Đằng sau cuộc “đấu khẩu” tranh cử Tổng thống Mỹ

ANTĐ - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012 đã thực sự bước vào giai đoạn “nóng” nhất với việc 2 ứng cử viên vừa hoàn tất một trong ba cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Với các cử tri, các cuộc tranh luận trực tiếp sẽ cung cấp cho họ cơ sở thuyết phục để thẩm định lại hoặc đưa ra sự quyết định lựa chọn ông chủ Nhà Trắng cho 4 năm sắp tới.

“Món ăn mới” thú vị

Các cuộc tranh luận trực tiếp là nét truyền thống trước các kỳ bầu cử Tổng thống ở một số nước phương Tây. Tại Mỹ, cuộc đấu khẩu đầu tiên được phát trên sóng truyền hình là giữa John F.Kennedy và Richard Nixon vào năm 1960. Trong cuộc tranh luận các ứng cử viên phải nói chi tiết về các ý tưởng của mình và buộc phải nói những vấn đề mà có thể họ không muốn đề cập tới. Vì vậy, những cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình được xem như “món ăn mới” đầy thú vị khi các cử tri Mỹ đã chán ngấy những câu chỉ trích qua lại và bội thực với những quảng cáo tiến công nhằm hạ bệ đối thủ của các ứng cử viên.

Truyền hình là loại hình báo chí chuyển tải hình ảnh và ngôn ngữ cử chỉ của các ứng cử viên rõ nét nhất, gây tác động lớn hơn lời nói của họ. Hãng tin Reuters đưa ra một số ví dụ: Ứng cử viên Đảng Dân chủ - Phó Tổng thống Al Gore liên tục thở dài trong cuộc tranh luận với Tổng thống George W. Bush năm 2000 đã làm mất sự ủng hộ của một lượng lớn cử tri. Ông Bush lại thu hút sự chú ý tiêu cực trong năm 2004 vì cau mày trong khi đối thủ Đảng Dân chủ John Kerry nói. Thân phụ của Tổng thống G. Bush, Tổng thống George H.W. Bush, đã nhìn đồng hồ trong cuộc tranh luận năm 1992, một cử chỉ mà nhiều người cho là thiếu kiên nhẫn và lạnh lùng.

Theo Hãng đánh giá xếp hạng Nielson, ước tính có hơn 67 triệu người, với 46% trên 55 tuổi, đã bật tivi xem Tổng thống Obama “đấu khẩu” với ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Romney trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên của mùa bầu cử 2012. Đây là con số lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Con số này cao hơn 28% so với con số 52 triệu người theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa ông Obama và ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa John McCain vào năm 2008, và là con số cao nhất kể từ tháng 10-1992. Khi đó có tới 69,9 triệu người theo dõi cuộc tranh luận giữa ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Bill Clinton và ứng viên đảng Cộng hòa George H.W. Bush và ứng viên độc lập Ross Perot.

Obama sa sút phong độ, Romney đảo ngược thế cờ 

Một số ý kiến cho rằng, những cuộc tranh luận năm nay có khả năng ảnh hưởng đến kết quả bầu cử như cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Kennedy - Nixon (năm 1960) và Reagan - Carter (năm 1980). 

Sau “90 phút cân não” đầu tiên, ông Romney bất ngờ dẫn trước ông Obama với tỉ lệ bình chọn cao hơn nhờ những chính sách mà ông này đưa ra nhằm giải quyết vấn đề kinh tế, tạo việc làm và giảm thâm hụt ngân sách. Trong hầu hết các vấn đề, ông Mitt Romney đều “phản pháo” thành công đối với những đề xuất chính sách của ông Obama, đồng thời bảo vệ những kế hoạch của mình cho dù không ít lần bị Tổng thống Obama công kích là đi vào vết xe đổ của chính sách thảm họa dưới thời cựu Tổng thống George Bush của Đảng Cộng hòa.

Kết quả thăm dò dư luận Mỹ trước buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên những tưởng đã dập tắt hy vọng chiến thắng của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mitt Romey. Nhưng sau “trận đấu” đầu tiên, tỉ lệ ủng hộ Mitt Romney nằm trong khoảng từ 46-67% trong khi 22-25% là con số dành cho đương kim Tổng thống. Đây là kết quả khá bất ngờ đối với giới phân tích cũng như ngay cả với phe Cộng hòa khi Tổng thống Obama vốn được coi là người có tài hùng biện trong khi ông Romney liên tục “sẩy miệng” trong thời gian qua. 

Thuật ngữ  “Bất ngờ tháng 10”

Lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ đã rút ra rất nhiều quy luật. Nổi bật nhất phải kể đến quy luật “không ứng cử viên nào của Đảng Cộng hòa bước vào Nhà Trắng mà không giành chiến thắng cử tri đoàn ở bang Ohio”; “không ứng cử viên đương kim Tổng thống nào tái đắc cử khi tỉ lệ thất nghiệp cao hơn 7,2%” và “người giành được nhiều phiếu hơn ở bang Missouri trong ngày bầu cử cũng sẽ là người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”…

Nhưng ngoài các quy luật trên, trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, còn có một thuật ngữ chính trị khác trong tháng vận động tranh cử cuối cùng. Thuật ngữ đó mang tên: “Bất ngờ tháng 10”.  

Khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon tái tranh cử vào năm 1972, ông phải đối mặt với đối thủ là Thượng nghị sĩ George McGovern đến từ bang South Dakota. Khi ấy, George McGovern là một ứng viên chủ trương hòa bình, nhận được sự ủng hộ rất lớn của cử tri nhờ quan điểm phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Trong khi đó, Nixon đang phải đối mặt với làn sóng dư luận chỉ trích gay gắt về việc ông không thể hiện thực hóa cam kết chấm dứt chiến tranh Việt Nam như đã hứa khi tranh cử vào Nhà Trắng trước đó 4 năm. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra vào ngày 26-10 năm đó, chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.  Nhờ một câu nói kịp thời “hòa bình đang trong tầm tay” của Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình Paris của Mỹ khi ấy, sự ủng hộ dành cho Nixon đã tăng mạnh trong những cuộc thăm dò dư luận ngay sau đó. Và kết quả là, vào thời điểm bỏ phiếu, Nixon đã giành thắng lợi vượt xa đối thủ tới 20%, dù rằng mọi việc sau đó không diễn ra theo đúng những gì mà Henry Kissinger đã tuyên bố. 

Cũng kể từ đó, thuật ngữ “Bất ngờ tháng 10” đã tồn tại trong sự kiện bầu cử ở Mỹ và có khả năng đảo ngược dự đoán kết quả, khi chỉ còn vài tuần là đến ngày bầu cử chính thức theo quy định được tổ chức vào ngày thứ ba đầu tiên của tháng 11. Bởi vậy, tháng 10 có thể sẽ chứng kiến khả năng “lội ngược dòng” của các ứng cử viên.

Lịch sử lặp lại? 

Theo nhiều cuộc thăm dò dư luận tiến hành trước tháng 10, ông Obama nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri hơn đối thủ Mitt Romney với tỉ lệ tương ứng là 50% - 47%. Thậm chí có những thời điểm, tỉ lệ ủng hộ đối với ông Mitt Romney còn xuống thấp hơn mức này (từ 49% trước đó) do ông đã vô tình “sẩy miệng” gọi 47% dân chúng Mỹ là những người không đóng thuế và tự coi mình là “nạn nhân” được quyền nhận trợ cấp của Chính phủ. Nhưng một lần nữa, “Bất ngờ tháng 10” đã xảy ra, dù không phải do tuyên bố của một ai đó (như dưới thời Nixon) mà do chính những gì ông Romney đã thể hiện được trong vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình vừa diễn ra. 

Theo các kết quả thăm dò Hãng CNN thực hiện ngay sau buổi tranh luận trực tiếp, về nhận định ai sẽ là nhà lãnh đạo quyết đoán hơn, tỉ lệ ủng hộ dành cho Mitt Romney là 58%, Obama là 37%. Cũng theo một kết quả điều tra nhanh ngay sau cuộc tranh luận, 35% cử tri cho rằng họ sẽ bầu cho Mitt Romney, 18% bầu cho Obama và 47% chưa đưa ra quyết định. 

Cuộc đua “nóng” trở lại vì... “lời nguyền đương nhiệm” 

Cũng giống như nhiều người tiền nhiệm của mình, Tổng thống Obama đã trở thành nạn nhân trong đêm tranh luận đầu tiên vì quá nhiều kỳ vọng, nóng nảy và vì một đối thủ khát khao chiến thắng.

Lời nguyền đương nhiệm đã linh ứng với George W. Bush (con) trong năm 2004 khi Nghị sĩ John Kerry đã đánh bại ông trong các cuộc tranh luận. Ngài Bush cha đã tỏ ra mất bình tĩnh khi liếc nhìn đồng hồ vào năm 1992. Jimmy Carter đã trở thành nạn nhân cũng vì thiếu kiên nhẫn trước Ronald Reagan năm 1980.

Romney đã giúp đối thủ khi nhìn thẳng vào ông Obama khi ông trả lời. Còn Obama lại nhìn vào người điều tiết tranh luận Jim Lehrer để có cảm giác như ông đang nói trước đông người (Obama là người giỏi diễn thuyết trước đông người, chứ không phải là người giỏi tranh luận).

Theo phân tích của Viện Gallup, các cuộc tranh luận trên truyền hình chỉ ảnh hưởng đến kết quả của 2 cuộc bầu cử trong nửa thế kỷ qua. Đó là cuộc đua Nixon - Kennedy (năm 1960) và Bush - Gore (năm 2000). Nhưng giới quan sát cho rằng với chiến thắng trong cuộc tranh luận, ông Romney có khả năng đảo ngược thế cờ. “Một tuần trước đây, mọi người nói rằng cuộc đua đã kết thúc. Nhưng giờ cuộc đua đã “nóng” trở lại” - Nhà phân tích chính trị David Gergen nhận định. Trên trang dự đoán trực tuyến Intrade, khả năng tái đắc cử của ông Obama giảm từ 74% còn 66%. Dự đoán của trang web cá cược Pinnacle Sports cũng cho thấy khả năng chiến thắng của ông Obama giảm từ 80% còn 73%.

Cả hai ứng cử viên vẫn còn cuộc đấu tay đôi ở New York vào ngày 16-10 và cuộc tranh luận cuối cùng sẽ diễn ra tại Florida vào ngày 22-10. Trước đó, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ đối đầu trực tiếp với ứng cử viên Phó Tổng thống Paul Ryan vào ngày 11-10. 

Cuộc tranh luận tiếp theo với chủ đề chính tập trung vào chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Bên cạnh những vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại của Mỹ cũng là một vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây được xem là những cơ hội cuối cùng để 2 ứng cử viên thể hiện lập trường cũng như ghi điểm trước khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để lựa chọn ra nhà lãnh đạo tương lai vào ngày 6-11 tới.