có thể có tội nhưng ở quốc gia khác thì lại không thể buộc tội.

Thực tế xét xử ở Việt Nam cho thấy, nhiều trường hợp dù không đủ tỷ lệ thương tích 11% vẫn được đưa ra xét xử. Đó là những vụ việc một nhóm người hành hung một người, tái phạm nhiều lần, sử dụng hung khí có tính sát thương. Nhưng xét trên nhiều góc độ, pháp luật vẫn chạy theo thực tế một khoảng cách khá xa, nhiều vụ việc không chỉ liên quan đến những người được công chúng biết đến mà công dân bình thường cũng không được xử lý hình sự vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Vì vậy trước những vụ việc xảy ra gần đây, các cơ quan lập pháp cũng cần xem xét lại các hành vi tấn công không gây thương tích nặng nhưng có ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội phải được đưa ra khởi tố và xét xử trước pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thu Hồng cho rằng quy định của pháp luật cần xem xét đến nhiều khía cạnh, trong đó có tính khả thi của điều luật và hệ thống cơ quan thực thi. Hiện nay, trong quá trình xây dựng pháp luật, Nhà nước ta cũng tích cực nghiên cứu, học tập các ưu điểm của hệ thống pháp luật quốc tế, luật quốc gia khác. Vì thế, trong tương lai nếu thấy cần thiết thì chúng ta cũng cần “làm mới” các quy định của pháp luật hình sự để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân, bảo vệ trật tự xã hội một cách hiệu quả hơn.