Tiền bạc không nhiều ý nghĩa
Nghệ sỹ Nguyễn Như Ý (giữa) trong vòng tay yêu thương của bạn bè
Được đào tạo ở cái nôi đã sản sinh ra nhiều nghệ sỹ lớn của đất nước - trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khi Nguyễn Như Ý chân ướt chân ráo vào trường, anh chỉ là “thằng bé” nhà quê thật thà, hiền như cục đất. Bản năng đặc biệt của anh bắt đầu được bộc lộ ở nơi luôn có nhiều sự khác thường và chấp nhận sự khác thường. Nhưng Như Ý có lẽ là trường hợp khác thường đặc biệt nhất. Các phương pháp giảng dạy và khuôn phép trong nghiên cứu nghệ thuật hàn lâm đều “bó tay” trước Ý. Anh sống và làm nghệ thuật theo bản năng của mình. Trong tay Như Ý luôn có con dao và khi đi lang thang trên đường với bộ quần áo “chả giống ai”, chỉ cần nhặt được mẩu gỗ dù bé tẹo đi chăng nữa thì anh cũng sẽ gọt nó thành những hình hài bắt mắt, những tác phẩm theo quan điểm nghệ thuật của Ý.
Nhưng có điều lạ, Ý hầu như không giữ lại tác phẩm nào mà thường bán ngay, bán với bất cứ giá nào, thậm chí bức tượng vừa hoàn thiện ấy có giá chỉ bằng một mớ rau, anh cũng gật đầu. Rồi những đồng tiền bán tượng ấy có khi chỉ để đãi bạn bè. Với Như Ý, tiền bạc hình như không có ý nghĩa nhiều lắm. Anh sống bản năng và không vụ lợi. Trời cho Như Ý sức khỏe vô biên, có thể nhịn đói 2 đến 3 ngày mà vẫn làm việc bình thường. Nhìn các tác phẩm của Như Ý, nhiều người cho rằng, trong người anh có dòng máu của các nghệ nhân chạm khắc đình làng, người lại cho rằng nó có hình hài và có sự ảnh hưởng của tượng nhà mồ Tây Nguyên.
Sáng tác theo bản năng
Nhưng tất cả có lẽ đều sai, vì Như Ý sáng tác hoàn toàn theo bản năng, bên trong con người anh có sự thôi thúc cần phải gọt và đẽo. Những hình thù kỳ dị, khó ai có thể hiểu giờ nằm trong gia tài của nhiều nhà sưu tập tư nhân. Người ta chơi tượng của Ý “điên” không phải vì nó rẻ mà vì nó có hồn có cốt, có cái ngây thơ và cả… kinh dị. Đấy cũng là điều đặc biệt trong nghệ thuật, sự khác biệt cần thiết để mỗi nghệ sỹ lưu lại dấu ấn của riêng mình. Tuy anh tốt nghiệp ra trường ở trường hợp bất đắc dĩ và cũng đã khá lâu nhưng các sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam vẫn truyền nhau giai thoại Ý đẽo tượng trước cổng trường như là một hình ảnh vừa mang tính lãng mạn vừa tiêu biểu nhất cho niềm yêu thích và đam mê mà Ý dành cho điêu khắc.
Những giai thoại liên quan đến Nguyễn Như Ý thường buồn và làm người khác sẽ nghĩ rằng: anh điên. Nhưng khi đọc những dòng nhật ký Như Ý viết cho mẹ và những nhận xét của anh về nghệ thuật, về xã hội mới thấy bên trong cái vẻ điên điên khùng khùng ấy là một tâm hồn nhạy cảm, thông minh đáng yêu. Khi nhớ về người học trò khác biệt như Như ý, điêu khắc gia Đào Châu Hải cho biết: “Tôi thấy cuộc đời trở nên nhẹ nhàng và lương thiện hơn. Ý làm tất cả vì đam mê và thích thú bất chấp mọi hoàn cảnh đói nghèo, túng thiếu”.
Đêm đêm lại về trong “cái tổ”
Một chiều mưa ngày 30 Tết, Như Ý đột nhiên xuất hiện trước cửa phòng nhà thầy giáo và trên tay cầm bó hoa cúc còn cả rễ, người ướt sũng và chân thì lấm lem bùn đất. Anh đến để chúc sức khỏe thầy cô nhân dịp năm mới và cách tặng hoa của Như Ý đúng là không giống ai. Anh đã đi xuyên qua cái bàn ăn ngăn cách giữa 2 thầy trò theo đúng nghĩa đen để đứng trước mặt thầy còn cái bàn thì đổ kềnh ra đất. Gia đình giữ anh ở lại ăn bữa cơm tất niên nhưng Ý nhất mực từ chối. Tuy có hoàn cảnh nghèo khó nhưng việc nhận tiền của người khác là tối kỵ với Ý. Anh không có chút dối trá nào trong con người và cũng không phải nói vừa lòng ai, không xin xỏ ai, không châm chọc ai mà chỉ sống theo đúng cách của mình. Đó chính là lý do Ý gặp hết tai nạn này đến tai nạn khác, không may này đến không may khác và cũng là lý do người quý mến anh thì nhiều, muốn gần anh thì ít.
Giờ thì Như Ý đã không thể theo đuổi niềm đam mê anh dành cho nghệ thuật sau tai nạn bất ngờ. Anh đã trở về làm một người nông dân đích thực tại quê nhà ở Phủ Lỗ, Sóc Sơn và suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với công việc mò cua bắt ốc kiếm sống qua ngày. Và rồi đêm đêm anh lại về trong “cái tổ” được đào sâu dưới lòng đất để ngủ.