Xe máy “chế”: Nỗi kinh hoàng trên đường phố

ANTĐ - “Chế” (hay “độ”) xe máy là thú chơi của nhiều đối tượng thích thể hiện mình. Với trình độ “chế” xe ngày càng cao, những chiếc xe chẳng giống ai xuất hiện ngày một nhiều trên đường phố, khiến người tham gia giao thông đi từ ngạc nhiên đến kinh hãi!

Muôn kiểu “chế” xe

Những chiếc xe máy “chế” xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố

Bác Nguyễn Xuân Hà ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết: “Nếu như trước kia, người đi đường thường “hồn xiêu phách lạc” bởi tiếng còi ô tô được gắn vào xe máy và tiếng ống xả kêu như máy bay phản lực, thì hiện tại, những chiêu “chế” xe này đã trở nên lỗi thời. Không ít lần khi đi trên đường, tôi giật bắn mình khi nhìn thấy ánh đèn sáng chói phát ra từ những chiếc xe máy lạng lách đánh võng trên đường. Dù đã quan sát kỹ nhưng tôi không thể biết đó là loại xe máy gì. Những chiếc xe này thường được phun sơn với đủ màu sắc, được gắn thêm nhiều thiết bị, trong đó đáng chú ý là những vật sắc nhọn tại những chỗ dễ va quệt như tay lái, bộ phận để chân, phanh… hướng ra bên ngoài. Khi chiếc xe này tham gia giao thông, chỉ cần va chạm nhỏ với phương tiện khác là người đi đường “lãnh đủ”.

Anh Nguyễn Văn Hùng - chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết: “Khi “chế” xe, còi xe máy là bộ phận được nhiều chủ xe quan tâm. Tiếng còi ô tô bây giờ đã lỗi thời, thay vào đó là tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng trẻ con khóc… thậm chí có những xe cài luôn cả bài nhạc từ khi bắt đầu nổ máy như một chiếc loa di động. Đồ thay cho xe máy hiện được bán khá nhiều ở chợ Trời (chợ Hòa Bình). Để phục vụ nhu cầu của khách, các cửa hàng bán mặt hàng này luôn có hàng mới và độc. “Chế” xe thường được tiến hành theo các công đoạn như phun sơn, dán đề can, gắn đèn xenon, đèn gầm, còi hú... Ngoài những loại xe đời mới như Exciter, Dream..., các loại Cup 50, 70 cũng được dân “chế” xe ưa chuộng. Việc độ máy phổ biến là xoáy nòng để tăng dung tích xi lanh, mài mặt lốc máy và mặt dàn đầu xi lanh để thay đổi tỷ số nén động cơ, thay tay biên, thay trục khuỷu để thay đổi khoảng hành trình piston, …

Cũng là vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, ở một phương diện nào đó, việc “chế” xe đem lại cảm giác thích thú, mới lạ cho những người đam mê loại xe này. Song nếu chiếc xe bị “chế” một cách quá đà, nó không chỉ gây phản cảm đối với người khác mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Ai cũng biết, việc thay đổi các bộ phận chính, đổi khung xe… sẽ làm cho chất lượng của xe thay đổi. Do đó, đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự an toàn của chủ phương tiện và những người xung quanh. Mặt khác, đối với những chiếc xe mà chủ phương tiện cố ý gắn các vật nhọn chĩa ra bên ngoài, nếu xảy ra va chạm, gây thương tích cho người tham gia giao thông thì người điều khiển chiếc xe này còn có thể xử lý về tội cố ý gây thương tích. Thậm chí, khi nạn nhân bị tử vong thì chiếc xe như là một tình tiết tăng nặng cho chủ sở hữu. 

Bên cạnh đó, một trong những thiết bị được độ nhiều nhất là đèn xe. Ngoài ra, dưới gầm xe, đèn hậu hoặc xi nhan của các xe máy này còn được gắn đủ loại đèn khác nhau từ neon cho tới halogen, từ LED cho tới flash. Việc gắn đèn xe công suất lớn trên xe máy không chỉ gây chói mắt, hạn chế tầm nhìn, gây mất an toàn đối với những người tham gia giao thông trên đường mà còn làm tăng nguy cơ gây cháy nổ xe, ảnh hưởng đến tính mạng của chính người điều khiển phương tiện. Tuy vậy, pháp luật hiện chưa có quy định cụ thể đối với hành vi này.

Còn theo một đại diện của Phòng CSGT - CATP Hà Nội Nội, khoản 13 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Cấm lắp đặt sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe, sử dụng âm thanh mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Điều 53 có nêu: Điều kiện tham gia giao thông của xe mô tô 2 bánh là đúng kiểu loại được phép tham giao giao thông, đảm bảo các quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường. Do đó, việc “chế” xe khiến cho chiếc xe thay đổi cơ bản so với khi xuất xưởng là vi phạm pháp luật. Chưa kể đến việc, để chiếc xe tăng tốc nhanh và có thể bốc đầu được, thợ “chế” xe không chỉ thay nòng xi lanh lớn hơn mà còn làm lại nhiều bộ phận khác như thay biên, trục cam, khung xe... Bên cạnh đó, họ còn phải đẩy chiếc xe cao hơn để người ngồi có cảm giác như bay trên đường. Trong khi đó, trước khi đưa bất kỳ dòng xe nào ra thị trường, nhà sản xuất đã tính toán kỹ công suất của máy, tốc độ của xe. Do vậy, khi xe bị “chế”, thiết kế ban đầu của xe bị phá vỡ, điều này ảnh hưởng đến độ bền của xe, gây nguy hiểm cho chính người điều khiển chiếc xe đó.

Điều đáng nói, hiện nay việc quản lý những chiếc xe “chế” gặp khá nhiều khó khăn bởi khó để phân biệt cửa hàng làm dịch vụ này với các hiệu sửa xe máy thông thường. Ngoài ra, một số chiếc xe chỉ “chế” những chi tiết bên trong, bề ngoài không thay đổi nhiều nên chỉ khi giữ được xe và dùng khoan để kiểm tra hơi, lực lượng chức năng mới có thể phát hiện được. Chính vì vậy, nỗi ám ảnh về những hung thần đua xe “độ” vẫn là câu hỏi chưa biết đến bao giờ mới có lời giải…