Live show “Bà Tưng” trên băng rôn quảng cáo của một bar ở Hà Nội
Mấy tuần qua, trên mạng xã hội Facebook bán tán xôn xao về một cô gái có nickname “Bà Tưng” với màn nhảy “thả rông” trong phòng ngủ khoe vòng 1 gợi cảm. Sự việc có lẽ chỉ dừng trên mạng xã hội nếu như không có chuyện các trang báo mạng sốt sắng đi tìm nguồn gốc “Bà Tưng”, phỏng vấn ông bầu của “Bà Tưng”, rồi mẹ “Bà Tưng” thậm chí cả luật sư để xem cái tội “thả rông nhảy nhót” đó có đồng nghĩa với việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay không? Rồi cũng chính những trang báo mạng đó lại úp mở “bật mí” hay “giải mã hiện tượng”, thổi phồng thông tin…. cứ làm như chuyện khoe thân không biết ngượng của một cô gái trẻ cho cả triệu triệu người xem và bình phẩm là một điều gì đó ngang với những vấn đề quan trọng như quốc kế dân sinh.
Sau chưa đầy 3 tháng “chạy rông” trên các trang mạng, giờ thì “Bà Tưng” (tên thật là Huyền Anh) đã trở thành “người nổi tiếng”. Một bar ở Hà Nội trưng ảnh “Bà Tưng” để quảng cáo cô sẽ biểu diễn, sánh ngang cùng các ca sĩ, nhạc sĩ khác, trong một chương trình ca nhạc diễn ra vào ngày 27-7.
Nhiều người thắc mắc, ngoài những màn nhảy múa hết sức nhảm nhí, những phát ngôn gây “sốc” kia ra “Bà Tưng” Huyền Anh cống hiến gì cho khán giả và tài năng thực sự của cô gái này là gì, khi mà bản thân cô dám tận dụng những “chiêu thức” nổi tiếng rất thô thiển. Xem ra, để được nổi tiếng trong làng giải trí Việt cũng dễ dãi.
Thay vì tài năng, thay vì khổ luyện đến đổ mồ hôi sôi nước mắt thì chỉ cần có vóc dáng ưa nhìn, có số đo 3 vòng chuẩn, rồi cũng cần chai mặt tự tin cởi đồ trước đám đông, kèm thêm vài tuyên bố bạo miệng….Thế là thành nổi tiếng, nhanh đến mức đáng sợ!
Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL Hà Nội Nguyễn Thanh Phong khẳng định sẽ không có đêm nhạc hay trình diễn nào của “Bà Tưng” diễn ra trên địa bàn Hà Nội. Thanh tra Sở cũng đã yêu cầu chủ bar gỡ bỏ băng- rôn quảng cáo. Bên cạnh đó, ông Chánh Thanh tra cho biết, nếu Huyền Anh và đơn vị tổ chức phớt lờ luật pháp, thì sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngẫm ra mới thấy cái sự đời nhiều khi bất công. Có những nghệ sĩ opera miệt mài học, học suốt cả đời, mỗi lần lên sân khấu là một lần rút ruột ra để hát. Có những nghệ sĩ nhạc thính phòng giao hưởng mấy chục năm trời đeo đuổi với nghề đắm say với những bản nhạc siêu kinh điển của Mozart, của Beethoven… nhưng phía sau cánh gà chỉ nhận được tiền lương ít ỏi.
Có những người mẫu tập đến đổ máu trên sàn catwalk nhưng rồi cũng chưa đâu vào đâu. Ấy thế mà những người như “Bà Tưng” tài năng chưa thấy đâu, nhưng chỉ cần thả rông vòng một, cởi một tí, thoáng một tí là có vô khối người theo dõi, ti tỉ lượt nhấn “like”. Lỗi này của ai? Thị hiếu của công chúng ngày càng dễ dãi hay là tại cái sự tò mò của tâm lý đám đông lấn át?