Hàng vạn dân nghèo bị lừa
Thay vì bỏ tiền mua hàng thật, hàng trăm người tiêu dùng tại Đắk Lắk đã mua “gian hàng điện tử” (GHĐT) với giá 5,2 triệu đồng/gian, để được kết nạp làm hội viên của Cty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24).
Nghe giới thiệu, nếu lên “VIP” mỗi tháng kiếm được cả trăm triệu đồng, bà Đ.T.C (phường Thống Nhất, TX Buôn Hồ) mua tới 5 GHĐT. Gia đình anh Dương Hoàng Cường xã Ea Ô, huyện Ea Kar cũng mua 3 GHĐT, giờ đành “ngậm đắng nuốt cay” không biết dùng để làm gì, bán lại thì không ai mua.
Theo lời giới thiệu của MB24, cách chia thưởng hoa hồng cho khách hàng mua GHĐT được tính theo hệ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Theo đó, người giới thiệu trực tiếp sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng và hưởng gián tiếp 320 nghìn đồng mỗi cặp từ nhánh dưới.
Khi mỗi nhánh đủ 99 cặp GHĐT người sở hữu GHĐT cấp 1 sẽ trở thành VIP - phần hoa hồng tương đương trên 111 triệu đồng. Và sau đó là VIP 1, VIP 2, VIP 3…
Trước tình trạng người dân trong xã thi nhau mua GHĐT, ông Bùi Trọng Lực - Trưởng công an xã Ea Ô, huyện Ea Kar cho rằng, tại xã đã phát hiện 16 trường hợp mua GHĐT, chủ yếu là nông dân nghèo không biết gì về máy vi tính, và việc mua bán này có dấu hiệu không bình thường. Người ta bỏ ra 5,2 triệu đồng nhưng không có chứng từ, cũng không mang lại lợi ích thiết thực.
Ông Võ Huy Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk - địa phương cũng cho biết, có đến 16 trường hợp vỡ nợ, cầm cố sổ đỏ vì tham gia mua “GHĐT” MB24, cho biết phần lớn đều là nông dân hoàn cảnh khó khăn vì nhẹ dạ, cả tin nghe các nhân viên môi giới, tiếp thị của MB24 lôi kéo tham gia mua bán “GHĐT” để được kết nạp làm hội viên của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến (MB24).
Ông Khôi cho hay, việc làm của MB24 không hề thông qua chính quyền địa phương cho đến khi vụ việc vỡ lở, một số gia đình rơi vào hoàn cảnh nợ nần, rạn nứt hạnh phúc thì chính quyền mới được biết.
Ông Khôi cũng cho biết, sau khi nắm bắt được tình hình UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động bà con trong xã không tham gia mua bán “GHĐT” của Công ty Cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến, không nghe theo lời giới thiệu mua “GHĐT” của các tiếp thị MB24 nhằm hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.
Không chỉ riêng tại Đắk Lắk, bằng việc núp bóng “Sàn giao dịch thương mại điện tử” trong một thời gian dài, Muaban24 đã tổ chức những cuộc đào tạo quy mô dẫn đến việc hàng chục nghìn người bị lừa và “nướng” tiền vào những gian hàng vô giá trị.
Kinh doanh đa cấp trái hình!
Trước sự việc trên, Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, cách thức tiến hành kinh doanh mặt hàng (gian hàng điện tử) này là dạng biến tướng của loại hình kinh doanh đa cấp không lành mạnh đã từng gây bức xúc xã hội trong một thời gian dài. Có khác chăng thì chỉ ở hình thức mặt hàng ban đầu mà những người muốn là thành viên của mạng lưới phải bỏ tiền ra mua.
Ở hình thức bán hàng đa cấp, người muốn trở thành thành viên của mạng lưới phải mua một món hàng thật, còn mua gian hàng điện tử trên mạng muaban24.vn người mua phải bỏ một số tiền để mua một món hàng ảo.
Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của hai loại hình kinh doanh này đều có một điểm chung đó là mua hàng hóa chỉ là phụ, lôi kéo được nhiều người tham gia vào các mạng lưới để chia số tiền ban đầu mà người mới phải nộp cho những người môi giới, cấp trên trong mạng lưới là mục đích cuối cùng, sản phẩm hàng hóa mới không hề được tạo ra.
Đối tượng mà cả hai loại hình kinh doanh trên hướng tới đều là những người nhẹ dạ, cả tin như nông dân, sinh viên, những người không công ăn việc làm… những người hiểu biết và có sự phân tích sự việc rất hạn chế nhưng lại muốn làm giàu nhanh chóng.
Cũng theo ông Luật sư Tú, website Muaban24.vn của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến tự xưng là “sàn thương mại điện tử” nhưng chưa hề được cấp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này, điều đó đã vi phạm quy định của pháp luật về đăng ký ngành nghề kinh doanh. Hơn nữa, trong hoạt động mua bán gian hàng điện tử trên trang website các nhân viên tiếp thị của công ty thường đưa ra những lợi ích hấp dẫn (mà thực tế không bao giờ có) để lôi kéo những người có hiểu biết hạn chế tin và mua gian hàng điện tử. Người mua phải bỏ ra một số tiền mặt tương đối cao để mua gian hàng ảo nhưng lại không có hóa đơn chứng từ…
Ông Tú cho rằng, tất cả những hành vi nêu trên của phía Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến có dấu hiệu của “Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009, theo đó: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”.
Muaban24 - vừa lừa đảo, vừa trốn thuế!
Chiều 30/7, tại buổi họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, Công an tỉnh này đã công bố kết quả điều tra ban đầu về 2 Chi nhánh của Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến Muaban24 tại Đắk Lắk. Theo đó, 2 Chi nhánh này có dấu hiệu trốn thuế và không đủ điều kiện thực hiện chức năng của sàn giao dịch TMĐT.
Đại tá Phạm Minh Thắng - Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 2 Chi nhánh Muaban24 hoạt động, gồm: Công ty Cổ phần Đào tạo Đào tạo mua bán trực tuyến Chi nhánh Đắk Lắk (buôn Suk, xã Ea Đar, Ea Kar) và Công ty Cổ phần Đào tạo Đào tạo mua bán trực tuyến Chi nhánh Buôn Ma Thuột (A8, khu Hiệp Phúc, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).
Theo ông Thắng, qua làm việc với Chi cục thuế huyện Ea Kar, tính từ điểm thành lập đến 4/2012, Chi nhánh Muaban24 Đắk Lắk mới chỉ đóng thuế môn bài số tiền… một triệu đồng. Ngoài ra, Chi nhánh đã nộp 3 tờ khai thuế GTGT tháng 12/2011, 1/2012, 2/2012, nhưng trong 3 tờ khai không thể hiện phát sinh mua bán hay cung cấp hàng hóa dịch vụ, không phát sinh doanh thu. Thực tế, Chi nhánh không nộp thuế GTGT cho Chi cục thuế huyện Ea Kar.
Tương tự, Chi nhánh Muaban24 Buôn Ma Thuột cũng chỉ nộp những tờ khai không phát sinh doanh thu cho Chi cục thuế TP. Buôn Ma Thuột. Thực tế, Chi nhánh MB24 tại Buôn Ma Thuột cũng không thực hiện việc nộp thuế tại địa phương.
Báo Dân Trí đưa tin, cũng liên quan tới MB24, sáng 31-7, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Quyết định số 37 khởi tố vụ án "Trốn thuế" tại Muaban 24 Phú Thọ.
Cũng trong sáng 31-7, Công an tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Công an Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về công nghệ cao (C50) Bộ Công an khám xét tại trụ sở chính của Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến tại Lô 4 khu biệt thự C8 Mỹ Đình 1, Mỹ Đình, Từ Liêm. Bước đầu cơ quan Công an đã thu giữ một số máy chủ và các tài liệu liên quan đến vụ án để phục vụ công tác điều tra mở rộng.
Gần đây nhất, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã quyết định khai trừ tư cách hội viên đối với Muaban24 vì đơn vị này “có những biểu hiện hoạt động không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín của Hiệp hội và làm giảm niềm tin của cộng đồng người dùng đối với thương mại điện tử".