Thử làm “vua”
Thị trấn Sa Pa chợt mù sương những ngày chớm rét khiến cho người dân cũng như du khách tại phố núi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sương phủ trắng cả một vùng trời Tây Bắc, những nụ hoa mận cũng đã bắt đầu chuyển mình chờ những bông tuyết nhẹ tâng.
Sau một ngày vui chơi thỏa thích, chúng tôi muốn tìm một cửa hàng tắm thuốc nào đó thư giãn lấy lại sinh khí. Việc tưởng dễ mà hóa ra lại khó, khắp các con đường ngõ ngách nào của thị trấn Sa Pa cũng treo biển hiệu tắm thuốc bí truyền của người Dao Đỏ. Trong hàng trăm dịch vụ tắm thuốc kia cái nào là thật, cái nào là giả? Cuối cùng chúng tôi cũng tặc lưỡi vào đại một cửa hàng xem cảm giác làm “đế vương” ra sao.
Vừa bước qua cánh cửa tự động, chúng tôi được chào đòn bằng nụ cười ấm áp từ cô tiếp viên trẻ trung xinh đẹp. Không phải chờ đợi quá lâu, một cô tiếp viên “chân dài tới nách” với chồng khăn tắm trên tay dẫn chúng tôi vào một căn phòng được thiết kế hoàn toàn tự nhiên bằng gỗ pơ mu; trần nhà bằng gỗ pơ mu, cửa bằng gỗ pơ mu và chiếc bồn tắm cũng là pơ mu.
Ban đầu cũng không có cảm giác gì khác so với tắm nước nóng bình thường. Nhưng khoảng 5 phút sau, lông chân bắt đầu dựng đứng lên, người nóng rực một cảm giác tê tê say say chạy dọc khắp cơ thể như có con gì bò trong người. Đến khi thấy mặt mũi mình tối sầm như bị say nắng, chúng tôi bị đánh thức bởi giọng nói trong trẻo của cô nhân viên thông báo nếu ai cảm thấy chóng mặt thì ngừng tắm nếu không sẽ bị say thuốc. Vậy là trong đời chúng tôi cũng đã một lần được làm vua, dù đó chỉ là việc tắm táp. Nhưng điều khiến chúng tôi bất ngờ nhất khi biết phải dùng tới trên 30 loại cây thuốc mới có thể chiết xuất ra bài tắm thuốc của người Dao.
Theo tính toán của một đồng chí cán bộ Vườn quốc gia Hoàng Liên thì một ngày các cửa hàng tắm thuốc tại thị trấn Sa Pa tiêu thụ hết cả mấy tấn lá thuốc là chuyện bình thường.
Sử dụng cây thuốc bền vững
Mỗi ngày, nguyên tại thị trấn Sa Pa đã tiêu thụ hết vài tấn cây thuốc. Như vậy nhân lên với 30 hoặc 360 ngày thì số lượng cây thuốc được đem đi sao chế lên tới con số khổng lồ. Tài nguyên cây thuốc tại VQG Hoàng Liên dù có dồi dào đến đâu chăng nữa cũng không thể đáp ứng được hết nhu cầu bất tận của du khách và người kinh doanh. Vậy, làm cách nào để bảo vệ và phát triển cây thuốc bền vững tại Sa Pa. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi thuê hai chiếc xe máy chạy theo những khúc cua tay áo tìm về xã Tả Phìn để tìm hiểu mô hình công ty cộng đồng tại đây.
Ngay tại trung tâm xã Tả Phìn, một bảng hiệu với cái tên rất Tây được dựng giữa ngã ba đông người qua lại: Công ty CP kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa - Napro. Tên công ty nghe rất “oách” nhưng trụ sở lại đặt tận trong rừng sâu khiến chúng tôi phải chật vật mãi mới tìm vào được.
Thắc mắc tại sao không đặt công ty ngoài đường cái cho dễ nhìn thì ông Nguyễn Bá Nhung, cố vấn Công ty Sapa - Napro cười mỉm tiết lộ: Do là bài thuốc bí truyền của người Dao, nên công ty đóng ở trong này cho kín đáo không sợ người Kinh học lỏm mất nghề? Lý giải của ông Nhung phần nào cũng có lý nhưng tôi nghĩ chắc còn một lý do nào khác mà họ không muốn tiết lộ nên quay sang hỏi quá trình thành lập công ty. Bà Lý Mẩy Chạn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sapa - Napro, một người Dao chính cống cho biết: Trước nguy cơ nguồn cây thuốc của người Dao bị mai một bởi nạn khai thác quá mức đem bán. Người Dao ở xã Tả Phìn, cái nôi của mô hình tắm thuốc đã quyết định đi tìm con đường để giữ lại nghề của cha ông. Nhờ sự phối hợp của Hội Nông dân, cùng cán bộ Viện Y học cổ truyền, trường Đại học Nông nghiệp 1, mô hình Công ty cộng đồng Sapa - Napro đã ra đời năm 2007.
Sở dĩ gọi là công ty cộng đồng bởi nó là công ty của tất cả người Dao biết về cây thuốc tại xã Tả Phìn. Thành viên trong Hội đồng quản trị của công ty là ông Chủ tịch Hội Nông dân xã, cùng một số người Dao có tiền đem góp vốn. Ngoài ra thành viên của công ty còn có 40 hộ gia đình chuyên đi khai thác, trồng và cung cấp cây thuốc cho công ty.
Để công việc kinh doanh được minh bạch và thuận lợi, vừa rồi công ty đã phải tuyển kế toán về lo sổ sách. Điểm nhấn tại công ty này là lợi nhuận được chia đều cho từng thành viên, 40 thành viên làm nhiệm vụ cung cấp thuốc cho mỗi gia đình được chia một khoảnh rừng để khai thác hợp lý. Cứ luân phiên lấy thuốc từng gia đình một để đảm bảo cây thuốc có thời gian sinh sôi phát triển. Nhờ sự quay vòng và gắn trách nhiệm đó mà diện tích khu rừng thuốc của người Dao ngày càng được phát triển và nhân rộng.
Ngày nào, người Sa Pa cũng đi lấy thuốc
“Giáo sư”… bản
Đó là bà Chảo Sử Mẩy, người Dao Đỏ xã Tả Phìn hiện còn nắm giữ được tất cả mọi bài tắm thuốc nên người dân nơi đây gọi bà là “giáo sư” bản. Thuốc tắm của người Dao đã nổi tiếng khắp nơi và ra cả thế giới.
Giờ đã 55 tuổi nhưng dáng phốp pháp chắc khỏe của người đàn bà leo núi vẫn thuyết phục được bất kỳ khách tham quan nào muốn thuê người hướng dẫn chính hiệu. Bà Mẩy bảo, nghề cửu vạn núi vẫn còn đơn giản, lấy thuốc trên các vách núi mới đáng sợ.
Bà Mẩy cho hay, gia đình bà theo nghề thuốc đã 3 đời nay. Cha mẹ bà cũng là những người lấy thuốc nổi tiếng khi xưa tại Sa Pa. Lên 3 tuổi, cô bé Mẩy đã theo mẹ vào rừng, theo cha lên núi hái thuốc và tìm các loại biệt dược chỉ có ở những vách đá cheo leo ở độ cao trên 3.000m so với mực nước biển như đỉnh Phan Xi Păng.
Đi nhiều thành quen, lên 10 tuổi thấy Chảo Sử Mẩy như là con của núi, có thể leo được lên bất cứ ngọn núi cao nào, ông cụ thân sinh mới đánh bạo làm chuyến leo núi kinh điển lên Phan Xi Păng cùng cô con gái tròn 10 tuổi. “Lúc đó mình thích lắm, thích lên núi cao nhất tìm thuốc đấy, trên ấy nhiều sương nhưng cũng nhiều thuốc mà…” - bà Mẩy vui vẻ cho hay.
Trong suốt hành trình ấy, những khúc quanh lên xuống của dãy đá xám ngoét khổng lồ không làm cô bé 10 tuổi nản lòng. Nhìn con gái hăng hái, ông bố cũng như được tiếp thêm sức mạnh nên chưa đầy một ngày họ đã chạm đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ. Cô bé Mẩy như được mở thêm tầm mắt, bắt đầu cuộc tìm kiếm thuốc trường kì cho đến ngày nay.