Người phụ nữ lặng lẽ đứng sau NSND Trọng Khôi

ANTĐ -  Ai cũng thấy nhiều cái chết phải theo mệnh trời, nhưng sự ra đi của NSND Trọng Khôi vẫn để lại một khoảng trống vô hình với người yêu quý ông.  Ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông không buông xuôi và bi quan, mà vẫn sống đầy trách nhiệm, tận tâm với nghề…

Vợ chồng NSND Trọng Khôi cùng vợ chồng họa sỹ Ba Tỉnh

Làm việc đến hơi thở cuối cùng

NSND Trọng Khôi mắc bệnh tiểu đường đã khá lâu, ăn uống phải giữ gìn, kiêng khem theo chế độ nghiêm ngặt. Nhưng bản tính nghệ sỹ, yêu thích sự tự do, phóng khoáng và niềm đam mê nghiệp diễn khiến ông quên đi bệnh tật. Khi đã nhận vai diễn, ông “sống” cùng nhân vật, trầm tư suy nghĩ rất lâu để tìm kiếm những chi tiết,  “đắp” cho đầy tính cách nhân vật, nên lịch sinh hoạt luôn bị đảo lộn. Vợ ông, bà Phạm Thị Thanh Bình đã có lúc giận dỗi vì ông xem thường sức khỏe. Dăm lần ông đột quỵ do làm việc quá sức, nhưng bệnh đến rồi lại đi, vì Trọng Khôi vốn là người có sức khỏe. Thế nhưng, ở lần cuối cùng, ông đã không thể cưỡng lại mệnh trời. Từ khi yêu, chung sống với nhau 37 năm, khoảng thời gian khá dài của một đời người nhưng với vợ ông, đó vẫn là giây phút thật ngắn ngủi.

Trước khi mất, NSND Trọng Khôi đã nhận lời tham gia bộ phim “Bản di chúc” quay tại Đà Lạt. Bằng linh tính của người vợ, bà đã cảm nhận ông yếu đi nhiều nhưng vẫn cố làm việc bằng tất cả sức lực. Cũng trong dịp này, con trai ông cưới vợ và đám cưới được tổ chức ở Hà Nội và TP.HCM. Rất hiếm khi bà can dự vào công việc của ông nhưng lần này, bà khuyên ông nên cân nhắc trước khi lên đường vào Đà Lạt. Bản tính cả nể và ngại ảnh hưởng đến đoàn làm phim khi đột ngột thay đổi diễn viên khiến ông quyết định dấn thân. Và bà đã đúng, sau khi quay xong vai diễn 10 ngày, Trọng Khôi nhập viện tại TP.HCM và không thể tham dự đám cưới con trai. Ra đến Hà Nội, sức khỏe của ông có khá lên nhưng sau đó lại chuyển xấu và ông đã về cõi thiên thu trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bè bạn. 

Tin tưởng nhau tuyệt đối

Ngay từ hồi yêu, bà đã lường trước những vất vả và cả sự hy sinh của một người vợ. Thành thật mà nói, bà từng có ý định chấm dứt mối quan hệ với ông cũng vì hai chữ “nghệ sỹ”. Nhưng NSND Trọng Khôi đã kéo bà về phía mình và cùng ông đi suốt chặng đường nhọc nhằn của đời người nghệ sỹ bằng những hành động rất cụ thể. Trừ những buổi bận tập luyện và diễn vở, ông thường đến đón bà sau mỗi giờ làm việc. Hai người sánh vai trên hai chiếc xe đạp. Ông rất ít nói, cứ lặng lẽ đi bên người yêu. Chỉ vậy thôi, nhưng trái tim bà luôn thấy thật ấm áp. Ngày lấy ông, Trọng Khôi vẫn là một nghệ sỹ chưa có tên tuổi của Nhà hát Kịch Việt Nam. Chỉ đến khi thành công với vở “Đôi mắt”, ông mới bắt đầu nổi tiếng và  dần dần được các đạo diễn tin tưởng giao vai. 

Cũng trong những năm tháng nhọc nhằn của thời bao cấp, ông bà có thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ bên các bạn diễn. Ngày ấy, hai vợ chồng được phân một căn hộ tập thể đằng sau Nhà hát Lớn. Nhà chỉ có hơn chục mét vuông nhưng không mấy khi ngớt tiếng cười. Bà là người đã chứng kiến những giây phút thăng hoa trong nghề diễn của ông và những lúc ông hạnh phúc bên anh em đồng nghiệp. Tuy vất vả nhưng giai đoạn hưng thịnh của nền sân khấu Việt đã tạo cho NSND Trọng Khôi nhiều đất diễn bằng các vai chính kịch rất ấn tượng. 

Thế rồi thời bao cấp cũng qua đi, Trọng Khôi ngoài nghề diễn còn đảm nhận thêm vai trò quản lý. Lặng lẽ đứng đằng sau những thành công của chồng, công việc gia đình một tay bà Phạm Thị Thanh Bình lo toan để ông được toàn tâm toàn ý vào công việc. Ông và bà có một nguyên tắc: mọi điều trong cuộc sống cần thẳng thắn chia sẻ nên họ có niềm tin tuyệt đối vào nhau. Cứ như vậy, hai ông bà đã cùng nhau đi suốt chiều dài của một đời người và giờ còn lại bà lẻ bóng với nỗi nhớ nhung. Ngôi nhà đã vắng đi tiếng cười, tiếng nói và cả thói quen dậy sớm, ăn uống đúng giờ của ông. Trước khi đi vào cõi thiên thu, bà vẫn thấy ông nhắc đến những dự định sẽ làm cho anh em nghệ sỹ như một khu nghỉ dưỡng, một trung tâm biểu diễn văn hóa lớn của miền Bắc. Nhưng tất cả chỉ còn đọng lại niềm tiếc nuối.