Quảng Nam:

Thực hư chuyện "heo thành tinh 5 móng báo oán"

ANTĐ - Hai người chuyên mổ lợn bỗng chết "bất đắc kỳ tử", kéo theo bao câu chuyện thêu dệt phía sau ở huyện Đại Lộc.

Trong đợt tết vừa qua, có 2 người làm nghề mổ heo ở huyện Đại Lộc tử vong liên tiếp sau khi mua và làm thịt đàn heo của ông Võ Thiện Sinh - Trưởng ban Thú y xã Đại Tân. Từ sự việc này, xuất hiện tin đồn cho rằng những nạn nhân bị chết là do đã giết con heo thành tinh "5 móng", bị heo báo oán do đã sát sinh quá nhiều hoặc do ăn thịt heo nuôi bằng chất tăng trọng khiến dư luận xôn xao.

Heo biết... "xin tha mạng"

Ngày 18-2, chúng tôi về Đại Lộc- vùng quê nổi tiếng cả nước với những tay "địu" trúng trầm hương, kỳ nam trị giá hàng trăm tỷ; với con sông Vu Gia cần mẫn bôi đắp phù sa, làm nên nhũng bãi biển màu mỡ; với món thịt heo cuốn bánh tráng thơm ngon đặc sắc mà ngay cả những thương hiệu có tiếng ở Đà Nẵng về món ăn này cũng phải... ngước nhìn.

Lần này, Đại Lộc bỗng được nhắc đến bởi một câu chuyện sặc mùi liêu trai: "Heo báo oán". Đã là mùng 9 Tết. Mấy hàng thịt ở chợ Phú Hương chẳng thấy ai mua. Những quán thịt heo cuốn bánh tráng có tiếng ở thị trấn Ái Nghĩa không còn bày ra từng khoanh thịt trắng hồng mát mắt, thay vào đó là gà xé, bắp bò luộc. Nhiều người dân lo sợ, mang tất cả thịt thà trong tủ lạnh bỏ ra thùng rác...

Tại quán ăn Như Thảo cách trụ sở Công an huyện vài trăm mét, bà chủ quán mở tủ lạnh, lôi ra một gói ni-lon buộc kỹ rồi săn đón: Thịt hồi Tết còn, có chừng ni thôi, muốn ăn thêm cũng không có đâu.

Nhiều thông tin đồn thổi về vụ hai người mổ heo chết bất đắc kỳ tử và đa số dư luận khẳng định: "Làm chi phải ngộ độc. Trong bầy heo đó có mấy con heo thành tinh 5 móng. Nhiều người tận mắt chứng kiến kể, khi bị lôi ra đập, con heo quỳ 2 chân trước, gục gặc đầu như lạy. Đó là nó xin tha mạng, nhưng hai chủ lò không biết, vẫn giết thịt nên bị báo thù"...

Thiếu tá Lê Nho Tâm - Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết: Xung quanh việc 2 người mổ heo bị chết, đã xuất hiện rất nhiều đồn thổi vô căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đến ANTT. Những tin đồn này phần nào đã gieo rắc thêm nỗi hoang mang, lo sợ trong nhân dân khiến nhiều vùng dịch bệnh chưa lan tới, người dân cũng ngại thịt heo. Còn người nuôi heo thì khốn đốn vì muốn bán heo thì bị tư thương ép giá. Riêng tại 7 xã vùng B Đại Lộc- nơi có dịch heo tai xanh vừa bùng phát, hàng trăm hộ chăn nuôi cũng điêu đứng vì heo trong chuồng đổ bệnh phải tiêu hủy.

"Sinh nghề, tử nghiệp"

Ấp đứa con thơ mới 3 tháng tuổi vào ngực, chị Phan Thị Út (41 tuổi, tên thường gọi là Lan, trú thôn Xuân Tây, xã Đại Tân), vợ của anh Nguyễn Nguyên sụt sùi: Còn nghi ngờ chi nữa, chồng tui chết là do nhiễm bệnh từ bầy heo của ông Sinh.

Theo lời kể của chị Lan, thường ngày anh Nguyên chỉ mổ 1-2 con heo để bỏ cho bạn hàng bán tại chợ, nếu bạn hàng lấy không hết thì chị Lan chở đi bán dạo. Giáp Tết vừa qua, anh Nguyên còn đi mổ heo cho các gia đình trong vùng và nhận tiền công.

Sáng ngày 8-2 (tức 28 Tết), chị Lan đang ở nhà với các con thì ông Sinh đến hỏi mượn chiếc cụi "di động" mà anh Nguyên chuyên dùng để đưa heo nọc đi "thả". Chị Út hỏi mượn làm gì thì ông Sinh mới kể bán cho bà Phạm Thị Nguyệt (42 tuổi, trú thôn Bình Tây, xã Đại Thắng) 24 con heo chưa lấy đồng nào. Bà Nguyệt mới mổ 8 con thì bị bệnh chết đột ngột. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình bà Nguyệt đồng ý để ông Sinh nhận lại 16 con heo chưa mổ. Do chuồng heo ở nhà đã được nuôi lứa heo mới nên ông Sinh xin gửi tạm bầy heo này ở nhà anh Nguyên.

Trưa cùng ngày, ông Sinh và người nhà dùng xe kéo lần lượt đưa 16 con heo mỗi con chừng 40-50kg từ nhà bà Nguyệt lên nhà anh Nguyên và đổ ra khoảng vườn sát bên nhà.

Không biết bàn tính thế nào mà chiều hôm đó, anh Nguyên và chủ một lò mổ khác là ông Bốn Hòa thỏa thuận mua của ông Sinh bầy heo trên với số tiền hơn 27,1 triệu đồng, hẹn ra Tết mới giết thịt heo bán và trả tiền cho ông Sinh.

Đến hơn 19h tối, anh Nguyên ra vườn thì thấy 1 con heo nằm run lẩy bẩy rồi chết. Anh Nguyên điện thoại báo với ông Sinh. Ông Sinh bảo anh Nguyên mổ giúp. Theo lời chị Lan, mổ heo ra thấy bộ lòng đen thui. Anh Nguyên ra thịt, bỏ hết nội tạng. Ông Sinh tới lấy thịt rồi chở đi đâu không rõ. (Điều này trái với lời kể của ông Sinh là thịt, lòng đều "trắng non". Ông Sinh chỉ lấy thịt cùng tim, cật mang về, chỉ bỏ ruột gan).

Sáng 29 Tết, bầy heo ngoài vườn tiếp tục chết 1 con. Anh Nguyên điện báo thì ông Sinh cũng nhờ mổ, sau đó có anh Phú, con rể ông Bốn Hòa tới chở ra chơ xã Đại Chánh bán. Ít lâu sau, ông Sinh tới, mang theo một lọ thuốc, bảo là thuốc khỏe và tiêm cho số heo còn lại.

Tới 12 giờ trưa, anh Nguyên bảo thấy trong người mệt mỏi, hình như bị cảm. Tuy vậy, sau đó anh Nguyên còn ráng đưa heo nọc đi "thả", tối chập choạng mới về. Lúc này, chị Út mới nhờ chồng giữ con nhỏ để ra chợ, dự định mua thuốc và mua đôi dép nhựa cho chồng mang Tết. Nhưng mới đến chợ thì anh đã điện thoại, gọi về gấp vì anh nóng sốt, người run lẩy bẩy. Chị Út vội nhờ người đưa chồng xuống Trạm Y tế xã Đại Tân tiêm thuốc. Tại đây, anh Nguyên tiêu chảy, nôn mửa và bắt đầu xuất huyết, bầm tím cả người. Đến 4h30 sáng mùng 1 Tết, bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng do bệnh tình nguy cấp, anh Nguyên đã ra đi ngay buổi sáng ngày đầu năm mới, không kịp trối trăng một lời với vợ con. Lúc này, bầy heo thả trong vườn cũng có thêm 2 con chết.

 

Việc anh Nguyên chết sau khi mổ heo với triệu chứng giống hệt như bà Phạm Thị Nguyệt khiến nhiều người đoán chắc rằng hai người này đã nhiễm liên cầu khuẩn từ bầy heo của ông Sinh. Nghe tin dự, ông Sinh vội cùng người nhà đưa số heo đang ở vườn anh Nguyên về nhà, nhưng mới chuyển được 6 con thì người nhà anh Nguyên cùng xóm giềng ngăn lại, yêu cầu chính quyền địa phương và Cơ quan Thú y kiểm tra, làm rõ nguyên nhân heo chết. Đồng thòi, gia đình anh Nguyên trưng cầu giám định pháp y để xác định nguyên nhân khiến anh Nguyên tử vong...

Cả xóm "hú hồn"

Làm việc với chúng tôi, ông Võ Thiện Sinh - (trú thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân) không giấu giếm việc cơ quan kiểm dịch phát hiện 6 con heo mà ông Sinh mang trở về từ nhà anh Nguyên đều bị nhiễm bệnh tai xanh. "Nếu biết heo nhiễm bệnh, tôi báo với cơ quan Thú y của huyện để tiêu hủy và nhận tiền hỗ trợ chứ không thể làm một việc trái đạo đức, lương tâm là xuất bán, làm cho dịch bệnh lây lan"- Ông sinh tỏ ra day dứt.

Theo lời ông Sinh, bầy heo này có tổng cộng tới 26 con. Ngày 2-2, trong lúc ngăn đàn heo cắn nhau, ông Sinh lại lỡ tay đập chết 1 con nên nhờ người làm thịt, làm tiệc tất niên.

Ngày 4-2, hai người hàng xóm là ông Lê Có và ông Thanh Ba chung tiền mua một con heo của ông Sinh và nuôi thêm mấy ngày, chờ giáp Tết giết thịt. 24 con heo còn lại, ông Sinh thỏa thuận bán nợ cho bà Nguyệt với giá hơn 50 triệu đồng. Bà Nguyệt hẹn đến 29 Tết sẽ trả một phần tiền, ra Tết mổ hết thì sẽ thanh toán dứt điểm.

Số heo đưa về, ngày 27 tháng Chạp, bà Nguyệt làm thịt 5 con heo, mang bán ở chợ Đại Cường. Đến thì chiều cùng ngày, bà Nguỵệt bị sốt và được đưa đến bệnh viện. Đến rạng sáng ngày 28, bà Nguyệt gọi điện mổ tiếp 3 con heo nữa để cung cấp cho bạn hàng. Nhưng chỉ vài giờ sau, bà Nguyệt lên Cơn co giật và chết tại Bệnh viện huyện Đại Lộc. Ông Sinh tỏ ra thật thà: "Khi nghe vợ điện thoại bảo bà Nguyệt chết, tôi hoàn toàn không nghĩ bà Nguyệt chết là do nhiễm bệnh từ heo. Tôi chỉ lo không thu tiền bán heo nến mới đề nghị nhận lại 16 con heo gia đình bà Nguyệt chưa kịp mổ, sau đó nhờ anh Nguyên và ông Bốn Hòa mua giúp vì chuồng trại trong nhà đã có bầy heo mới chuyển về...".

Ông Sinh huy động em ruột là anh Võ Thiện Huấn cùng 2 người em vợ là Huỳnh Công Tân, Huỳnh Công Tùng và em cột chèo là anh Nguyễn Phước Nam đi bắt số heo nói trên đưa về nhà anh Nguyên.

Lúc này ở thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, ông Lê Có và Thanh Ba cũng ngả thịt con heo mua của ông Sinh chia nhau. Con heo này được đánh tiết canh và có nhiều người ăn. "Có người ăn đến mấy chén, riêng nhà ông Ba thì cha và con đều cùng ăn tiết canh"...

Tối 28 tháng Chạp, khi con heo đầu tiên trong bầy heo ông Sinh mang đến lăn ra chết, anh Nguyên làm thịt và ông Sinh đến lấy, mang về thôn Mỹ Nam luộc ăn và chia lại phần lớn cho gia đình anh em, họ hàng.

Sáng mùng 1 Tết, sau khi anh Nguyên chết tại Bệnh viện Đà Nẵng thì 3 người thân của ông Sinh gồm anh Nam, anh Tân và anh Tùng cũng lừ đừ rồi lên cơn sốt (đến nay, cả 3 bệnh nhân vẫn được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng). Lúc này, cả thôn Mỹ Nam náo động. Hàng chục người đã ăn tiết canh, ăn thịt heo có nguồn gốc của nhà ông Sinh hoảng sợ, đổ xô ra bệnh viện xin xét nghiệm, theo dõi... "Nếu con heo đánh tiết canh nhiễm liên cầu khuẩn thì cả thôn Mỹ Nam có đại tang rồi"- một người dân trong thôn bàng hoàng kể lại.

Riêng ông Sinh đến nay vẫn băn khoăn: Đàn heo của tôi trước khi xuất bán cho bà Nguyệt khỏe mạnh bình thường, không hề có việc bán tháo heo để "chạy dịch". Mà chắc gì anh Nguyên nhiễm bệnh từ đàn heo của tôi, vì mấy ngày giáp Tết, anh Nguyên đi mổ giúp cả trăm con heo cho người dân khắp xã...

Một lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc khẳng định: Chắc chắc rằng, anh Nguyên và bà Nguyệt chết là do bệnh lý, nhưng chưa có kết luận về nguồn lây bệnh. Còn những câu chuyện đồn đại như "heo tinh trả thù" là chuyện tầm phào, viển vông. Hiện nay địa phương đang quyết liệt kiểm soát, dập tắt dịch heo tai xanh, ngăn chặn những dịch bệnh kế phát nguy hiểm như liên cầu khuẩn, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Ngày 19-2, ông Phan Thanh Thiên - Trưởng Trạm Thú y huyện Đại Lộc cho biết: Cơ quan Thú y vùng 4 (Cục Thú y, Bộ NN&PTNN) đóng tại Đà Nẵng vừa thông báo kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ số lợn chết tại vườn nhà anh Phạm Nguyên đều dương tính với vi rút tai xanh nhưng âm tính với liên cầu lợn. Tuy nhiên, những con lợn khác đã tiêu thụ thì không thể xác định được có nhiễm liên cầu khuẩn hay không.

Còn mẫu bệnh phẩm Trung tâm Giám định Pháp y Đà Nẵng lấy sau khi khám nghiệm tử thi bệnh nhân Nguyễn Nguyên đến nay mới được gửi đi TP HCM xét nghiệm, đang chờ kết quả. Như vậy, nguyên nhân bệnh lý khiến anh Nguyên tử vong đến nay vẫn chưa được cơ quan này làm sáng tỏ.