Ngành dịch vụ phát triển chưa xứng tầm

(ANTĐ) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông Thành cho rằng, gia nhập WTO, các quốc gia đều phải cạnh tranh trong môi trường khắc nghiệt và khả năng cạnh tranh được thể hiện qua ngành dịch vụ.

Ngành dịch vụ phát triển chưa xứng tầm

(ANTĐ) - Đó là nhận định của Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ông Thành cho rằng, gia nhập WTO, các quốc gia đều phải cạnh tranh trong môi trường khắc nghiệt và khả năng cạnh tranh được thể hiện qua ngành dịch vụ.

- PV: Theo ông đánh giá thì bước đi của ngành dịch vụ Việt Nam chưa rõ ràng?

- TS Võ Trí Thành: Ngành dịch vụ Việt Nam hiện chiếm khoảng 40% GDP và chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất nhập khẩu. Lao động Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 30% trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là 60%. Thâm hụt thương mại ở Việt Nam còn lớn và dấn ấn kinh tế kế hoạch hóa tương đối nặng nề.

- Vậy Việt Nam có những lợi thế gì để phát triển dịch vụ?

- Việt Nam có 2 lợi thế rất cơ bản. Một là người Việt Nam hiểu người Việt Nam. Dịch vụ cần “giao diện”, mà giao diện nói theo nghĩa rộng nhất thì không ai hiểu người Việt Nam hơn chính họ. Hai là mức xuất phát thấp thì khả năng tạo ra tăng trưởng rất nhanh. Trong khi đó, so với mức trung bình của thế giới nói chung và ASEAN nói riêng thì tỉ lệ dịch vụ trong GDP của Việt Nam là rất thấp, lực lượng lao động làm trong dịch vụ cũng rất thấp.

Ngoài ra, người Việt Nam nhanh nhạy, có truyền thống giao tiếp cẩn trọng, tình cảm… Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy được các lợi thế đó là câu chuyện khác.

- Những ngành dịch vụ nào có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam?

- Về mặt lý thuyết, các nước đang phát triển có 2 lĩnh vực dịch vụ có lợi thế cạnh tranh là du lịch và xây dựng bởi các nước này có lực lượng lao động lớn, trong khi nhiều phân mảng của 2 lĩnh vực này cần nhiều lao động. Tuy nhiên ở Việt Nam có một số ngành cũng có tốc độ phát triển rất nhanh, mặc dù không hẳn đã có lợi thế như nước khác, như: tài chính - ngân  hàng, bán lẻ, viễn thông…

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển dịch vụ

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển dịch vụ

- Đánh giá của ông về chính sách của phát triển dịch vụ của Việt Nam hiện nay?

- Bất kỳ thời điểm nào chính sách cũng khó ngang tầm thực tế. Các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp… cần phải hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của dịch vụ trong việc thúc đẩy phát triển, cả dưới góc độ cải thiện cuộc sống, và tăng khả năng cạnh tranh cũng như tạo ra giá trị gia tăng.

Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, để dịch vụ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế thì Việt Nam cần chú ý tới vấn đề giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch, cải cách trong nước… Thương mại dịch vụ chủ yếu liên quan tới chính sách “sau đường biên giới” chứ không phải trên đường biên giới. Sau đường biên giới là toàn bộ các chính sách, cải cách của quốc gia như: tiêu chuẩn hóa, cấp phép, thủ tục hành chính…

- Những giải pháp cơ bản để thúc đẩy ngành dịch vụ là gì, thưa ông?

- Phát triển ngành dịch vụ phụ thuộc vào 2 lực lượng là thị trường và chính sách của Nhà nước. Quá trình mở cửa, đòi hỏi nâng cao cuộc sống, năng lực cạnh tranh khiến bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn. Đây chính là các yếu tố quyết định thị trường. Về mặt chính sách thì cách thức mở cửa để hội nhập, những cải cách hệ thống giáo dục, cải cách hành chính, quy hoạch phân cấp… rất quan trọng.

Tôi hay nhấn mạnh tới quy hoạch phân cấp vì dịch vụ cần giao diện, giao diện cần “mạng”, mà mạng liên quan tới đất đai để đặt địa điểm mở đại lý, đặt văn phòng đại diện, mạng internet… Vấn đề này không hề đơn giản. Ngoài ra, cạnh tranh dịch vụ đòi hỏi phải có “thông tin”. Muốn có thông tin tốt thì phải có tiếng Anh tốt, giao tiếp tốt, xử lý thông tin nhanh, lực lượng lao động phải có trình độ nhất định.

Hà Linh

(Ghi)