Hãi hùng “dịch vụ” đòi nợ thuê: Lời kể của “đại ca giang hồ”

ANTĐ - Lợi nhuận kếch xù từ việc đứng ra thu hồi các khoản nợ đã khiến nhiều đối tượng, băng nhóm côn đồ sẵn sàng bắt cóc tống tiền, bắt giữ người trái pháp luật cho đến khủng bố, tra tấn, thậm chí sát hại người vay tiền.

Những cuộc thương lượng “ngầm”

Ngày càng xuất hiện nhiều vụ đòi nợ bằng vòng hoa...

Để tìm hiểu góc khuất trong giới đòi nợ thuê, qua một vài mối quan hệ, tôi đã gặp được Tuấn “T” - dân anh chị một thời tại khu vực Xuân Mai - Hòa Lạc. Theo lời kể của một “ong thợ” từng dưới quyền Tuấn thì người đàn ông này đã từ bỏ cuộc sống giang hồ về ở ẩn. Vài năm trước, Tuấn đã đứng sau vụ nổ súng đòi nợ nhằm vào một doanh nghiệp tư nhân ở Hòa Bình. Từ đó đến nay, chỉ thỉnh thoảng Tuấn “T” mới kể lại những kinh nghiệm xương máu về cái nghề mà theo người đàn ông này, nếu không rắn mặt và khôn khéo thì tiền mất mà mạng cũng toi.

Khi nghe tôi nhắc đến nhóm đòi nợ thuê do Nguyễn Sỹ Thanh (ở Bùi Xuân Trạch, Thanh Xuân) cầm đầu vừa bị CAH Đan Phượng bắt giữ cách đây không lâu, Tuấn cho biết nhóm này mới nổi, hoạt động không chuyên nghiệp. Một đàn em của Tuấn tiếp lời đại ca và cho biết, với số nợ vài chục triệu đồng như vụ của Thanh thì không cần thiết phải kéo cả đám người lên xiết nợ. “Đã nhận hợp đồng thì phải biết rõ “cơ” của con nợ (khả năng chi trả, quan hệ xã hội) để mà ra giá và biết đường đánh nhanh rút gọn. Cứ tù mù điều người đi đòi nợ “còm” thì chẳng mấy chốc mà ngồi bóc lịch trong kho” - một đệ tử đầu trọc của Tuấn “T” giải thích.

Đối với những vụ đòi nợ mà Tuấn “T” cũng như các nhóm khác đứng ra thực hiện thì tỷ lệ cắt phế luôn từ 30-50% tổng số tiền thu về. Tùy vào diện nợ khó - dễ đòi và số tiền nợ cụ thể mà con số “dịch vụ” sẽ tăng, giảm phụ thuộc vào thương lượng giữa các bên. Có trường hợp, chủ nợ không cần thu hồi vốn mà chỉ nhằm mục đích hạ uy tín con nợ hoặc hành động cho bõ tức sẽ sẵn sàng chi từ 60-80% tổng số tiền cho đội quân thu nợ.

“Giá trần rồi, ở đâu cũng thế” - Tuấn “T” trả lời cụt lủn khi tôi ra vẻ hoài nghi về giá “dịch vụ”. Theo nhân vật được xếp vào hàng có số má trong giới giang hồ này, việc giá “dịch vụ đen” luôn cao là vì người đòi nợ không chỉ ngã giá với chủ nợ mà nhiều trường hợp, đại diện các băng nhóm cùng nghề phải thương lượng với nhau. Làm như vậy mới không mang tiếng là cướp hợp đồng hay chạm đến các mối quan hệ của dân anh chị. Trong khi, đó cũng là cách các nhóm đòi nợ thuê giữ thị phần, duy trì giá “trần”, thậm chí cùng nhau đứng ra môi giới rồi thổi giá trong những phi vụ quan trọng.

Chiêu trò đòi nợ

.

.. và chất bẩn

Để đòi nợ thành công, theo bí quyết của Tuấn “T” là phải hiểu rõ về con nợ. Nếu là cán bộ công chức, người có uy tín thì chỉ cần những biện pháp đe dọa mức độ nhẹ để người vay hoảng sợ, trả tiền nhanh. Nhưng đối với hạng cùng đinh, chây ỳ thì ngay lần đầu tiên tiếp xúc phải áp dụng vũ lực, thu hồi tài sản có giá trị, thậm chí phải phô trương lực lượng, sử dụng cả “hàng nóng” để tránh sự can thiệp của các băng nhóm giang hồ. Tối kỵ nhất trong việc đòi nợ là “xiết người” có quan hệ với các ổ nhóm xã hội đen hoặc đang làm việc tại các cơ quan công quyền. Vì ở tình thế này, không thực hiện hợp đồng đã nhận thì sẽ mất vị thế trên giang hồ, còn cố tình dùng mọi thủ đoạn để xiết nợ thì nhiều khi chưa đòi được tiền mà đã dính vào vòng lao lý.

Qua trò chuyện với đám đàn em của Tuấn “T” được biết, hiện nay, các chiêu thức đòi nợ cổ điển như mắc màn, trồng cây si hay ăn ngủ tại nhà con nợ ít khi được các nhóm đòi nợ thuê thực hiện. Cách này vừa tốn thời gian, nhân lực lại ít phát huy tác dụng. Nhưng nếu bắt thóp được con nợ luôn muốn giữ uy tín cho bản thân và gia đình thì chỉ cần một vài chiêu trò “bẩn” như cho đàn em nghiện ngập ăn cùng mâm, ngủ cường giường, hút chích hoặc chửi bới ngay trước cổng thì hiệu quả mang lại là rất lớn.

Tuy nhiên với con nợ thuộc diện khó đòi, ngay lần đầu tiếp xúc phải áp dụng các biện pháp nắn gân gồm đánh dằn mặt, khủng bố, đe dọa bằng bom, mìn thậm chí bằng cả vòng hoa, phân, tiết lợn mắm tôm. Trong các trường hợp con nợ bỏ trốn, chống cự hoặc bị các ổ nhóm khác tranh “thị phần” thì các biện pháp cuối cùng gồm bắt cóc tống tiền, tra tấn hoặc chém giết sẽ được thực hiện. Tuy nhiên bản thân một số đối tượng từng tham gia đòi nợ thuê cũng cho rằng việc nổ súng, sát hại con nợ là việc bất khả kháng. Mục đích của các đối tượng thực hiện “dịch vụ đen” là kiếm tiền đồng thời tạo dựng tên tuổi trong xã hội. Ngay cả trong các phi vụ phải thu hồi nợ bằng mọi giá hoặc có dính líu đến việc thanh trừng, trả thù thì đối tượng đứng ra thực hiện sẽ là đám đàn em mới vào nghề có “hồ sơ” còn trong sạch hoặc đám nghiện hút nhiễm HIV.

(Còn nữa)