“Chết thử” để biết trân trọng cuộc sống hơn
Các trường đại học ở Đài Loan gần đây xôn xao về quyết định trải nghiệm có một không hai của 10 sinh viên nữ Trường Y Jen-The. Thay vì “đi phượt” hoặc tham gia vào một trò chơi mạo hiểm, họ lại tìm chỗ để thử cảm giác được về nơi chín suối.
Liu Cheng Tsu, cô sinh viên đưa ra ý tưởng kỳ lạ này cho biết, đây không phải là thú vui lập dị, chuyện nằm trong quan tài là một hành động dũng cảm, đầy tính nhân văn.
Liu Cheng Tsu chia sẻ: “Chúng tôi muốn trải nghiệm cuộc sống một cách đặc biệt. Nhiều người nói chúng tôi không bình thường, nhưng các bạn thử nghĩ xem, bây giờ có quá nhiều người không coi trọng cuộc sống. Họ luôn ấp ủ tư tưởng sống gấp, buông thả trong rượu, ma túy và những cuộc chơi thâu đêm. Trong khi đó, nhà dưỡng lão ở Đài Loan ngày một chật chội vì người già bị con cái bỏ rơi. Đạo đức xã hội đang xuống cấp ở mức báo động. Tôi và các bạn của mình chắc chắn sẽ viết một cuốn sách về trải nghiệm trong quan tài, về cảm xúc khi chứng kiến toàn bộ tang lễ của mình. Chúng tôi hy vọng cuốn sách đó sẽ giúp nhiều bạn trẻ biết trân trọng cuộc sống hơn”.
Ý tưởng của Liu tạo ra hiệu ứng khá mạnh đối với giới các nhà nghiên cứu giáo dục ở Đài Loan. Ban giám hiệu trường Đại học Y Jen-The thậm chí còn ủng hộ tiền bạc, tạo điều kiện để các sinh viên trường mình hoàn thành đợt “chết thử”.
và nâng niu cuộc sống thực hơn. (ảnh minh họa)
Theo bản đề xuất của Liu, có tổng cộng 10 giáo sư, tiến sỹ và 12 vị được gọi là pháp sư sẽ giúp họ thực hiện chương trình “về với suối vàng”. Các sinh viên bắt đầu nghi lễ được chết vào buổi sáng sớm tinh mơ ( khoảng 4 giờ). Khi cỏ cây hoa lá còn ướt đẫm sương đêm, vạn vật chìm trong ánh sáng hắt hiu của bình minh, họ sẽ đi bộ từ Trường Y Jen-The đến nhà tang lễ của thành phố bằng lối cửa sau.
Ở đó, các giáo sư sẽ phát cho mỗi người 1 bộ quần áo người chết theo cách truyền thống của Đài Loan và trang điểm cho họ như thể họ sắp lên thiên đàng. Họ được đề nghị viết di chúc và sử dụng tên thật, hoàn cảnh thật trong mọi thủ tục đăng ký.
Tiếp đó, các pháp sư sẽ dẫn từng người một đến miệng huyệt ( ngay trong nhà tang lễ), đặt sẵn 10 chiếc quan tài phủ một màu vải vàng chuyên để khâm liệm. Họ chờ thông báo của người chủ tang lễ, rồi từ từ đỡ các “xác chết” nằm vào quan tài.
Lúc này, kinh Phật râm ran khắp phòng khâm liệm. Người chủ tang lẽ bắt đầu đọc điếu văn cho từng “hồn ma”. Khi 10 bản điếu văn kết thúc, các pháp sư sẽ đóng nắp quan tài lại và chuyến đi vào cõi vĩnh hằng bắt đầu. Những người dũng cảm nhất sẽ có trải nghiệm trong 10 phút. Hết thời gian, họ được giải cứu bởi các pháp sư và trở lại cuộc sống bình thường.
Những sự cố ngoài ý muốn
Tất cả 10 sinh viên sẵn sàng cho cuộc “chết thử” đều là những người dũng cảm. Trước khi nhận lời tham dự, họ đã được tư vấn, được trang bị thông tin đầy đủ và cả những phân tích thiệt hơn về đợt thử nghiệm.
Một số người còn bị gia đình ngăn cản vì theo văn hóa phương Đông, cuộc chết thử như thế chẳng khác gì điềm gở hoặc nó báo hiệu một cái chết thật mà chính người trong cuộc không thể hình dung nổi.
Ông Chan Seng Hsing, phụ huynh của một nữ sinh giấu tên tham dự chết thử cho biết, ông và gia đình hoàn toàn thất vọng về quyết định mạo hiểm không giống ai của cô con gái rượu. Ai cũng lo “nhỡ” có vấn đề gì thì mọi chuyện trở nên cực kỳ rắc rối và bi thảm.
Ông Chan Seng Hsing buồn rầu nói: “Tôi đã nói chuyện với con bé cả đêm. Nhưng có vẻ như nó rất quyết tâm. Nó sẵn sàng đi khỏi nhà chứ không bỏ qua đợt trải nghiệm điên rồ này. Tôi thật không hiểu nổi lớp trẻ bây giờ nghĩ gì. Có rất nhiều việc chứng minh được việc làm tốt, đâu cần phải mang mạng sống của mình ra thử”.
Ngày hành lễ, cả 10 nữ sinh đều có mặt đầy đủ. Họ rất dũng cảm, mạnh dạn bước đi trong đêm tối từ Trường Y Jen –Teh đến nhà tang lễ. Tuy nhiên, tất cả không ai có thể đứng vững khi kinh Phật réo rắt bên tai và lời điếu văn của chính mình ai oán. Cộng thêm khói hương, ánh nến và việc phải nằm trong quan tài bịt kín chỉ hở một ô vuông như…truyền thống càng khiến họ hoang mang.
Ban tổ chức (các giáo sư, tiến sỹ và pháp sư) đã phải dừng cuộc thử nghiệm 2 lần để “cứu” hai linh hồn thoát khỏi quan tài trước thời hạn vì họ không thể chịu nổi. Cô gái có tên Jian Xao khóc nức nở và gần như ngất đi khi “cái chết” mới ập đến khoảng 3 phút.
Còn Jian Lin Fay giẫy đạp liên tục trong quan tài kể từ phút thứ 4. Cô không khóc nổi vì quá sợ hãi. Hai người đã được nhanh chóng đưa ra khỏi nhà tang lẽ và trở lại Trường Y Jen – The. Số còn lại đã nằm hết 10 phút sống ở địa ngục, thưởng thức đầy đủ tang lễ của chính mình.
Tuy nhiên, tất cả trong số họ đều không cầm nổi nước mắt. Ai cũng nhanh chóng trút bỏ bộ quần áo nhà xác để trở lại là minh. Họ chia sẻ với nhau về khát vọng được sống sau khi “đã chết”. Họ hẹn nhau chăm sóc gia đình, ông bà, bố mẹ và hứa sống tốt hơn với những người xung quanh sau khi đã cảm nhận sâu sắc được giá trị cuộc sống.
Câu chuyện của họ được giáo sư Sai Hong Yuk chia sẻ như sau: “ Không ai bảo ai, dường như họ có chung một suy nghĩ “khát sống” sau khi thử chết. Tôi cho rằng, những người này sẽ dẫn dắt thế hệ mới sống tốt hơn sau khi họ đã có trải nghiệm cực kỳ dũng cảm về cái chết”.