Cảnh giác với các chiêu lừa đảo xin việc

ANTĐ - Chỉ trong vòng hơn một tháng trở lại đây, Công an tỉnh Đắk Nông đã bắt giữ liên tiếp hai vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng đều có chung một thủ đoạn phạm tội đó là tự rêu rao mình có quan hệ thân thiết với những người có chức vụ  và có thể lo “chạy” việc, “chạy” trường.
 Hai đối tượng Trương Hoàng Minh Hùng và Phạm Văn Đồng cùng tang vật tại cơ quan điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa
Hai đối tượng Trương Hoàng Minh Hùng và Phạm Văn Đồng
 cùng tang vật tại cơ quan điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa
Bằng “năng khiếu” vẽ voi, vẽ vượn đó, không ít người nhẹ dạ cả tin đã đem hết tiền của giao cho bọn chúng để rồi phải ngậm quả đắng khi biết mình bị lừa.

Điểm mặt những “siêu lừa”

Từ đơn thư tố giác của người dân, qua điều tra, xác minh ngày 6-3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Gia Nghĩa đã ra lệnh bắt tạm giam đối với Trương Hoàng Minh Hùng (SN1964, đối tượng tự xưng là phóng viên báo Đầu tư nước ngoài, văn phòng tại T.P. Hồ Chí Minh) và Phạm Văn Đồng (SN1976 – Phóng viên Báo Văn  nghệ, Cơ quan đại diện tại Miền Trung Tây Nguyên), đều trú tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khoảng tháng 6 năm 2011, Trương Hoàng Minh Hùng và Phạm Văn Đồng đã gặp chị Trần Thị Dung, (SN 1988), trú tại phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) và giới thiệu cả hai đều là Phóng viên của hai tờ báo trên, có mối quan hệ “ruột thịt” với một lãnh đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông và có khả năng xin việc được cho nhiều người. Nếu chị Dung có nhu cầu xin việc cho người thân thì về làm hồ sơ và hỏi xem  ai có nhu cầu xin việc thì giới thiệu cho bọn chúng, với điều kiện mỗi bộ hồ sơ phải đưa trước cho Hùng và Đồng  từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng để lo thủ tục. Vì nghĩ Hùng và Đồng đều là bạn học cùng lớp và có cả thẻ phóng viên, chứng chỉ hành nghề, nên ngày 15-8-2011, Dung đã mang 3 bộ hồ sơ cùng số tiền 75 triệu đồng đưa cho Hùng và Đồng.

Ngày 28-8, Dung cùng chị gái của mình là Trần Thị Lâm đã mang tiếp 2 bộ hồ sơ cùng số tiền 115 triệu đồng đưa cho Đồng và Hùng nhờ xin “hai suất” đi dạy học ở trường tiểu học thị xã Gia Nghĩa và trường Trung học cơ sở ở huyện Đắk Mil. Sau khi nhận tiền cả hai tên  hứa với chị Dung đến tháng 10-2011 là sẽ lo  được việc cho họ. Tuy nhiên đến hạn mà chẳng thấy người thân của mình được đi làm theo thoả thuận, chị Dung đã liên lạc, tìm gặp Hùng và Đồng để đòi lại số tiền trên nhưng cả hai vẫn cứ khất hẹn nhiều lần không chịu trả nên đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng.

Đến ngày 2-3, Đồng và Hùng bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa bắt giữ cùng tang vật. Được biết, Hùng và Đồng từng là cộng tác viên nhưng đã bị cơ quan báo chí trên cho thôi việc. Lợi dụng các giấy tờ có liên quan đến thời gian làm cộng tác viên, 2 đối tượng này đã đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an thị xã Gia nghĩa tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, vào ngày  17-2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Mil cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với đối tượng Sầm Thị Tâm (SN1967), trúi tại thôn Bắk Sơn, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo lời khai của đối tượng: Vào khoảng  tháng 8-2010, Tâm gọi điện cho bà La Thị Nhẫm (trú tại huyện Chư Quynh, tỉnh Đắk Lắk) rồi nói với bà Nhẫm rằng mình có mối quan hệ quen biết với nhiều người và có khả năng xin chạy được một vài suất vào học hệ cử tuyển ở các trường Công an. Nếu bà Nhẫm có nhu cầu cho con mình được đi học hệ cử tuyển ở trường Công an thì  làm hồ sơ, photo giấy CMND, giấy tờ các loại và đưa trước cho Tâm số tiền 60 triệu đồng để lo chi phí. Vì tin tưởng Tâm là người cùng quê, quen biết lâu năm nên bà Nhẫm đã đồng ý.

Ngày 21-8-2010, bà Nhẫm cùng con trai  mang 40 triệu đồng đến đưa trước cho bà Tâm. Sau khi nhận tiền, Tâm viết vào tờ giấy viết tay xác nhận đã nhận tiền và hứa với bà Tâm là cuối năm sẽ lo cho An đi học ở trường Công an. Tuy nhiên đến hạn mà không thấy con mình đi học theo đúng như thoả thuận, bà Nhẫm đã liên lạc với Tâm để đòi lại số tiền trên nhưng Tâm cứ khất hẹn nhiều lần và đến nay vẫn không trả nên đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Với thủ đoạn trên, Tâm đã lừa đảo một số hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Mil, chiếm đoạt số tiền 130 triệu đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương, đến ngày 10-2-2012 thì ra đầu thú tại cơ quan Công an.

Cần nêu cao cảnh giác

Qua các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đều hết sức đơn giản nhưng lại qua mặt được rất nhiều người bởi chúng nắm được tâm lý của một bộ phận người dân là mong muốn cho con em minh có một nơi làm việc, học tập tốt. Với suy nghĩ “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, không ít người đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi hoặc bán hết tài sản để đưa tiền cho chúng và  rồi chờ đỏ mắt ngày này qua tháng nọ mà việc thì chẳng thấy đâu.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Đình Diễn, Trưởng Công an thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Hầu hết các đối tượng khi bị bắt đều khai nhận rằng chúng chỉ biết lừa tiền của người dân rồi sau đó chia nhau tiêu xài, còn hồ sơ của các nạn nhân xin “chạy” việc thì chúng đem… cất, bởi thật sự các đối tượng không quen biết ai và cũng không biết cơ quan nào có nhu cầu tuyển dụng. Tất cả đều do chúng “vẽ” ra để bịp người dân. Để hạn chế tình trạng trên thì người dân cần nêu cao cảnh giác, khi có nhu cầu tìm việc thì phải đến trực tiếp cơ quan tuyển dụng để tìm hiểu thông tin, đồng thời các cơ quan cũng cần phải công khai các chỉ tiêu tuyển dụng, có như vậy mới tránh được tình trạng “chạy” việc và các đối tượng lừa đảo theo dạng “cò” cũng hết đất sống".