PGS.TS Nguyễn Minh Đức
- PV: Thời gian qua trong cả nước xảy ra liên tiếp các vụ giết, cướp chủ hiệu vàng gây bức xúc trong dư luận, đồng chí đánh giá sao về hiện tượng này?
- PGS.TS Nguyễn Minh Đức: Có thể khẳng định rằng các vụ án cướp hiệu vàng trong 2 năm 2010-2011 giảm so với giai đoạn 2006-2009 (đây là giai đoạn cướp hiệu vàng nổi lên). Lực lượng Cảnh sát ĐTTP về TTXH và công an các địa phương làm tốt công tác tham mưu về phòng ngừa xã hội và trực tiếp làm tốt công tác phòng ngừa nghiệp vụ trên các tuyến địa bàn trọng điểm, triệt phá các băng nhóm cướp có vũ khí. Nguyên nhân bởi đa số các đối tượng phạm tội hoạt động lưu động, đây là đối tượng khó kiểm soát nhất, nên vấn đề chủ động ngăn chặn phòng ngừa của cơ quan chức năng gặp khó khăn rất nhiều. Đối tượng phạm tội đa số nghiện ma túy (70%), ăn chơi trác táng nên cần tiền để thỏa mãn nhu cầu thấp hèn lại không chịu lao động; bên cạnh đó thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình nên dễ dàng đi vào con đường phạm tội. Lý do quan trọng khác bởi vàng là tài sản có giá trị kinh tế rất cao, dễ tiêu thụ, gọn nhẹ dễ cất giấu, nên đối tượng thường nhằm vào để cướp. Đa số các vụ cướp nhằm vào các hiệu vàng mà chủ tài sản thiếu cảnh giác, còn nhiều sơ hở trong quản lý kinh doanh.
- PV: Đồng chí có thể đưa ra lời khuyên những kỹ năng về phòng ngừa tội phạm trong những tình huống nguy hiểm?
- PGS.TS Nguyễn Minh Đức: Về tâm lý của người bị hại, nguy cơ bị cướp tài sản nảy sinh tâm lý tiếc của, đó là sản nghiệp, thậm chí cả gia tài, thậm chí đi vay để kinh doanh nên tâm lý phải bảo vệ tài sản đến cùng. Đồng thời tâm lý không chịu khuất phục đối tượng, kết hợp cả hai yếu tố tâm lý này nên đã bằng mọi cách chống trả, trong khi “tương quan lực lượng” không cân bằng nên phần thiệt hại về sức khỏe, tính mạng bản thân, người thân rất có thể xảy ra.
Chính vì vậy, khi gặp tình huống đối tượng dùng hung khí nguy hiểm tấn công, khống chế, cách tốt nhất là tạm thời để cho đối tượng khống chế và thực hiện theo yêu cầu của chúng, trong lúc đó hãy quan sát kỹ đặc điểm nhận dạng của đối tượng (mặt mũi, sọ, nốt ruồi, quần áo, giày dép, giọng nói...). Sau khi đối tượng cướp rút khỏi hiệu vàng cần khẩn trương thông báo cho lực lượng chức năng, truy hô để quần chúng truy bắt đối tượng và cung cấp thông tin nhận dạng cho lực lượng công an.
- PV: Đồng chí cho một vài lời khuyên tới các cơ sở vàng bạc, ngân hàng?
- PGS.TS Nguyễn Minh Đức: Đối tượng gây ra vụ cướp hiệu vàng thường gây ra hậu quả rất lớn: tài sản bị cướp, tính mạng, sức khỏe của người dân bị thiệt hại; lực lượng công an phải đầu tư nhiều công sức, vật chất trong điều tra, khám phá; tâm lý người dân hoang mang, nên người dân phải tự ý thức phòng ngừa là chủ yếu.
Chúng tôi cho rằng cần làm một số việc sau:
- Đề nghị Nhà nước quy định kinh doanh vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Chỉ khi nào một người có đủ điều kiện đặt ra mới được kinh doanh.
- Tiến tới đề nghị đưa kinh doanh vàng vào hệ thống siêu thị.
- Người dân phải trang bị đầy đủ hệ thống camera hoạt động 24/24h, có hệ thống báo động (lắp chế độ tự động chuyển sang điện ắc quy khi mất điện); lắp đặt điện thoại và cài nút gọi tự động đến cơ quan công an gần nhất; cần thuê bảo vệ chuyên trách từ các công ty dịch vụ bảo vệ.
- Vàng bày ở tủ hạn chế, nên để trong tủ, két bảo đảm và khi giao dịch mới lấy ra, không nên bày hết ở tủ.
- Cảnh giác quan sát đối tượng nghi vấn, thường đối tượng là thanh niên, bao giờ cũng hóa trang lịch sự, giả vờ hỏi mua bán, giá cả để nghiên cứu quy luật hoạt động của chủ hiệu vàng, nên khi có đối tượng nghi vấn như vậy cần có kế hoạch phòng tránh.