Ám ảnh, day dứt vụ một trí thức thảm sát gia đình

ANTĐ - Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ giết người man rợ, không gớm tay. Có một vụ án đã xảy ra từ hơn 10 năm trước, kẻ thủ ác đã phải trả giá bằng bản án từ hình nhưng đến tận bây giờ, tội ác kinh hoàng hắn gây ra cho cha mẹ và em ruột vẫn còn là nỗi ám ảnh, day dứt không nguôi đối với người thẩm phán đã xét xử vụ này.

Một ngày cuối tháng 10-2011, sân TAND TP HCM vắng tanh, không còn những gương mặt hớt hải, lo toan của những người đến tham dự phiên xét xử người thân trót sa chân, lầm lỡ. Cũng không còn những gương mặt đau đáu nỗi đau của các gia đình có con em là bị hại trong các vụ án… Tất cả chỉ là sự tĩnh lặng, uy nghiêm vốn có của chốn pháp đình.

Tôi gặp thẩm phán N. (Tòa hình sự TAND TP HCM) khi ông vừa kết thúc buổi đứng lớp tại Học viện Tư Pháp, Bộ Tư Pháp. Vẫn vẻ mặt nghiêm nghị như những khi ngồi ghế chủ tọa, nhưng giọng nói của ông bỗng chùng xuống khi tôi nhắc lại thảm án do bị cáo Nguyễn Minh Thuận gây ra cho gia đình hơn 11 năm trước. “Gần 30 năm trong ngành, từng xử hàng trăm vụ án, nhưng chưa bao giờ, tôi chứng kiến một tội ác nào lại kinh hoàng đến thế. Người ta ra tay tàn ác với người dưng vì động cơ mực đích gì đó có thể hiểu được. Đằng này, bị cáo sát hại cả cha, mẹ và em ruột cùng một lúc mà chẳng biết vì lý do gì”, ông trầm tư cho biết.

Ba xác chết người thân chất chồng dưới nền nhà

Vụ án mạng kinh hoàng được phát hiện vào đầu năm 2000. Trong khi nhà nhà nô nức sắm sửa chuẩn bị Tết, con hẻm nhỏ trên đường Bình Giã phường 13, quận Tân Bình bỗng náo loạn bởi những sắc áo công an và hàng trăm người dân tò mò vây quanh căn nhà số 31/8/2. Căn nhà này vốn của gia đình ông bà Nguyễn Thiếp, Nguyễn Thị Tuyết Lan- cán bộ hưu trí, cùng hai con trai. Gia đình này mới chuyển từ Quy Nhơn, Bình Định vào cách đó không lâu. Hàng xóm thường ngày vẫn thấy ông bà qua lại, nhưng nhiều hôm rồi, căn nhà vắng lặng một cách bất thường.

Căn nhà xảy ra vụ án chấn động dư luận cuối năm 2000 trước khi được sửa chữa (Ảnh: SGGP Online).

Những gia đình sống cạnh đó liên tục bị tra tấn bởi một mùi hôi nồng khó giải thích. Chỉ đến khi công an tiến hành khai quật và đưa lên tới 3 xác chết đang trong giai đoạn phân hủy từ một cái hố mới đào trong căn nhà này, mọi người mới thất kinh hồn vía.

Chỉ ít giờ trước đó, khi công an yêu cầu kiểm tra nhà, Nguyễn Minh Thuận, con trai lớn của ông Thiếp, bà Lan còn làm ầm lên, đòi chính quyền phải ký cam kết nếu không có gì mờ ám sẽ phải bồi thường cho Thuận, thì giờ, Thuận cúi đầu nhận chính mình là thủ phạm giết chết ba người ruột thịt.

Tội ác của Thuận những tưởng sẽ nằm yên dưới cái hố sâu mà Thuận đã thuê thợ đến đào ngay giữa nhà mình, nhưng chính cái mùi hôi thối đặc trưng và thái độ kì lạ của Thuận đã khiến các thợ hồ được thuê đến làm việc phải nghi ngờ, báo với cơ quan công an. Theo các thợ hồ thì Thuận thuê họ đến đào một cái hố để chứa nước dưới nền nhà, ngay sát cửa ra vào. Khi vào làm, họ thấy có mùi hôi thối kỳ lạ. Họ hỏi, Thuận giải thích rằng, mấy hôm trước trong nhà có con chó bị chết, giờ đã vứt đi rồi, nhưng vẫn chưa hết mùi. Để át cái mùi hôi này, Thuận còn lấy dầu thơm, thuốc xịt phòng ra xịt. Nhưng điều khiến họ thấy kỳ lạ hơn là việc Thuận thường xuyên ngồi rịt tại cái giường được kéo rèm che kín để canh chừng đám thợ làm việc. Tuy việc, họ vẫn làm cho xong công việc của mình.

Khi đào xong cái hố thì trời đã về chiều, thợ tạm nghỉ, định sáng mai quay lại làm tiếp, nhưng sáng hôm sau quay lại, họ đã thấy cái hố được lấp lại gần đầy. Thuận nói do sợ sạt lở tường nên thôi không làm nữa, sau đó trả tiền rồi nhờ những người thợ đổ xà bần cho đầy hố và láng xi măng lại. Hành động kỳ lạ của Thuận đã được những người thợ báo với công an, cộng với thông tin hàng xóm phản ánh về mùi hôi thối phát ra từ căn nhà này, cơ quan công an đã tiến hành khai quật. Và sự thật khủng khiếp được phơi bày khi ba cái xác gồm cha, mẹ và em trai Thuận nằm chất chồng lên nhau được đưa lên khỏi miệng hố.

Nghịch tử máu lạnh

Thẩm phán N. bảo, ông vẫn thấy rùng mình khi nhớ về những bản ảnh chụp hiện trường khai quật các xác chết nạn nhân được lưu trữ trong hồ sơ vụ án. Phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Minh Thuận diễn ra vào tháng 9-2000 là một phiên tòa khó quên trong những phiên tòa ông từng xử. Khán phòng của TAND TP HCM hôm ấy chật kín người. Nhiều người kinh ngạc bởi diện mạo của một thanh niên có phần hiền lành, cục mịch ấy. Biết có nhiều người dự phiên tòa, khuôn mặt lạnh lùng, bị cáo thản nhiên đảo mắt nhìn khắp lượt xuống phía dưới như muốn tìm kiếm người quen. Không ai hiểu được tâm trạng của bị cáo thế nào sau ánh mắt vô cảm ấy.

Được hỏi về lý do giết người, Thuận khai, đầu năm 2000, cha Thuận về Bình Định làm thủ tục chuyển hồ sơ hưu trí cho hai vợ chồng vào TP HCM vì ông bà đã già yếu, thường xuyên bệnh tật. Bà Lan (mẹ Thuận) bị tai biến mạch máu não khó khăn trong việc đi lại. Thuận và Nguyễn Minh Hòa (em trai Thuận) thay phiên chăm sóc mẹ.

Tối 19-01-2000, khi cả nhà đang xem ti vi thì bà Lan nhờ Hòa đưa đi vệ sinh. Được một lát, Thuận nghe thấy tiếng động mạnh dưới bếp liền hỏi thì Hòa đáp lỡ làm mẹ ngã. Mặc dù bà Lan nói không sao nhưng Thuận vẫn mắng chửi Hòa và hai anh em cãi vã. Tức em cãi láo, Thuận vớ lấy cây gỗ dưới chân giường, phang vào đầu và mặt Hòa, làm Hòa ngã gục xuống giường. Bà Lan từ dưới bếp chạy lên thấy vậy liền la lên rằng: “Sao mày giết em?” rồi tự té ngã xuống đất. Thuận khai có đến đỡ mẹ dậy nhưng bà uất vì Thuận đánh chết em nên đã tự lao đầu vào tường chết (?). Thuận lấy chăn mùng quấn xác mẹ và em lại, đặt dưới gầm giường và lau dọn nhà cửa không còn dấu vết nào rồi đi nhậu.

Ba ngày sau thì ông Thiếp từ quê lên. Thấy nhà vắng, ông hỏi thì Thuận nói dối là Hòa chở bà mẹ đi Hóc Môn thăm dì. Không mảy may nghi ngờ, ông Thiếp bình thản thay đồ rồi lên giường nằm nghỉ mà không biết rằng mình đang nằm trên xác vợ và con trai ngay dưới gầm giường. Thuận khai rằng, khi cha đã đi nghỉ ngơi, Thuận bèn quỳ lạy kể với cha việc mình lỡ tay đánh chết em, khiến mẹ tự tử để nhờ ông Thiếp giúp che giấu tội lỗi. Nhưng sau khi nghe xong, cha Thuận uất ức mà đập đầu vào thành giường chết.

Thuận nói cũng lấy chăn mền quấn xác cha để dưới gầm giường, cạnh xác mẹ và em trai, rồi nghĩ cách phi tang bằng việc thuê người đào hố chôn dưới nền nhà.

Những lời khai trơn trụi của Thuận về cái chết của cha, me và em trai thông thể làm người ta tin. “Hôm ấy, hội đồng đã phải bỏ nhiều thời gian để thẩm vấn, đấu tranh với hung thủ nhằm làm rõ sự thật về cái chết của ba nạn nhân”, thẩm phán N. nhớ lại.

“Sức trai trẻ bình thường như bị cáo, nếu muốn tự tử bằng cách lao đầu vào tường thì dù có lao hết sức cũng chỉ khiến choáng váng và nổi u một cục trên trán, làm sao mà chết được?” – Hội đồng chất vấn bị cáo – Đằng này, mẹ Thuận là người bị tai biến mạch máu, đi còn có người dìu thì sức đâu mà lao đầu vào tường có thể dẫn đến cái chết? Hơn nữa, biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy rằng hộp sọ bà Lan bị vỡ trên đình đầu, chứng tỏ phải có vật đánh vào đấy theo hướng từ trên xuống, chứ không thể có chuyện lao đầu vào tường mà làm vỡ hộp sọ như thế. Tương tự, kết quả giám định pháp y của ông Thiếp cũng thấy hộp sọ bị vỡ bởi một vật đập rất mạnh. Thuận khai ông nằm xoay mặt ra ngoài nên uất ức đã bật ngửa đập đầu vào tường và thành giường mà chết. Tuy nhiên, lật lại biên bản điều tra hiện trường, hội đồng thấy rằng vết vỡ trên đầu ông Thiếp lại nằm ở hướng ngược lại, điều đó có nghĩa là khi ông quay đầu vào vách, Thuận đã dùng cây đập vào đầu ông từ phía sau.

Vặn vẹo, đấu tranh thật lâu với hung thủ máu lạnh này, cuối cùng Thuận thừa nhận chính hắn là người dùng cây gỗ đập đầu em trai, đập đầu mẹ và cha của mình đến chết!

Nhiều người dự khán phòng hôm ấy đã phải rùng mình, sững sờ với hành động mất nhân tích mà Thuận đã gây ra đối với những người thân yêu của mình. Vậy mà, đứng trước phiên tòa, trước tội ác của mình, Thuận không hề tỏ ra run sợ. Chỉ có điều, không ai hiểu động cơ thật sự đã khiến hung thủ này có thể ra tay tàn ác với người thân của mình, rồi bình tĩnh lau dọn, sống chung với 3 xác chết nhiều ngày mới tìm cách phi tang là gì? Nhiều lần, Hội đồng xét xử cố thẩm vấn để làm rõ động cơ giết hết người thân của Thuận nhưng không thể. Bí mật này chỉ có mình Thuận và ba nạn nhân biết. Bản án tử hình đã được cả năm thành viên Hội đồng xét xử thống nhất áp dụng với Thuận khi nghị án.

Chỉ là lỡ tay?

Dù đã gây ra tội ác, nhưng bản năng sống của kẻ tội đồ vẫn thôi thúc Thuận làm đơn xin Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM giảm án. Lý do Thuận đưa ra khi kháng cáp vẫ là “Lỡ tay giết chết em trai vì xót mẹ bị ngã, không giết cha mẹ mà họ tự tử…”. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm không có quyết định nào khác ngoài bản án tử hình đối với Thuận.

Theo quy định của pháp luật, toàn sơ thẩm tuyên án tử hình cho bị cáo sẽ là chủ tịch Hội đồng thi hành bản án này khi tòa phúc thẩm xử y án, Chủ tịch nước cũng bác đơn xin ân giảm tội chết của bị cáo. Vì vậy, TAND TP HCM được phân công thi hành bản án tử hình này. “Thường, thẩm phán nào đã tuyên án tử hình thì sẽ “né” không đi thi hành bản án ấy để bớt nặng nề. Dù luật không cấm thẩm phán tuyên án tử hình bị cáo làm Chủ tịch hội đồng thi hành án, nhưng không ai muốn mình là người tuyên tước quyền sống của người khác, rồi cũng chính mình đi thi hành bản án ấy. Nhưng đối với vụ án của Thuận, tôi tuyên án rồi tôi cũng là người trực tiếp thi hành bản án ấy”, thẩm phán N. chia sẻ.

Việc phân công ông làm Chủ tịch hội đồng thi hành án đối với Nguyễn Minh Thuận thật tình cờ, đáng lẽ ông có thể từ chối nhận nhưng ông đã không làm thế. “Tội ác của Thuận đã làm tôi day dứt mãi, tôi muốn biết đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, Thuận có ăn năn hối hận về những gì đã gây ra không? Hoặc biết đâu, những lời nói cuối cùng của Thuận có thể làm sáng tỏ những bí mật xung quanh vụ án này”, ông nói.

Trong buồng biệt giam, tử tù Nguyễn Minh Thuận bước ra với sự áp giải của hai chiến sỹ cảnh sát bảo vệ hai bên. “Lúc này, nhìn khuôn mặt tử tù, tôi không hề cảm nhận được sự sợ hãi của Thuận trước giờ ra pháp trường. Vẫn đôi mắt xám lạnh, khuôn mặt bình thản, không ai biết Thuận đang nghĩ gì?”. Thực hiện xong các bước thủ tục trước khi ra pháp trường, Thuận được đưa đến căn phòng đã chuẩn bị sẵn một mâm cơm thịnh soạn dành cho tử tù trước giờ hành quyết. Thuận không thèm chạm đến thức ăn, chỉ xin được viết một lá thư. Lá thư ấy là những lời cuối Thuận gửi lại cho cô gái mà hắn yêu thương, tin tưởng và có lẽ, đó cũng chính là người duy nhất còn lại trên cõi đời này thương xót hắn khi hắn chết đi để trả giá cho những hành vi tội lỗi của mình.

“Nhiều năm rồi, tôi vẫn không thể quên cá ánh mắt nhìn thẳng lạnh lùng của Thuận dành cho Hội đồng thi hành án lúc công bố quyết định thi hành án”, vị thẩm phán nói. Phát súng ân huệ của Hội đồng thi hành án tử hình dành cho Thuận ngày ấy đã vĩnh viễn khép lại tội ác dã man, tàn độc của một thanh niên trí thức có bằng đại học kinh tế gây ra cho chính người thân của mình, nhưng những dấu hỏi về vụ án vẫn còn ở lại…