- Xin chào siêu mẫu Xuân Lan!
- Thực ra lúc nào tôi cũng muốn được gọi là người mẫu Xuân Lan, đơn giản thế thôi. Bởi vì tính đến thời điểm này công việc hiện tại của tôi đều gắn liền với từ người mẫu, và nghề này đã cho tôi tất cả mọi thứ!
- Nhưng lâu lắm rồi khán giả không còn thấy chị tham gia trình diễn mà lại lùi vào cánh gà với những công việc hậu trường - chị có thể giải thích về điều này được không?
- Tuổi nghề của nghề người mẫu rất ngắn và hiện tại tôi đã hết tuổi nghề để tham gia biểu diễn trên sân khấu. Công việc chính của tôi bây giờ là lui vào hậu trường để làm công việc lớn hơn - đó là đạo diễn. Tôi nghĩ vai trò của một người đạo diễn catwalk quan trọng hơn rất nhiều, và mình được làm nhiều điều thú vị hơn, công việc cũng khó khăn hơn và áp lực cũng nặng nề hơn, nhưng bù lại niềm hạnh phúc của mình sẽ tăng lên rất nhiều lần sau mỗi chương trình thành công.
- Chị có áp đặt cá tính và quyền đạo diễn của mình lên những chương trình như vậy?
- Trong bất kỳ chương trình nào tôi đảm nhiệm vai trò đạo diễn catwalk cũng đòi hỏi yếu tố chuyên nghiệp của người mẫu, nghĩa là người mẫu phải diễn quần áo chứ không phải diễn người. Người mẫu phải tôn trọng chương trình lẫn tiêu chí của nó, tôn trọng nhà thiết kế, tôn trọng bản thân, tôn trọng nghề nghiệp và tôn trọng khán giả, khi đó người mẫu phải nỗ lực hết mình để tỏa sáng cùng với ý tưởng do ban tổ chức đưa ra - cuối cùng người đạo diễn catwalk phải tổng hợp tất cả những điều đó để xây dựng một chương trình thành công. Tôi nghĩ đây không phải là một điều đơn giản, những người thành công được đều là những người mẫu có cá tính, chưa kể đến việc mỗi người mẫu đã là một ngôi sao, làm sao để kết hợp được tất cả những ngôi sao với cá tính mạnh đó cùng tỏa sáng trên một sàn diễn thời trang thì không phải ai cũng làm được điều đó.
- Vậy cho hỏi chị làm công việc này dựa trên kinh nghiệm nào, bởi chị đi lên từ một người mẫu trình diễn thực tế rồi trở thành đạo diễn là hai nghề có những đòi hỏi khác nhau?
- Những tư duy, trải nghiệm của tôi lúc nào cũng được luyện tập liên tục, không thu nạp kinh nghiệm của các show diễn đã qua mà phải cập nhật - nắm bắt từ những show diễn thời trang - xu hướng thời trang mới của những nhà thiết kế hàng đầu trên thế giới đưa ra trong năm. Từ đó chọn lọc và kết hợp với văn hóa của người Việt Nam để chắt lọc ra những cái mình có thể sử dụng được. Ngoài ra mình phải hiểu được những ý tưởng của nhà thiết kế đang xây dựng, gửi gắm trong bộ sưu tập là cái thứ nhất. Tiếp theo tôi nghĩ không chỉ đơn thuần là kinh nghiệm mà là sự đam mê, bản lĩnh và quan trọng nhất để làm một đạo diễn catwalk, quản lý người mẫu phải là người có uy tín, có tiếng nói để người mẫu tôn trọng, khi đó họ mới nghe và đồng ý với sự sắp xếp của mình trên sàn diễn thời trang. Khi làm việc chuyên nghiệp, tạo được uy tín, ấn tượng trong lòng người mẫu để giúp họ tỏa sáng ở bất cứ vị trí nào họ xuất hiện trên sân khấu, thì cho tới bây giờ tôi có thể nói mình là một trong những đạo diễn catwalk có tiếng nói, có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ người mẫu bây giờ.
- Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ ôm mộng trở thành người mẫu, nhưng để hiểu một cách tường tận thế nào là người mẫu thì không phải ai cũng trả lời được. Chưa kể đến việc họ bị nhầm lẫn về vẻ đẹp hình thể của một người mẫu?
- Có một quãng thời gian nghề người mẫu bị hiểu sai do tư duy. Vì vậy có một khoảng thời gian chính là khoảng lặng của sàn catwalk, của làng thời trang Việt Nam bởi đa số các em người mẫu đều “lao” theo xu hướng vòng 1-2-3 phải theo chuẩn 90-60-90, thế là các em đua nhau đi làm ngực, rồi ăn mặc sexy. Và người mẫu chỉ diễn người chứ không diễn đồ, họ không hiểu bộ đồ họ mặc là gì và tiêu chí của chương trình đặt ra là như thế nào, họ chỉ muốn ra ưỡn ẹo thân thể để có thể khoe được các số đo và họ diễn cong cớn giống như một vũ công ở “club” nào đó chứ không phải là một người mẫu. Thậm chí là một người mẫu ngồi dưới ghế khán giả xem các em diễn như thế tôi còn cảm thấy khó chịu và phản cảm huống hồ khán giả.
- Khoảng lặng của sàn catwalk Viêt Nam như chị nói đã đi qua chưa?
- May mắn cho làng thời trang Việt Nam là tới thời điểm hiện tại thì xu hướng đó đã qua rồi. Thực tế nhìn nhận rằng thời trang Việt Nam đang phát triển theo xu hướng của thời trang thế giới, bằng chứng là tất cả những nhà thiết kế thời trang danh tiếng trên thế giới đều đã đến Việt Nam, chưa kể đến việc chúng ta đã có những cuộc thi tìm kiếm người mẫu mang tính quốc tế. Tôi nói đơn cử như Vietnam’s Next Top Model, tiêu chí của chúng tôi chọn lựa những thí sinh để đào tạo cho phù hợp với chuẩn của một sàn diễn thời trang quốc tế. Sau chương trình Vietnam’s Next Top Model năm 2011 chúng tôi đã có những em thí sinh nhận được những lời mời đến với những sàn diễn quốc tế, có những em đã tham gia trình diễn ở sàn diễn quốc tế và được đánh giá khá thành công. Qua đó chúng ta thấy người mẫu Việt bắt đầu khởi sắc với một dàn thế hệ mới, tràn đầy nhiệt huyết, niềm đam mê và có tố chất hình thể để phù hợp với những sàn diễn thời trang lớn - đó là điểm son của làng người mẫu Việt Nam để thoát khỏi cái cũ, thoát khỏi vòng luẩn quẩn, những định kiến, dư luận không tốt của xã hội đối với nghề người mẫu.
- Hiện nay người mẫu giống như một ngôi sao hơn khi mà họ tham gia vào rất nhiều vào công việc khác, đôi khi họ còn lạm dụng hình ảnh của mình một cách quá mức, quan niệm của chị về sự lấn sân của người mẫu?
- Sự lấn sân của người mẫu có nhiều cách hiểu, một người mẫu có thể tham gia ca hát, đóng phim, MC và những lĩnh vực khác nếu các em có khả năng và làm tốt công việc mà vẫn giữ được uy tín, tên tuổi của mình là một điều đáng khích lệ. Nghề người mẫu cũng là một nghề của sân khấu, mà ai sống được trên sân khấu đều là một nghệ sỹ, và khi niềm đam mê của người nghệ sỹ đối với sân khấu rất lớn khiến họ muốn tìm mọi cách để làm nhiều nghề, đóng được nhiều vai diễn khác nhau để giúp họ có thể sống được lâu với sân khấu. Tuổi thọ của nghề người mẫu rất ngắn, đa số người mê nghề đều muốn làm được một việc nào đó khác để gắn bó nhiều hơn với nghề - đó là một cách làm theo hướng tích cực. Nhưng cũng phải đặt lại những người lấn sân theo hướng tiêu cực, có nghĩa là họ làm tất cả mọi thứ, bất chấp thủ đoạn, tạo scandal để tên tuổi họ được công chúng nhắc đến - ngay những người trong nghề như chúng tôi rất dị ứng với những chuyện này. Và đã có những người cố gắng tạo scandal bằng những bộ ảnh mát mẻ, gây sốc, tôi nghĩ một người mẫu thời trang không cần làm những việc như thế, và cũng đừng bao giờ ngụy biện cho sự khoe thân thể của mình, tôi không thích.
- Nhưng rõ ràng chỉ cần tạo một cú hích cởi đồ và ưỡn ẹo là có thể tạo được danh tiếng?
- Một cú hích không mang lại danh tiếng. Nếu cú hích đó của họ là sự cống hiến, hết mình phấn đấu để đạt được thành quả thì đó là danh tiếng. Nếu cú hích vì scandal nào đó để tên tuổi của mình được công chúng nhắc đến, để bàn tán thì đó là tai tiếng.
- Nhưng họ vẫn tiếp tục, đôi khi nó mang lại cho họ rất nhiều tiền?
- Quan trọng nhất của một người mẫu là phải có lòng tự trọng với nghề, họ phải tôn trọng nghề và một người mẫu nếu đi được bằng chính đôi chân của mình, tạo được danh tiếng bằng quá trình phấn đấu thì họ sống rất lâu với nghề, còn người mẫu sống bằng tai tiếng thì trong một khoảng thời gian rất ngắn họ được dư luận chú ý, bàn tán, tò mò đến xem cô người mẫu đấy làm sao mà trơ trẽn, sexy đến mức độ như vậy, sau khi đến xem thì lời bình phẩm của họ đối với những cô người mẫu này như thế nào (?!) Người có lòng tự trọng không bao giờ muốn điều đó.
- Là một người có kinh nghiệm trong nghề người mẫu, chị thấy điều gì là tối quan trọng với một người mẫu?
- Tố chất của một người mẫu chiếm chừng 55% sự thành công, quan trọng là các em đam mê, kiên trì, nỗ lực đến đâu, thực ra người mẫu muốn sống được và thành danh với nghề phải có cái đầu, phải có sự thông minh, nhạy bén để nắm bắt phải làm gì để tách hình ảnh ra khỏi lớp người mẫu sàn sàn cùng trang lứa trên sàn diễn. Khi đó phải sử dụng cái đầu để bật lên được hình thể, phong cách trình diễn của mình thì mới tạo được sự chú ý. Một người mẫu thông mình phải nắm bắt được những điều đó để tỏa sáng.
- Thế còn chị, nhắc đến Xuân Lan người ta thường nói chị có một đôi chân biết nói, đấy có phải là tố chất của chị?
- Cá nhân tôi thấy tố chất không chiếm quá nhiều % trong sự thành công mà đó còn là sự khổ luyện. Ngay những ngày đầu tiên khi tôi tập luyện những bước cơ bản đầu tiên với Cindy Thái Tài, tôi có thể ngất lên ngất xuống 1 ngày 3 lần, chân thì bị bong da phồng rộp hết lên, mặc dù như vậy nhưng tôi học được bài học là cho dù có đau đến cỡ nào thì khi mang đôi giày cao gót vào thì phải làm tốt bước chân trên sàn catwalk, lập tức quên đau, cố gắng mang đôi giày cao gót vào tiếp tục khổ luyện. Sau khi khổ luyện như vậy thì tôi có những bước chân khá ổn để thích nghi với các sàn diễn thời trang. Nhưng khá ổn ở đây không thể định hình phong cách cho người mẫu Xuân Lan nếu chỉ có đôi chân mà không có thần sắc, gương mặt lạnh, ánh mắt để thôi miên khán giả trong những phần trình diễn của mình. Đặc biệt là không hiểu cơ thể mình muốn trình diễn cái gì, không hiểu được bộ trang phục, không gian, ý tưởng của nhà thiết kế thì không thể có tôi ngày hôm nay. Đến giờ tôi vẫn không ngừng học hỏi!…
- Gia đình có ủng hộ chị theo nghề người mẫu không?
- Đầu tiên gia đình cũng không hề ủng hộ tôi theo nghề người mẫu đâu, cũng định kiến cũng giống như xã hội định kiến theo kiểu nghề người mẫu là cái nghề mang giày cao gót, mặc đồ đẹp đi qua đi lại và đa số người mẫu trong nghề không giữ được tư chất và hay sa ngã về đạo đức - gia đình tôi rất lo sợ về điều đó. Đầu tiên tôi đi diễn về muộn gia đình hết sức lo lắng, căng thẳng, sợ tôi đi chơi đêm rồi giao lưu với những người bạn xấu, rủ rê hoặc sa ngã vào những cám dỗ của nghề. Qua một thời gian tôi đã khẳng định được với gia đình việc tôi làm mang lại danh lợi, kinh tế và rất nhiều những kỹ năng. Cho đến thời điểm này gia đình vô cùng tự hào về người mẫu của tôi.
- Là một người chuyên nghiệp và thẳng thắn, vậy trong tình cảm thì của chị thì sao?
- Trong chuyện tình cảm thì tôi không dám nói mình là người chuyên nghiệp đâu. (Cười lớn) Nhưng tôi là một người rất thẳng thắn, yêu thì nói yêu mà ghét thì nói ghét, khi tôi không thích chuyện gì sẽ góp ý luôn, đó cũng là một ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm của tôi. Người nào mà hiểu thì sẽ rất là quý, và người nào không hiểu sẽ rất khó chịu, kể cả ghét.
- Là phái yếu thì hẳn cũng có lúc yếu mềm chứ chị?
- Chỗ yếu đuối của tôi cũng chính là chuyện tình cảm, tôi yêu - ghét rõ ràng nhưng cũng dễ xúc động và rất dễ bị tổn thương.
- Cảm ơn. Chúc chị hạnh phúc và thành công!