Rau xanh được mùa, người tiêu dùng thoát cảnh mua rau đắt sau Tết
(Trong ảnh: Tấp nập chợ rau xanh dưới chân cầu Long Biên, Hà Nội)
“Giá bình thường” là nhận xét của nhiều người tiêu dùng khi được hỏi về mặt bằng giá thực phẩm sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ. Tại chợ Thành Công, thịt lợn nạc vai, thăn lợn có giá 110.000-120.000 đồng/kg; sườn lợn 110.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 105.000 đồng/kg. Cùng mặt hàng này, tại chợ Ngô Sỹ Liên, giá bán thấp hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Theo chị Xuân (nhà ở quận Hoàng Mai), giá thực phẩm sau Tết rẻ bất ngờ. “Tôi mua con cá chép hơn 1kg mà chưa đến 100.000 đồng vì giá bán chỉ 70.000 đồng/kg. Hơn 10h mới ngó ra đến chợ nhưng nhiều phản thịt vẫn còn nguyên, chọn lựa, mặc cả thoải mái bởi khách mua thưa thớt”- chị Xuân nói.
Các mặt hàng lương thực tăng nhẹ so với tháng trước do nhu cầu của người dân. Giá gạo Khang Dân từ 12.000-13.000 đồng/kg, gạo Xi dẻo 13.000-14.000 đồng/kg, gạo tám Hải Hậu 19.000-20.000 đồng/kg.
Ngày 22-2, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cũng công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố tháng 2-2013. Theo đó, CPI tháng này của toàn thành phố chỉ tăng thêm 1,3% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Thông thường, vào tháng Tết, cầu cao đột biến khiến giá cả tăng chóng mặt và sau Tết, thực phẩm, rau xanh, hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng giá “vô tội vạ”, thiết lập mặt bằng giá mới. Tuy diễn biến thị trường năm nay có thể coi là điều bất thường, hoàn toàn không theo quy luật, nhưng vẫn phản ánh đúng nhu cầu của thị trường. “Sau Tết, hàng hóa sớm được bán trở lại bình thường song mức tiêu thụ đã giảm nhiều so với trước Tết. Nhìn chung, sức mua của người dân dịp Tết năm nay không cao như các năm trước. Nguyên nhân là do nền kinh tế đang gặp khó khăn, tiền thưởng giảm so với năm trước nên người dân thắt chặt chi tiêu. Tại các siêu thị, mức tiêu thụ hàng hóa dịp sát Tết tăng cao hơn các ngày thường nhưng giảm đi rõ rệt so với năm trước mặc dù đã có nhiều chương trình khuyến mãi” - một chuyên gia kinh tế phân tích.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, tháng 3 tới đây, lưu chuyển hàng hóa có thể tăng lên so với tháng 2 do người dân đã hết lương thực, thực phẩm dự trữ trong dịp Tết, phải mua mới. Tuy nhiên, giá nhóm hàng này khó tăng đột biến bởi diễn biến thuận lợi của thời tiết cũng như nhu cầu của người dân chưa có dấu hiệu tăng cao. Đây là điểm có lợi cho người dân khi nguồn thu nhập không tăng và kinh tế tiếp tục khó khăn.