Tính đến cuối tuần qua, 6 quốc gia đã ban bố lệnh cấm bán vaccine cúm của hãng dược khổng lồ Novartis bao gồm Italia, Thụy Sĩ, Áo, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Đó là một số nhãn hiệu vaccine cúm có trên thị trường châu Âu như Agrippal, Begripal hay Fluad và lý do là để phòng ngừa rủi ro. Sự việc bắt đầu từ thứ tư tuần trước, nhà chức trách Italia xác nhận phát hiện tạp chất trong một số liều thuốc tiêm từ tháng 7-2012 nhưng đến tháng 10 này mới công bố.
Mỗi mùa thu đến, các chuyên gia y tế lại kêu gọi công chúng nên tiêm chủng để đề phòng bệnh cúm thông thường. Ai cũng biết, vaccine được tạo thành từ vi khuẩn, virus sống với lượng vừa đủ để hệ thống miễn dịch nhận ra những thuộc tính đặc trưng của mầm bệnh, từ đó mà cơ thể có thể tiêu diệt khi chúng xuất hiện lần sau. Những virus, vi khuẩn đó đều phải trải qua một quy trình xử lý trong phòng thí nghiệm để khi tiêm vào, chúng không thể gây hại cho con người.
Các công ty dược phẩm phải tìm ra những điều kiện tốt nhất để chủng virus phát triển, từ đó mới có nguồn nguyên liệu sạch. Vaccine được sản xuất theo lô, nó cần đáp ứng một loạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng đôi khi lô hàng phải hủy bỏ vì không được vô trùng hoặc dẫn đến tác dụng không mong muốn. Thường mỗi loại vaccine có thể mất từ 6 đến 22 tháng mới được sử dụng đại trà sau những thử nghiệm cần thiết.
Riêng virus cúm là loại thay đổi rất nhanh và luôn cập nhật các đặc tính mới. Vì vậy, vaccine cúm năm ngoái có thể không có hiệu quả trong việc chống lại một chủng cúm đang hoành hành trong năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là tổ chức luôn theo dõi chặt virus cúm. Họ luôn gửi 3 chủng cúm phổ biến nhất cho các nhà sản xuất vaccine để tạo ra vaccine cho mùa mới.
Trở lại với lệnh cấm trên, Giám đốc điều hành Novartis, ông Joseph Jimenez khẳng định mặc dù có sự xuất hiện của một số hạt nhỏ nhưng vaccine của hãng vẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Trước nghi vấn về việc kiểm soát chất lượng trong lô hàng tại Italia này, ông Eric Althoff, người phát ngôn của hãng cho biết, họ đã mở cuộc điều tra và kết quả sẽ được thông tin tới Bộ Y tế Italia.