Cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ tại Hội An

ANTĐ - Vào lúc 8h30 ngày 8-7, lần thứ 2 kể từ 15 năm trở lại đây, người dân đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam lại chứng kiến một đám cháy lớn thiêu rụi ngôi nhà số 134 đường Trần Phú, TP Hội An. Đây là di tích nằm trong khu vực cần được bảo vệ nghiêm ngặt, vụ cháy không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng đối với chủ nhà và người kinh doanh mà còn mất đi một di tích quý. Vụ cháy đã đặt ra nhiều vấn đề cho công tác Phòng chống cháy nổ tại quần thể di tích đô thị cổ Hội An.
Hiện trường còn sót lại từ vụ cháy là đống tro tàn và bao ngổn ngang, nham nhở. Trước khi xảy ra vụ cháy, ngôi nhà 134 Trần Phú là địa điểm kinh doanh buôn bán vải và quần áo may sẵn. Đây chỉ là mặt bằng thuê của chủ kinh doanh, còn chủ ngôi nhà này ở tận TP Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do thói quen thắp hương, đốt rác vào buổi sáng của các hộ kinh doanh nhưng lại khóa cửa đi ra ngoài. Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người, và đám cháy đã được dập tắt kịp thời, không lan sang các di tích liền kề.

Nhớ lại sự việc kinh hoàng đó, ông Thái Hoàng – Chủ kinh doanh tại số nhà 134 Trần Phú, TP Hội An kể: “Khủng khiếp, lúc đó tôi hoảng loạn, tôi cứ chạy ra chạy vô nhưng không biết làm được gì nữa hết, ngọn lửa bùng phát quá nhanh, kéo dài khoảng nửa tiếng, hết cứu chữa. Lúc đó chỉ sợ nó cháy lan sang bên kia nên bà con lo đập gọi cửa nhà bên, di dời hết số vải kề bên ra. Tôi lúc đó như người mất hồn”.

Ông Thái Chương – Chủ nhà số 132 Trần Phú, TP Hội An nói thêm: “Lúc đó ảnh sang bên này thì những hộ dân sống xung quanh mới nói về những thứ dễ cháy và nguy hiểm như bếp, điện, vải, mây… những vật liệu dễ cháy rất nguy hiểm. Bây giờ chúng tôi mới thấy lo lắng đến vấn đề phòng chống cháy nổ…”

Cảnh báo về nguy cơ cháy nổ cao đối với quần thể di tích có kết cấu xây dựng hơn 70% là gỗ này, đã được ngành chức năng nêu ra từ lâu, song việc mua đi bán lại di tích cùng với việc cam kết về công tác Phòng chống cháy nổ chưa nghiêm, lơ là, chủ quan của các chủ sở hữu di tích là nguyên nhân khiến nhiều di tích bị hư hại. Điều đáng quan tâm là hiện nay, trong quần thể di tích đô thị cổ Hội An, hệ thống phòng chống cháy nổ, các vòi nước cứu hỏa vẫn chưa được lắp đặt hoàn thiện, chưa kịp thời trang bị các thiết bị cứu hỏa phù hợp với đặc trưng đường giao thông nhỏ, nhiều đường hẻm sâu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Hội An nói: “Giao trách nhiệm cho chủ sở hữu và những hộ kinh doanh là cam kết những qui định hết sức cụ thể về qui chế kinh doanh tại khu phố cổ, trong đó công tác Phòng chống cháy nổ là nội dung quan trọng. Mỗi hộ kinh doanh phải có ít nhất từ 1-2 bình chữa cháy tại chỗ, để tự chữa cháy khi có dấu hiệu cháy xảy ra. Nhưng mà những hộ kinh doanh trong khu phố cổ đôi lúc người ta mất cảnh giác, lơ là”.

Sống và kinh doanh, buôn bán trong quần thể di tích đã trở thành nét văn hóa độc đáo chỉ có tại Hội An. Và vì thế, Hội An và người dân là quần thể di tích sống, tuy nhiên với mật độ dân số cao cùng với việc kinh doanh, buôn bán nhiều mặt hàng dễ cháy như vải, áo quần, các mặt hàng mây tre đã đặt ra cho công tác Phòng chống cháy nổ nơi đây những nhiệm vụ không thể lơ là, bất cẩn.