Bắc Kinh nhấn mạnh quyền được tổ chức các cuộc tập trận thường niên tại khu vực bất chấp mối quan ngại về sự phát triển quân đội, mà cụ thể là lực lượng hải quân Trung Quốc.
Sau nỗ lực thúc đẩy đàm phán trong khu vực của tổng thống Barack Obama là cuộc gặp mặt không lấy gì làm vui vẻ giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị châu Á – Thái Bình Dương diễn ra tại Indonesia, nhất là khi Mỹ đề cập tới chủ đề tranh chấp tại khu vực biển Đông.
Việc Hoa Kỳ đưa quân đội, tàu chiến và máy bay chiến đấu tới thành phố Darwin, Australia đã đưa Trung Quốc vào tình cảnh như ngồi trên lửa với nhận định Hoa Kỳ đang đưa nước này vào vòng bao vây của quân đồng minh.
Thứ tư vừa qua, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đăng tải thông tin: “Việc tập trận trên biển là hoạt động thường niên. Các hoạt động này không nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào và sẽ thực hiện theo đúng luật quốc tế. Các quốc gia khác không được phép cản trở tự do hàng hải và các quyển lợi khác của Trung Quốc”. Đoạn thông báo ngắn gọn nhưng không hề cho biết cuộc tập trận sẽ diễn ra tại đâu.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn lời Bộ Quốc phòng nước này cho hay 6 tàu chiến của Trung Quốc đã đi qua khu vực Thái Bình Dương gần hải phận của tỉnh Okinawa vào sớm ngày thứ ba.
Việc hiện đại hóa, phát triển lực lượng hải quân của Trung Quốc đã gây nhiều mối quan ngại khắp châu Á và kích ngòi cho nhiều tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này. Mới đây, Trung Quốc đã bắt đầu đóng và sản xuất nhiều tàu ngầm, tàu mặt nước và tên lửa chống hạm mới. Đồng thời, hồi tháng 8, nước này cũng đã cho chạy thử chiếc hàng không mẫu hạm Thi Lang được sửa chữa lại từ một chiếc hàng không mẫu hạm cũ của Liên Xô cũ.
Chỉ trong một năm trở lại đây, Trung Quốc đã liên tiếp để xảy ra va chạm trên biển với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Các vụ việc xảy ra tuy không nghiêm trọng nhưng đã làm nóng các phản ứng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Đặc biệt trong đó là khu vực biển Đông nơi được ước tính số tiền mang lại từ giao thương lên tới 5 nghìn tỷ đô la Mỹ.
Trong hội nghị Đông Á cuối tuần qua tại Bali, Indonesia, một quan chức Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ việc đưa tranh chấp tại biển Đông ra họp bàn, một chủ đề mà Trung Quốc không hề muốn đề cập tới tại các hội nghị quốc tế cấp cao và giữ nguyên quan điểm đàm phán song phương.
Tổng thống Obama đã trực tiếp nói với Thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, người đã từng cảnh báo Mỹ nên đứng ngoài các tranh chấp tại biển Đông, rằng Hoa Kỳ muốn đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực này.
Cùng lúc đó, báo chí ở quê nhà ông Ôn Gia Bảo thì liên tiếp đăng tải các thông tin Hải quân Trung Quốc hiện đại hóa là một hành động cần thiết để đảm bảo cho sự trỗi dậy của nước này, đồng thời tăng cường khả năng bảo vệ các mối quan tâm của Trung Quốc trên toàn thế giới.