Mỹ sợ Nga tiến hành “Cuộc chiến 5 ngày” ở Ukraine như với Gruzia

ANTĐ - Ngày 23-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã cảnh báo Nga không nên triển khai quân đội đến Ukraine, giữa lúc khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát tại nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ này, và cho rằng động thái này sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng.”

Phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" trên kênh truyền hình NBC, bà Susan Rice nói: “Ukraine, Nga, châu Âu hay Mỹ đều không muốn chứng kiến Ukraine bị chia rẽ. Không ai muốn bạo lực tái diễn và tình hình leo thang”.

Tuyên bố ​​của bà Rice được đưa ra sau khi một báo cáo đăng tải trên tờ “Thời báo tài chính” hồi tuần trước dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên của Nga nói rằng, nước này có thể can thiệp để bảo vệ người Nga ở bán đảo Crimea (Crưm)  thuộc lãnh thổ Ukraine - nơi có một căn cứ hải quân của Nga.

"Nếu Ukraine bị chia cắt, nó sẽ gây nên một cuộc chiến tranh. Họ sẽ mất bán đảo Crimea trước tiên vì chúng tôi sẽ tới đó và bảo vệ nó, giống như chúng tôi đã làm tại Gruzia", quan chức này nói, ám chỉ đến “Cuộc chiến 5 ngày” giữa Nga với Gruzia năm 2008, nhằm bảo vệ nước Cộng hòa ly khai Nam Ossetia ở Gruzia.

Mỹ lo ngại viễn cảnh Nga tung quân vào Ukraine như đã từng làm với Gruzia

Bà Rice cho rằng, tình hình ở Ukraine "không phải là vấn đề của Mỹ hay Nga" mà là “công việc nội bộ” của người dân nước này và cho rằng mối quan hệ gần gũi hơn của Ukraine với châu Âu sẽ không nên được đổi bằng mối quan hệ lịch sử của nước này với Nga.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 23-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bày tỏ sự "ủng hộ mạnh mẽ" của Mỹ đối với quyết định của Quốc hội Ukraine, về việc chuyển nhiệm vụ tổng thống cho Chủ tịch Quốc hội Aleksandr Turchinov, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Ông Kerry cũng nhấn mạnh: "Mỹ hy vọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lựa chọn tự do dân chủ của Ukraine sẽ được tất cả các nước tôn trọng".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố rằng, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói với ông Kerry rằng, "phe đối lập Ukraine đã nắm được quyền lực thực tế, nhưng vẫn từ chối hạ vũ khí và tiếp tục đấu tranh bạo lực".

Người biểu tình thân Nga ở Crimea

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh với người đồng cấp Mỹ rằng, một thỏa thuận hòa bình được ký kết hôm 21-2 giữa Tổng thống Yanukovich và các lãnh đạo đối lập Ukraine kêu gọi bầu cử Tổng thống sớm và cải cách hiến pháp phải được thực thi và nhấn mạnh rằng, Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận này vào thời điểm đó.

Trong khi đó, cũng trong ngày 23-2, Nga đã triệu hồi đại sứ nước này tại Ukraine về nước để tham vấn về “tình hình đang xấu đi” ở Kiev, một ngày sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị phế truất.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Do tình hình ngày một xấu đi ở Ukraine và cần có sự phân tích tình hình một cách toàn diện, đã có quyết định triệu đại sứ Nga tại Ukraine về nước để tham vấn”.