Hai mươi năm trước, phố phường Hà Nội chưa lung linh đến vậy, bờ hồ Thiền Quang nơi Bình cùng lũ bạn vẫn thường ra đó “xin đểu” tiền của các đôi trai gái cũng chưa được kè đá xanh mát mắt như bây giờ. Nứt mắt đã đi trường giáo dưỡng, rồi liên tiếp 2 lần đi trại, và mút chỉ cho đến khi đã thành một thằng đàn ông ngót 40 tuổi nhưng chưa từng có khái niệm yêu trong đầu, Bình mới được về lại nơi mình đã lớn lên. Nhưng ngôi nhà cũ giờ đã có chủ mới, bố mẹ anh ta bán nhà đi đâu cũng không cho Bình biết. Họ sợ sự trở về của Bình. Thế nên, hành trang duy nhất Bình mang theo trên người chỉ là số điện thoại sim rác của người mẹ. Nhưng gọi mãi từ lúc xuống xe ôtô đến giờ chỉ thấy “ò í e”.
“Em cũng không biết giờ mình sẽ về đâu”
Tôi tình cờ được người bạn là cán bộ quản giáo ở một trại giam gọi điện ra quán cà phê trên đảo hồ Thiền Quang với lời nhắn nhủ: “Chị ra đây, có nhân vật này đáng để viết lắm”. Anh nhận nhiệm vụ đưa Vũ Văn Bình - một phạm nhân vừa chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương, vào một ngày Hà Nội rét đậm và trên phố đã rực rỡ màu vàng của quất, mai và hồng rực màu của đào. Bình ngẩn ngơ ngồi ngắm hồ Thiền Quang không chớp mắt và thỉnh thoảng lại reo lên như đứa trẻ nông thôn lần đầu tiên được ra phố. “Cảm giác thế nào? Có vui không?” - tôi hỏi Bình.
“Không phải vui mà là cực vui chị ạ. Mấy đêm hôm trước em có ngủ được đâu, trong lòng cứ xốn xang khó tả lắm. Anh em cùng buồng cũng tổ chức liên hoan chia tay, nhưng em có ăn được gì đâu” - Bình nói. Anh ta không mang theo thứ gì khi về xã hội ngoài bộ quần áo cán bộ vừa mua cho. Hỏi sao lại không mang theo quần áo về, Bình nói rằng, những người tù như anh, khi về lại xã hội, kiêng nhất là mang theo đồ về nhà. Tất tật, để lại hết cho bạn tù. Bởi, họ không muốn những cái gì dính dáng đến chữ “tù” thêm một lần nữa luẩn quẩn trước mắt họ khi đã hòa nhập cộng đồng.
Tôi tò mò hỏi Bình, lần này được về nhà, người thân có biết không mà sao không thấy ai đến đón. Bình bùi ngùi bảo: “Mọi người biết hết nhưng sao em gọi mãi mà máy không liên lạc được. Nhà cũ em ở ngõ chợ Khâm Thiên thì hàng xóm họ nói bố mẹ em bán rồi, nhưng mua nhà mới ở đâu thì không ai nói”. Một vài giây chùng xuống, tôi hiểu rằng, sự trở về của Bình bây giờ chỉ làm lo lắng thêm đối với người thân của anh ta, dường như họ muốn con trai của họ cứ ở yên trong trại, hằng tháng họ vẫn gửi tiền lưu ký, nhưng dù sao nó cũng còn được pháp luật giáo đục, chứ nếu nó trở về, vẫn với bản tính cũ, nói dại có làm sao thì họ đã bất lực từ lâu rồi.
Niềm vui của một phạm nhân khi được cởi bỏ bộ quần áo tù nhân.
“Cũng là tại em cả thôi chị ạ. Em làm cả nhà mất niềm tin, bây giờ em có nói mình đã lương thiện rồi cũng chả ai tin đâu. Điều em cần nhất bây giờ là một công việc để chí thú làm ăn, rồi thì thời gian sẽ trả lời” - Bình nói với tôi và giọng của anh ta chợt nghẹn lại. 13 tuổi, Bình đi trường giáo dưỡng vì suốt ngày theo mấy tên đàn anh ra bờ hồ Thiền Quang và vào Công viên Thống Nhất trấn tiền. 16 tuổi, lĩnh cái án đầu tiên về tội giết người. Sau một thời gian được tha về, Bình lại phạm tội cướp tài sản ngay trong tháng đầu tiên được về nhà. Và tiếp tục đi tù từ đó đến nay. “Tính ra, từ khi 13 tuổi đến giờ, em chỉ được ăn cơm xã hội khoảng vài tháng, còn lại là ăn cơm tù đều như vắt chanh. Giờ được ăn cơm xã hôi có khi lại thấy khó nuốt” - Bình cười buồn. “Thế thì cũng chưa yêu nhỉ?” - tôi hỏi. Bình bật cười: “Đã “rảnh” được lúc nào để yêu hả chị. “Bận” tối mắt tối mũi cả thời trai trẻ trong tù rồi còn đâu”.
“Mẹ ơi, cho con về nhà mình ăn Tết!”
Chị bạn tôi, một phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, rất thương chồng, thương con, nhưng Tết này, chị cay đắng tâm sự rằng, chị không thể cho thằng con trai cả về nhà ăn Tết được, trong thâm tâm, chị đã coi như mất nó. Nếu cho nó về, thì không những nó không tốt lên mà người chồng đang đau yếu bệnh tật của chị có khi lên cơn đột quỵ mà ra đi ngay tức khắc. Thế nên, dù đau đớn, nhưng chị cũng đành cắn răng trả lời con: “Con oi, nếu con thương bố con đang đau ốm thì mẹ xin con, con đừng về nhà. Con ở đâu cứ cho mẹ địa chỉ, mẹ sẽ mang đến đầy đủ bánh chưng, giò chả, không thiếu thứ gì để con ăn Tết”. Thằng con trai chị đã nhắn cho chị những cái tin trách móc, nó nói rằng, chị không thương nó, chị muốn nhìn thấy nó chết đường chết chợ hay sao mà nỡ không cho nó về nhà. Nhưng nó nào biết lòng người mẹ ấy đang như có hàng ngàn mũi dao đâm ngược. Phải đưa ra quyết định thế này, chị đã nghĩ nhiều lắm. Mỗi lần mở máy đọc lại dòng tin nhắn: “Mẹ ơi, cho con về nhà mình ăn Tết” của nó, chị lại nghẹn ngào.
Khi viết bài này, tôi cứ nghĩ rằng, ông trời không cho ai tất cả, chị được ông trời ban cho nhan sắc, trí tuệ, công danh sự nghiệp, nhưng lại lấy đi của chị thằng con trai đầu. Nó cao lớn, trắng trẻo, đẹp trai, từng tốt nghiệp đại học. Chỉ vì yêu đương lỡ dở với một cô gái, tâm hồn yếu đuối của nó gục ngã hoàn toàn. Nó chán đời và nhanh chóng trượt dốc lao vào tệ nạn xã hội. Lần đầu tiên nó bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, chị khóc hết nước mắt. Đến lần thứ hai, lần thứ ba thì vợ chồng chị đã cùng nhau xác định, coi như “sống chung với lũ”, vợ chồng chị cố cày cuốc kiếm tiền để nuôi thằng con trong trại cai nghiện.
Gần chục năm chỉ đi cai, thêm một tiền án về tội cố ý gây thương tích, nó chả giúp được gì cho bố mẹ, mãn hạn tù hôm trước, hôm sau nó lại bập ngay vào ma túy. Mà lần này không chỉ chơi heroin, nó còn sử dụng cả thuốc lắc, cả ma túy đá, những cơn điên loạn do ảo giác của ma túy mang lại khiến có lần nó về, cầm dao xông tới gí vào cổ chị, vì ngỡ chị là kẻ thù đang muốn làm hại nó. Kinh khủng nhất là ảo giác khiến nó không làm chủ được hành vi, như một dạng tâm thần phân liệt, nó ăn uống, đại tiểu tiện luôn một chỗ. Vợ chồng chị vừa hì hục khiêng nó sang một bên để lau dọn vừa khóc vì uất. Khi ấy, chị chỉ ước, giá mà chị có thể cầm dao đâm chết nó.
Nó cứ đi thì không sao, nhưng khi nó về nhà, thì từ lọ nước hoa của chị nó cũng mang đi, tìm cái gì thấy mất cái ấy. Đến nỗi, vợ chồng chị phải gửi đứa con gái sang nhà người em rồi lên kế hoạch “vườn không nhà trống”. Thế mà nó cũng không tha, nhà còn mỗi cái bếp gas, nó cũng dỡ luôn mang đi. Hết cái nấu ăn, vợ chồng chị rủ nhau ăn cơm bụi. Vài lần kề dao vào cổ mẹ đòi tiền không có tác dụng, nó thấy không “kiếm” được gì nữa nên cũng... nản và bỏ nhà đi bụi, vợ chồng chị không biết nó ở nhà bạn hay ở nhà nghỉ, nhưng có lẽ, không có mặt nó ở nhà, chồng chị ít bị lên cơn tăng xông hơn.
Nhiều lúc, chị ứa nước mắt khi nhìn những tấm ảnh cũ, thằng con trai chị trắng trẻo, đẹp đẽ là thế, vậy mà từ khi bập vào ma túy, mỗi khi phê thuốc, nó cứ lấy bấm móng tay bấm lên... mặt, giờ đây mặt mũi nó đầy những vết sẹo lỗ chỗ, sâu hoắm. Khi nó ngủ, chị không còn nhận ra thằng con ngoan ngoãn ngày nào, trông nó như một quái thai ở đâu đó lạc vào nhà chị khiến đôi lúc chị phải cấu vào tay mình để biết rằng đó là thực tế chứ không phải chị đang trôi trong một cơn mê sảng. Tết này, chị không muốn cái quái thai ấy lù lù xuất hiện trong nhà mình để rồi chính nó có thể sẽ cướp đi sinh mạng của chồng chị. Coi như chị đã mất nó. Dù đau nhưng chị làm thế để cứu chồng mình và cứu chính cuộc đời chị.
Nếu gia đình cũng chối bỏ nốt
Tôi còn nhớ, có lần trong Hội diễn nghệ thuật “Tiếng hát tình đời” tổ chức ở Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên), Thiếu tướng Hoàng Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp đã khuyên các phạm nhân tham dự hội diễn rằng: “Hãy một lần nữa gieo lại niềm tin với gia đình, bè bạn. Cứ gieo đi, mọi người sẽ gặt được tình yêu thương, sự chia sẻ, lòng thông cảm, sự vị tha của gia đình và cộng đồng”. Nhiều phạm nhân đã khóc vì xúc động và ân hận. Họ được thắp lên hy vọng vào một tương lai tươi mới, bởi ai cũng có ngày trở về, ngày ấy sẽ thật vui, thật ý nghĩa nếu gia đình họ mở rộng vòng tay và cộng đồng dành cho họ sự thông cảm, bao dung.
Sáng 24 Tết Nhâm Thìn, tức là ngày 19-1-2012, tại Trại tạm giam số 1 Hà Nội, Hội đồng xét giảm án, tha tù thành phố Hà Nội đã công bố quyết định giảm án, tha tù cho 372 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại 3 trại tạm giam. Những giọt nước mắt không ngăn được cứ rơi trên những gương mặt người vợ, người chồng, người con, người mẹ đang đứng bên ngoài cổng trại đợi người thân của họ. Tết năm nay, nhiều người trong số các phạm nhân được tha tù ấy sẽ đón một cái Tết thật đầm ấm bên những người thân yêu. Nhưng vẫn còn những ánh mắt khắc khoải mà tôi chợt bắt gặp khi có người ra đến cổng trại rồi mà vẫn chưa có người thân nào tới đón. Hơn bao giờ hết, người chấp hành xong hình phạt tù rất cần được gia đình, xã hội đón nhận, để giúp họ hòa nhập cộng đồng, giúp họ có một điểm tựa vững vàng sống tiếp. Sự xa lánh, hắt hủi sẽ là nguyên nhân đẩy họ tái phạm tội và khi ấy, xã hội sẽ càng thêm phức tạp.