Theo tường trình của ông C., khoảng hơn 14 giờ cùng ngày, ông rời quán nước nhà hàng xóm về nhà và đang loay hoay mở cửa thì có 2 phụ nữ đi xe máy dừng dưới lòng đường, một người bước lại gần ông C. hỏi thăm “khu vực này có ai bán đất không?”. Ông trả lời qua quýt mấy câu, bất ngờ bị người phụ nữ nọ đập vào vai ông mấy cái. Thế rồi như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, ông C. bước vào nhà, người phụ nữ đi theo. Đến lúc đó, ông không biết mình “bị thôi miên” như thế nào, chỉ biết là ông tự động mở tủ lấy 4,83 cây vàng và 200USD đưa cho người phụ nữ nọ không một chút phân vân. Sau khi 2 người phụ nữ đi khỏi, ông mới hoàn hồn thì sự đã rồi…
Xem xét hiện trường, CBCS CAP Hòa Hiệp Nam phát hiện một số dấu hiệu không bình thường. Theo lời ông C. kể thì ngoài số vàng, USD được ông cất trong tủ, thùng cạc-tông có 2 chiếc còng vàng được ông cất dưới bức tượng Phật cũng bị lấy mất. Trong khi đó, sợi dây chuyền 2 chỉ bằng vàng ta đeo trên tượng Phật cùng 2 chiếc nhẫn vàng đeo ở tay ông C. thì lại không bị người phụ nữ nọ lấy đi. Mặt khác, vào thời điểm ông C. rời khỏi quán nước nhà hàng xóm để về nhà mình là hơn 14 giờ 30, không ai ở khu vực này nhìn thấy có người lạ xuất hiện như lời ông tường trình… Ngoài ra, nhà ông C. xây 2 mê, nếu muốn lấy tài sản phải lên tầng 2, mất không ít thời gian…
Xác minh thêm, CAP Hòa Hiệp Nam được biết, ông C. ở một mình, không nghề nghiệp ổn định. Lâu nay, ông vẫn sống nhờ vào tiền trợ cấp do bố mẹ và người thân ở nước ngoài gửi về. Thời gian gần đây, ông tiêu xài hoang phí, thường xuyên tụ tập thanh niên trẻ về nhà ăn uống và có thông tin ông còn nợ nần tiền bạc. Cũng qua thông tin thu thập được, CAP Hòa Hiệp Nam được biết, người thân của ông C. sắp từ nước ngoài về thăm và ở chơi một thời gian tại Đà Nẵng…
Trên cơ sở những thông tin thu thập được và từ hiện trường vụ việc, CAP Hòa Hiệp Nam nhận định, đây có thể chỉ là màn kịch do ông C. dựng lên. Vậy mục đích là gì? Đó là điều CAP Hòa Hiệp Nam cần phải làm sáng tỏ. Sáng 4-12, đích thân Trưởng CAP Hòa Hiệp Nam mời ông C. lên để làm việc. Sau khi đưa ra những chứng cứ thuyết phục cùng sự phân tích và những lời khuyên chân tình, cuối cùng, ông C. đã thú nhận đó chính là vở kịch của mình dựng lên. Theo đó, do thời gian gần đây chi tiêu, ăn chơi quá trớn, ông C. đã tiêu hết toàn bộ số tiền mà người thân gửi trợ cấp cho trước đó. Hay tin gia đình sắp về thăm quê, sợ bị phát hiện điều này, ông đã dựng lên màn kịch mất của do “bị thôi miên” hòng che mắt người thân…
Màn kịch của ông C. không những làm mất nhiều thời gian, công sức của lực lượng CA trong việc điều tra làm rõ vụ việc, mà còn làm mất ANTT xã hội, tạo nên một “hội chứng bị thôi miên”, gây tâm lý hoang mang cho nhiều người khác. Đó cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người, bởi sự thật dù có được che đậy dưới hình thức nào, vỏ bọc nào thì vẫn là sự thật và nó sẽ bị phơi bày.