Nhà thơ Đỗ Thị Tấc:

Học cách sống của cây ngàn tuổi

ANTĐ - Đỗ Thị Tấc quê gốc ở Hưng Yên, dân tộc Kinh, ấy thế mà chị theo gia đình lên Lai Châu từ nhỏ, tuổi thơ thấm đẫm rừng cây và đá núi , nên thơ chị cũng chan chứa tình người vùng cao. Chị từng làm phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Lai Châu, ngay cả bây giờ khi đang giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Lai Châu, chị vẫn sống giản dị lắm. 

Mỗi lần gặp, tôi thấy chị hay mặc chiếc áo cộc nhiều túi khoác ngoài áo vải, loại áo này chuyên dành cho các nhiếp ảnh gia đựng đồ nghề. Lần đại hội Hội Nhà văn năm 2010 tôi hỏi Tấc: “Không diện à”, chị đáp: “ Người như em á, diện vào hơi phí”…, rồi cười. Hơn hai năm trước, tôi qua Lai Châu, hỏi thăm Tấc người ta bảo Tấc đi Sìn Hồ rồi. Lên Sìn Hồ vượt qua những khúc ngoặt thót tim, lại leo nửa ngày lên cổng trời người ta lại bảo Tấc đi  chợ Huyện nơi dân tộc Hà Nhì đang có mẫu thổ cẩm đẹp lắm. Tìm Tấc như thể tìm chim. Tấc là con của núi rừng thật sự.  Tôi cũng nghe, những năm làm báo, chị  “nhặt” những đứa trẻ nghèo về nuôi. Nghe nói chị có tới bốn hay năm đứa con nuôi và con đẻ chỉ có một. Những đứa con chị nuôi, giờ đã trưởng thành, chị đã lên chức  bà nội bà ngoại ở tuổi xấp xỉ 50. Quá trẻ với nhà thơ Đỗ Thị Tấc, khi chị viết về mẹ núi và sữa đá. Giải thưởng của Hội Nhà văn trao cho chị về tập thơ “Những người mẹ núi” ghi dấu một thành công của chị gắn bó với đời sống vùng cao và viết về vùng cao. Bài thơ Vô đề chị viết: “Thả lỏng tay, nhưng trái tim say nghiêng /nắng và gió lau khô mắt lá/ đá khóc/ những bước chân trần lau khô mắt đá/anh đi qua em”.

Tôi mơ hồ cảm được trái tim đau đớn nhàu nhĩ vì yêu  của nhà thơ Đỗ Thị Tấc, nhưng trái tim này không hề yếu đuối. Chị biết lau khô nước mắt của mình. Người mẹ của đàn con thơ đâu dám đùa với cơm áo, với thơ ca. Thơ chị như mê hoặc người yêu thiên nhiên, yêu núi cao rừng thẳm, yêu suối trong và lội ngược về với đồng bào ít người ở heo hút tận Lai Châu. Chị biết uống và nâng ly rượu. Nom điềm đạm như người đã đi qua tuổi tri thiên mệnh từ lâu. Mặc dù chị tuổi Quý Mão, năm 1963, mới vừa chạm chân đến tuổi 50. Nhưng chị thật trẻ và khỏe khoắn. Đứa con của núi rừng này học cách sống của cây ngàn tuổi, của sữa đá và mặt  trời thật gần trên núi. Chị còn nghe khèn và viết về khèn tình: “Khèn tình /chỉ một người biết thổi/chỉ một người biết nghe/ông không truyền /cha không dạy/ biết yêu trời mách cho”. Có một thứ khèn mà trái tim chỉ chọn cho lớp học một người, đó là khèn tình.

Ông cha không dạy không truyền mà con cháu vẫn học vẫn tốt thì chỉ có khèn tình. Một cách nhìn tinh tế, cách viết kiệm lời, giản dị của thơ Đỗ Thị Tấc đi vào lòng người đọc nhẹ nhàng mà thấm sâu hồn cốt của văn hóa  miền núi. Ở đó không có ánh đèn rực rỡ, trăng sao nhiều hơn làm bạn với người, dù Lai Châu đã khởi sắc, những bản làng đã thay da đổi thịt, nhưng khèn tình thì không thể thay thế. Thứ khèn bùa ngải làm bao người cả trẻ lẫn già yêu nhau lên chợ Tình, kéo nhau lên núi mà  đối thoại . Viết đến bài Trầu say thì Đỗ Thị Tấc tả thực: “Đong đưa con ngủ/kẽo kẹt tiếng võng/in hằn móng ngựa/miết trên đường làng/cỗ xe khát vọng/con có trên đời”. Tình yêu gia đình mẹ con trải dài trong vệt thơ của Đỗ Thị Tấc. Đọc thơ  chị như lội suối trong nhìn cá, len bàn  chân vào rừng rồi  ngẩng nhìn hoa hồi, hoa quế mà xao xuyến, leo lưng ngựa mà hò reo với đá núi, thỏa chí với trời xanh.

Đỗ Thị Tấc đã chọn cho mình một lối đi riêng , viết về miền núi, hay mẹ núi đã chọn chị, sữa đá chọn chị, và chị mê mải đi, mê mải viết về mẹ, về những đứa con  còn nghèo, còn khốn khó trên những nẻo xa lắc mà ta quen gọi đó là vùng sâu vùng xa.