Ông Sugimoto (thứ ba, từ bên phải sang) Đào Thanh Nhi (ngoài cùng bên phải) tại Hà Nội năm 2006
Gạ hợp tác rồi hất cẳng
Ngày 14-9, CQĐT CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đào Thanh Nhi (SN 1977), trú ở ngõ 49 đường Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội, giám đốc Công ty TNHH cơ khí Kinhi, Phó tổng Giám đốc công ty CP Progtechno Việt Nam, về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Nhi có chồng mang quốc tịch Nhật, và từng có quan hệ bạn bè thân thiết với bị hại vụ án, ông Sugimoto Hiroyuki.
Cuối năm 2008, CQĐT CATP Hà Nội nhận được đơn của ông Sigimoto Hiroyuki - Chủ tịch HĐQT Công ty Sugitec Co.Ltd tại Nhật Bản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Progtechno Việt Nam, tố cáo bị Đào Thanh Nhi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trị giá trên 1 triệu USD. Nội dung đơn tố cáo nêu rõ, tháng 4-2006 tại Nhật Bản, ông Sugimoto gặp Đào Thanh Nhi, vợ ông Naoki Omura, Chủ tịch HĐQT Công ty Kato Seisasho ở thành phố Osaka, và đã bàn thảo kế hoạch hợp tác làm ăn tại Việt Nam.
Khi đó, ông Omura giới thiệu vợ mình đang là Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Kinhi tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội), có văn phòng đại diện tại Định Công, Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Hai bên thỏa thuận sẽ mua chung lô đất diện tích 15.000 m2 tại khu B đường B2 khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông Sugimoto sẽ mua và sử dụng 8.000 m2; diện tích còn lại công ty Kinhi của Đào Thanh Nhi sẽ sử dụng.
Ngoài ra, Đào Thanh Nhi còn tư vấn cho ông Sugimoto nếu muốn xây dựng nhà máy tại Việt Nam thì phải liên danh với người Việt Nam để thành lập công ty trên đất Việt Nam. Vì vậy ông Sugimoto đồng ý và quyết định cùng Đào Thanh Nhi thành lập công ty CP Progtechno tại Việt Nam, xây dựng nhà xưởng trên lô đất 8.000 m2 tại khu B đường B2 khu công nghiệp Phố Nối A, huyện Văn Lâm, để gia công các sản phẩm cơ khí chính xác dùng cho ô tô.
Mọi thủ tục và nội dung thành lập công ty Progtechno Việt Nam do Đào Thanh Nhi đứng ra thực hiện. Công việc của ông Sugimoto là ký giấy tờ và chuyển tiền, chuyển phương tiện, máy móc để hoạt động sản xuất. Tổng số tiền ông Sugimoto đã chuyển vào Việt Nam thông qua tài khoản cá nhân Đào Thanh Nhi là hơn 1,1 triệu USD, gồm tiền mua đất, phí thành lập công ty, xây dựng nhà xưởng, trả lương công nhân… Đi vào hoạt động được chừng 3 tháng, khoảng tháng 6-2008, Nhi bất ngờ yêu cầu nhà máy phải đóng cửa với lý do Công ty Progtechno Việt Nam đã thuê đất, nhà xưởng của công ty Kinhi do Nhi là giám đốc để sản xuất kinh doanh mà không chịu trả tiền.
Giấy trắng - mực đen vẫn… rõ tội
Tháng 6-2008, Đào Thanh Nhi thuê bảo vệ đến đóng cửa công ty Progtechno Việt Nam tại Hưng Yên
Đồng thời với động thái này, Đào Thanh Nhi còn xuất trình với cơ quan chức năng Việt Nam các văn bản, chứng từ tài liệu có chữ ký của ông Sugimoto để chứng minh rằng số tiền mà ông Sugimoto đã chuyển vào tài khoản của cá nhân và của công ty Progtechno Việt Nam đã được Nhi hoàn lại bằng các phiếu chi và trừ vào khoản nợ cá nhân giữa chồng mình và Sugimoto. Trong những giấy tờ này, có 3 phiếu chi tổng số tiền trên 11,3 tỷ đồng là chứng từ trả tiền góp vốn cho ông Sugimoto được lập từ tháng 9-2007 đến 1-2008. Ba phiếu chi trên được lập bằng tiếng Việt Nam và tiếng Nhật, đều có chữ ký của ông Sugimoto.
Khi được hỏi về những phiếu chi này, ông Sugimoto khẳng định đúng là chữ ký của ông, nhưng nội dung đã nhận lại tiền thì… hoàn toàn không có. Ông Sugimoto cho biết, trước đó đối tác Nhi đã yêu cầu ông ký khống vào rất nhiều tờ giấy trắng khổ A4 theo chiều ngang và chiều dọc của khổ giấy, với lý do Nhi sẽ dùng vào việc soạn thảo các văn bản liên quan đến việc thành lập công ty, khai báo hải quan…
Để làm rõ chữ ký của ông Sugimoto có trước hay có sau nội dung trên phiếu chi, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã trưng cầu giám định tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Kết quả giám định cho thấy, toàn bộ phần nội dung của tài liệu gửi giám định đều được in sau phần chữ ký của ông Sugimoto. Điều này đã chứng minh Đào Thanh Nhi sử dụng máy tính để làm giả mạo toàn bộ nội dung phiếu chi trên những tờ giấy được ông Sugimoto ký khống từ trước.
Bên cạnh kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, CQĐT còn gửi trưng cầu giám định tài chính đối với các phiếu chi tiền đến cơ quan chức năng của Bộ Tài chính, và trưng cầu giám định chữ viết tiếng Nhật tại trường Đại học Hà Nội đối với các phiếu chi tiền, biên bản đối chiếu xác nhận thanh toán, hợp đồng cho vay tiền… mà Đào Thanh Nhi đã xuất trình để chứng minh rằng công ty Kinhi của cô ta đã trả hết tiền đầu tư cho ông Sugimoto.
Sau khi nghiên cứu, Khoa tiếng Nhật của trường Đại học Hà Nội có văn bản trả lời: “Các văn bản trên là bản gốc được viết bằng tiếng Việt, sau đó được dịch ra tiếng Nhật để người Nhật hiểu và ký nhận. Nhưng cách dịch sang tiếng Việt còn để lại nhiều sai sót như sai ngữ pháp, sai cách dùng từ, sai văn phong. Nhiều câu tiếng Nhật được dịch theo lối chắp nối các từ với nhau một cách cẩu thả, sai ngữ pháp tiếng Nhật, dẫn đến việc gây khó hiểu đối với người Nhật”.
Các kết luận giám định, nghiên cứu nêu trên đã chứng minh khách quan rằng Đào Thanh Nhi đã chủ động màn kịch để chiếm đoạt số tiền của đối tác người Nhật; kết thúc giai đoạn điều tra quan trọng được Công an Hà Nội thực hiện kỳ công, trách nhiệm trong gần 4 năm trời.