Trốn nhà đi học chữ…
Cùng lúc lấy tới cả chục nghệ danh, mà nghệ danh nào cũng hết sức… nữ tính, từ Cô Phượng, Hàn Ni đến Diễm Nhi, bởi thế mà nhiều người cứ ngỡ rằng Vinh Sử là một nữ nhạc sĩ tài hoa nào đó. Ít ai biết rằng tác giả của nhiều ca khúc được nhiều người yêu thích như: Mưa bụi, Nhẫn cỏ cho em, Nhành cây trứng cá, Người phu kéo mo cau, Đêm lang thang… lại là một đấng nam nhi. Ông sáng tác nhiều, lại lắm nghệ danh, nên ngay cả khi ký tên mình ở dưới mà vẫn bị người nghe thắc mắc: “Có phải tên thật không đấy” là… chuyện bình thường.
Vị nhạc sĩ được người nghe gán cho biệt danh “vua nhạc sến” tâm sự tuổi thơ của ông gắn liền với nghèo khó và cơ cực, có lẽ bởi thế mà những sáng tác của ông đa phần hướng về đời sống nội tâm của tầng lớp bình dân lao động. Nhạc sĩ Vinh Sử bảo ngày nhỏ ông may mắn hơn chúng bạn cùng trang lứa trong xóm lao động nghèo vì gia đình mở lò làm bún, làm ăn lại cũng khấm khá có đồng ra đồng vào. Có điều cũng bởi cha mẹ ông vốn là những công nhân đồn điền cao su luôn mặc cảm về cái nghèo, lại muốn hướng ông học nghề hơn là cho ông đi học chữ. Ngày ấy loanh quanh trong xóm thấy chúng bạn ai cũng đi học, ông tò mò lắm, quyết chí phải đi học cho biết cái chữ nó như thế nào. Biết cha mẹ không ủng hộ, ông trốn nhà đi bán báo rong để kiếm tiền đóng tiền học. Rồi thì ông cũng được khoác áo học sinh đến lớp mà phải mãi lâu sau cha mẹ ông mới biết.
Có điều khi bắt đầu biết chữ cũng là lúc ông nhận ra mình mê nhạc - thứ mà cha mẹ hay các anh chị em trong gia đình ông chẳng bao giờ nghĩ tới. Cũng chính từ khi ấy, ông le lói ước mơ sẽ viết nhạc và trở thành một nhạc sĩ được nhiều người biết đến. Nhưng ông chẳng dám thổ lộ với ai về điều ấy vì e thế nào cũng sẽ bị can ngăn. Ít ai ngờ rằng chính ở tuổi “ô mai mơ”, cậu học trò Vinh Sử lại viết ra được những bài hát mà sau này làm mê lòng… người lớn. Nhớ lại ông bảo nói ra nhiều người chắc không tin nổi, nhưng một trong số những sáng tác thành công và được phổ biến rộng rãi đầu tiên của mình là bài “Nhẫn cỏ cho em” lại được ông manh nha sáng tác từ khi còn là cậu học sinh lớp 6.
Lấy cảm hứng từ… cái vòi nước
Quang Linh và Quang Lê - hai trong số nhiều ca sĩ nổi danh
ở dòng nhạc trữ tình quê hương với các sáng tác của nhạc sĩ Vinh Sử
Ngấp nghé tuổi thất thập cổ lai hy, nhạc sĩ Vinh Sử bảo giờ đây ông hay nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ, bởi không ít trong số chúng từng đi vào sáng tác của ông và ở lại trong lòng người yêu nhạc. Như tình bạn hồn nhiên giữa ông với cô bạn cùng xóm ngày cả hai còn bé tí teo. Có lần, ông với cô bạn nhỏ bàn nhau trèo lên cây hái quả, chẳng may đang hái thì người chủ nhà về, ông nhanh chân thoát được trong khi cô bạn hàng xóm bị giữ lại. Khi đó ông chỉ biết đứng tần ngần nhìn cô bạn bị phạt mà nước mắt ngắn dài. Cảm xúc này sau đó được ông đưa vào trong sáng tác “Nhành cây trứng cá” được nhiều người yêu thích.
Nhớ lại những ngày còn ở xóm lao động nghèo, ông kể cả khu chỉ có một vòi nước sạch để sử dụng. Có khi người dân lam lũ phải đứng cả một hàng dài chờ lấy nước. Hình ảnh những cô gái trong xóm thức đêm để gánh nước giúp cha mẹ khiến ông xúc động mà viết thành bài hát “Gái nhà nghèo”. Ông nói vui bài hát xuất phát cảm hứng từ cái… vòi nước của khu mình ở là như vậy. Với ông, đó là hình bóng xóm nhỏ nơi ông đã lớn lên được lưu giữ lại bằng âm nhạc.
Ông từng ao ước nổi tiếng bằng nhạc và rồi ao ước đó cũng trở thành sự thật. Ngày trẻ, người ta ví tiền được trả cho một sáng tác của ông có thể đổi được cả một chiếc ô tô. Và rồi ông là một trong những nhạc sĩ thức thời làm giàu được bằng âm nhạc. Nhưng rồi thời kỳ hoàng kim nhất ấy cũng đi qua, ông trở về với cuộc sống lao động nghèo nhưng vẫn không nguôi “say” âm nhạc. Đến giờ gần đi hết cuộc đời, ông nghiệm ra mình chưa bao giờ vơi cảm hứng sáng tác và mừng khi thấy những sáng tác năm nào của mình vẫn còn “sống” khỏe. Hơn một năm nay ông một mình chiến đấu với căn bệnh ung thư trực tràng trong căn nhà nhỏ giữa Sài Gòn. Và niềm an ủi lớn nhất với ông hiện giờ là lần đầu tiên trong đời, ông được bạn bè dồn sức làm cho đêm nhạc riêng giữa Thủ đô vào tối 16-6 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Ông bảo bạn hữu là những gì quý giá ông còn lại trong đời, còn âm nhạc chính là liều thuốc giúp ông đi nốt những tháng ngày còn lại…