Tuyên truyền An toàn giao thông: Phải có chiến lược rõ ràng

(ANTĐ) - Sáng qua (9-8), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm về việc tuyên truyền ATGT giữa các chuyên gia Chiến dịch An toàn giao thông thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với các Tổng Biên tập và phóng viên các báo, đài Hà Nội.

Tuyên truyền An toàn giao thông: Phải có chiến lược rõ ràng

(ANTĐ) - Sáng qua (9-8), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã tổ chức trao đổi kinh nghiệm về việc tuyên truyền ATGT giữa các chuyên gia Chiến dịch An toàn giao thông thuộc Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với các Tổng Biên tập và phóng viên các báo, đài Hà Nội.

Vi phạm xảy ra tại chỗ sang đường cho người đi bộ trước cửa Bưu điện Bờ Hồ
Vi phạm xảy ra tại chỗ sang đường cho người đi bộ trước cửa Bưu điện Bờ Hồ

Marketing là yếu tố quan trọng

Ông Norimitsu NiShi, Chuyên gia Chiến dịch An toàn giao thông 2 (JICA) đã đưa ra những suy nghĩ về xây dựng chiến lược và trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền của Nhật Bản. Theo ông NiShi, nếu các phương tiện truyền thông chỉ truyền đạt thông tin một chiều thì sẽ không thể đạt hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền phải thu được sự đồng cảm và nhất trí của mọi người; phải xây dựng mối quan hệ tin cậy với nhiều người.

Để hoạt động tuyên truyền có hiệu quả cần có chiến lược rõ ràng, không làm qua loa, lấy lệ. Ông NiShi đưa ra 3 yếu tố gây ra TNGT, đó là: Phương tiện, con người và cơ sở hạ tầng giao thông; để giảm TNGT thì phải giải quyết tốt cả 3 yêu tố trên. Tuy nhiên, cho dù phương tiện và cơ sở hạ tầng có an toàn đến mấy nhưng con người không có những hành động dựa trên những kiến thức và quy tắc đúng thì không thể giảm thiểu được TNGT. Do vậy, điều quan trọng là phải tuyên truyền cho mọi người kiến thức và quy tắc đúng.

Để việc tuyên truyền hiệu quả thì cần phải có kế hoạch rõ ràng để marketing cho các giải pháp ATGT. Muốn làm được điều này cần phải phân tích dữ liệu một cách chính xác. Theo ông NiShi, việc nắm bắt cụ thể thành phần nào dễ gây ra tai nạn, xảy ra vào khi nào, trong trường hợp nào?... là điều vô cùng quan trọng. Trên cơ sở đó, cần thể hiện rõ đối tượng, mục đích và mục tiêu bằng con số cụ thể. “Marketing là yếu tố quan trọng trong chiến lược tuyên truyền” - ông NiShi khẳng định.

Ông Norimitsu NiShi, Chuyên gia Chiến dịch An toàn giao thông 2 thuộc tổ chức JICA Nhật Bản nhận định: Với tình trạng giao thông ở Hà Nội hiện nay thì ít ra chúng ta còn có thể đưa ra biện pháp giải quyết được. Nhưng nếu để vài năm nữa, khi tình trạng đã trở nên trầm trọng thì sẽ rất khó giải quyết. Hiện chúng ta không còn nhiều thời gian để xử lý vần đề này. 

Theo ông NiShi, trước tiên cần tiến hành marketing một cách chắc chắn, sau đó sẽ suy nghĩ xem đâu là phương tiện truyền thông và cách biểu hiện hiệu quả nhất. ông NiShi đưa ra một ví dụ cụ thể: Tại Nhật Bản, khi tuyên truyền để giảm tai nạn cho trẻ em khi đi bộ, đã điều tra nguyên nhân và thấy rằng rất nhiều vụ tai nạn xảy ra là do các em đột ngột chạy ra đường. Những người làm công tác tuyên truyền đã đưa ra hình ảnh con búp bê chạy ra ngoài đường, va chạm vào các phương tiện giao thông để cảnh báo cho các em nhỏ. Chiến dịch này đã được tuyên truyền tại các trường học ở Nhật Bản. Sau một thời gian triển khai đã tiến hành kiểm tra lại và thấy tình trạng TNGT đối với trẻ em giảm hẳn.

Thêm một việc không kém phần quan trọng trong tuyên truyền được ông NiShi nhấn mạnh là phải thông báo cho người chưa biết để họ biết được thông tin và lý giải cho họ hiểu được vấn đề. Ví như tại Việt Nam hiện nay đang tuyên truyền người ngồi trên môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Điều mà ai cũng biết đó là khi đội mũ bảo hiểm sẽ tăng tính an toàn. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm. Vậy việc chúng ta cần tuyên truyền làm sao để tạo ra động cơ, làm cho mọi người cảm động và thực hiện.

Phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể

Ông Đào Lê Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô đánh giá cao kinh nghiệm tuyên truyền ATGT của các chuyên gia Nhật Bản. Ông Đào Lê Bình nhận định: Giao thông ở Việt Nam hiện nay rất hỗn loạn và tồi tệ, cho nên muốn tuyên truyền phải tìm ra cái gốc. Thực tế giai đoạn vừa qua Việt Nam phát triển kinh tế nhanh dẫn đến phương tiện tham gia giao thông tăng. Tuy nhiên việc đào tạo và giáo dục về Luật Giao thông lại không theo kịp. Về cơ sở hạ tầng, Chính phủ và các địa phương đã cố gắng đầu tư xây dựng một cách tốt nhất, nhưng do phương tiện tăng quá nhanh, lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao dẫn đến quá tải. Đơn cử như, một gia đình ở nông thôn khi trúng một vụ cá, họ sẵn sàng sử dụng đồng tiền thu được để mua ngay một chiếc xe máy. Mặc dù chưa có giấy phép lái xe nhưng họ vẫn lao ra đường. Do vậy, thời gian gần đây tại Hà Nội diễn ra nghịch lý: ở trong nội thành đường chật nhưng ít xảy ra TNGT nghiêm trọng, còn ở ngoại thành đường rộng lại xảy ra nhiều hơn.

Theo ông Đào Lê Bình, dường như người Việt Nam không sợ chết, họ dũng cảm hay là liều mạng? Tính tự do quá cao nên thường xuyên vượt đèn đỏ, lấn đường, đi ngược chiều v.v... Đa số đối tượng vi phạm và chết vì TNGT nằm trong độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi, đây chính là những người năng động, làm được nhiều việc cho xã hội.

Trong khi ý thức của người Việt Nam chưa cao thì những người tổ chức giao thông lại chưa nghiên cứu để đưa ra giải pháp hữu hiệu. ở Việt Nam áp dụng cách tổ chức giao thông hiện đại nhưng TNGT vẫn xảy ra. Đơn cử như việc sử dụng đèn tín hiệu giao thông, đây là việc làm hiện đại nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều người không chấp hành.

Ví như hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn trước cửa Bưu điện Bờ Hồ. Khi đèn báo tín hiệu các phương tiện dừng lại để người đi bộ sang đường nhưng rất ít các phương tiện dừng lại. Theo ông Đào Lê Bình, nếu tại đây đơn vị tổ chức giao thông cho làm gờ giảm tốc thì chắc chắn người tham gia giao thông sẽ chú ý và có ý thức hơn. Hay việc người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức độ cho phép, chỉ cần đến các quán bia, rượu chúng ta sẽ thấy rất nhiều người say xỉn nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông và ngang nhiên vi phạm như vậy nhưng chưa thấy có ai bị xử lý... Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm hiện nay vẫn còn nhẹ, chưa có những chế tài mạnh. Ngay như việc Chính phủ quy định sẽ xử lý Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để xảy ra nhiều TNGT nhưng đến nay chưa thấy có ai bị xử lý, trong khi đó thì tình hình TNGT mỗi ngày một gia tăng.

Để giải quyết vấn đề này theo ông Đào Lê Bình cần phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, từ việc tuyên truyền, giáo dục, đặc biệt cần xây dựng các chế tài xử phạt thật nặng. Khi cần thiết phải cưỡng bức về giao thông để đi đến tự giác.

Các chuyên gia Nhật Bản đồng tình với những nhận định của ông Đào Lê Bình. Theo các chuyên gia Nhât Bản, khoảng 85% các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại các nước đang phát triển. Để giải quyết bài toán này phải có sự hợp tác tốt trong công tác tuyên truyền. “Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ để các cơ quan báo chí Việt Nam tuyên truyền một cách có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu TNGT” -  các chuyên gia Nhật Bản khẳng định.       

Đăng Khoa