Hai tàu tuần tra của Nhật Bản cùng chặn một tàu Trung Quốc
ở vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư
Quan hệ song phương giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới và lớn nhất tại châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc được nhìn nhận đã xuống tới mức thấp chưa từng thấy. Căn nguyên sâu xa là sự cạnh tranh ảnh hưởng và lợi ích chiến lược giữa hai nước, song nguyên nhân trực tiếp chính là tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc.
Có thể nói tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã chi phối và tác động tiêu cực lên quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc trong cả năm 2012. Bước sang năm 2013, mối căng thẳng đó không những không dịu mà trái lại có thêm những động thái leo thang mới.
Tiếp theo quyết định thành lập đơn vị chuyên trách bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 10 tàu tuần tra, Nhật Bản đang xem xét triển khai thiết bị quân sự như các trạm radar và hệ thống thông tin liên lạc trên quần đảo tranh chấp này. Thậm chí có thông tin còn nói Nhật Bản đang cân nhắc triển khai thường trực các máy bay tiêm kích hiện đại F-15 tại Shimoji, một đảo nhỏ gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã lên tiếng phủ nhận.
Đáp lại, Trung Quốc cũng liên tục đưa tàu và máy bay vào các khu vực mà Nhật Bản cáo buộc là “xâm phạm lãnh hải và không phận” của nước này ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cùng với đó, giới tướng lĩnh Trung Quốc cũng mạnh miệng tuyên bố đầy cứng rắn“ chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì tức là Tokyo đã khai chiến” và “Trung Quốc sẽ không chờ đến phát đạn thứ hai mà lập tức phản công nếu Nhật Bản nổ súng cảnh cáo máy bay Trung Quốc”.
Trong khi đó, ở chiều ngược, trong các chuyến thăm viếng lẫn nhau, các quan chức cấp cao hai nước lại công khai tuyên bố “cần chuyển sự tập trung từ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sang phát triển quan hệ chiến lược vì lợi ích chung của cả hai bên”. Gặp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Bắc Kinh, Chủ tịch Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân toàn quốc Trung Quốc Giả Khánh Lâm cho rằng hai nước cần giải quyết hoà bình tranh chấp liên quan tới quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nhằm đảm bảo các mối quan hệ song phương tiếp tục “phát triển lành mạnh và ổn định”.
Nhìn vào những động thái trái chiều trên đây có thể thấy, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang có những cái khó nhất định trong việc xử lý mối quan hệ song phương. Một mặt, hai nước vì muốn bảo vệ, khẳng định lợi ích cốt lõi cũng như vị thế của mình đều không thể dễ dàng nhân nhượng nhau, song mặt khác họ lại không muốn những tranh chấp, mâu thuẫn này làm tổn hại những lợi ích chung, đặc biệt là về kinh tế.
Nhật Bản và Trung Quốc hiện đều là những bạn hàng lớn nhất nhì của nhau với trao đổi thương mại hai chiều lên tới 350 tỷ USD năm 2012. Nhật Bản còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế hai nước đều đang gặp khó khăn ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu thì cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn làm tổn hại tới lợi ích trong hợp tác kinh tế song phương. Nói cách khác, sự đan xen giữa lợi ích với mâu thuẫn và đối đầu đã đẩy quan hệ Nhật-Trung vào thế kẹt không dễ xử lý.