Anh Điều một chủ xe khách đường dài cho hay: Các xe khách đến các đoạn đường vắng thường hay tăng tốc quá quy định để giành khách. Để “né” cảnh sát giao thông bắn tốc độ, cánh lái xe có những ám hiệu riêng để nhận biết phía trước có cảnh sát giao thông hay không. Chỉ cần nhá đèn, về phía xe đối diện, rồi nhìn vào ca bin. Nếu có cảnh sát phía gần thì lấy ngón tay chỉ xuống, cảnh sát còn xa thì chỉ lên, không thấy cảnh sát thì lắc tay. Còn vào ban đêm, các xe chỉ sợ cảnh sát giao thông tuần tra bất ngờ, còn tốc độ thì có thể chạy đến 80 -90km/ giờ để kịp thời gian.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Khánh Hòa kiểm tra, xử lý tài xế vi phạm
Theo Thượng tá Phan Văn Cường, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa, để kiềm chế tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Khánh Hòa đã cử 2 tổ nghiệp vụ chốt chặn kiểm tra tốc độ 24/24 tại hai đầu Bắc và Nam của tỉnh. Hai đội nghiệp vụ này thường xuyên tuần tra, kiểm soát 24/24 tại các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông như: Đèo Cả, đèo Rù Rì, Quốc lộ 1A khu vực xã Vạn Hưng (Vạn Ninh), Suối Cát (Cam Lâm), Suối Hiệp (Diên Khánh)…
Theo kinh nghiệm của các cán bộ cảnh sát giao thông, việc bắn tốc độ thường xuyên được họ thay đổi địa điểm vì khi phát hiện ra phía trước có bắn tốc độ, các xe thông báo cho nhau do đó tốc độ các xe phía sau bắt đầu giảm. Lực lượng cảnh sát giao thông chia thành nhiều tổ để kiểm tra, tổ trước có thể “nghi binh” không bắn tốc độ mà để tổ thứ hai bắn. Lái xe nào tưởng qua được trạm, cố tình lái xe vượt tốc độ cho phép sẽ bị kiểm tra tốc độ và bị xử lý ngay.
Chính vì làm mạnh tay, vì thế từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tạm thời xóa được các “điểm đen” về tai nạn giao thông. Việc bắn tốc độ thường xuyến khiến các lái xe không thể chạy nhanh vượt ẩu, do đó tỷ lệ tai nạn giao thông ngày càng giảm. Theo thông kê mới nhất quý 1/2012, trên tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 23 vụ tai nạn, làm chết 24 người giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm 2011, số người chết giảm 20 người.