Nếu không sớm tìm lời giải bài toán giữ rừng, thì không chỉ rừng đã giao khoán, mà cả những cánh rừng chưa giao khoán trên địa bàn Tây Nguyên tiếp tục bị bức tử.
Thực tế, không phải ở đâu rừng giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ cũng bị xâm hại. Đã có những cộng đồng bảo vệ rừng khá tốt, rừng đã mang lại nguồn thu cho người nhận khoán. Điển hình như cộng đồng buôn Ta Ly, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo (Đắc Lắc), có 144 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhận bảo vệ 1.127,5 ha rừng. Chỉ sau 4 năm chăm sóc, bảo vệ, cộng đồng buôn này đã khai thác được 380m3 gỗ, thu được 616 triệu đồng. Nguồn thu này buôn Ta Ly sử dụng cho hộ nghèo vay đầu tư phát triển sản xuất xóa nghèo, mua bò giống phát triển chăn nuôi và chi phí trở lại cho công tác bảo vệ rừng.
Buôn Ta Ly cũng là cộng đồng bảo vệ rừng được đánh giá hiệu quả nhất tỉnh Đắc Lắc. Thống kê của UBND xã Ea Sol, đến tháng 10-2011, diện tích rừng buôn Ta Ly bảo vệ bị phá 5 ha. Trong khi cũng ở xã Ea Sol, buôn Điết có 78 hộ nhận bảo vệ 524,7 ha rừng nhưng đã bị phá hơn 140 ha để làm nương rẫy.
Nguyên nhân chính, theo lý giải của đồng chí Y Rít, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc là: “Rừng giao cho buôn Điết, cũng như nhiều cộng đồng khác trong tỉnh Đắc Lắc nhận khoán bảo vệ chủ yếu là rừng nghèo kiệt, trước đây các công ty lâm nghiệp đã khai thác hết gỗ, sau đó chuyển về cho địa phương quản lý, muốn khai thác được lâm sản phải chăm sóc và chờ đợi 20-30 năm, thậm chí 40 năm sau. Trong khi đó các hộ nhận rừng đều là hộ nghèo, bà con cần phải giải quyết nhu cầu thiết yếu đời sống hàng ngày. Vì thế, khi nhận rừng nghèo kiệt, bà con không thiết tha. Thậm chí, chính chủ rừng phá rừng làm rẫy để có nguồn thu trước mắt. Cũng vì lý do trên, mà đến thời điểm này toàn tỉnh Đắc Lắc chỉ giao khoán được 32,14% diện tích so với kế hoạch đăng ký ban đầu!”.
Cây giống cao su, Công ty Tân Nam Bảo tập kết để trồng |
Lời giải cho việc bảo vệ rừng Qua điều tra thực tế tại buôn Điết-cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng và có diện tích rừng bị phá nhiều nhất xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, được biết: Đầu năm 2011 này, để giải quyết hậu quả hơn 140 ha rừng bị phá, hiện bà con đang trồng lúa, bắp và sắn, cộng đồng buôn Điết đã tự ý đứng ra liên kết với Công ty Tân Nam Bảo (có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột) để trồng 180 ha cao su, theo phương thức: Doanh nghiệp đầu tư toàn bộ từ A đến Z, khi thu hoạch cộng đồng buôn (ở đây được xác định là bên góp đất trồng cao su) được hưởng 10%, doanh nghiệp hưởng 90%.
Thoạt nghe, thì đây có thể là cách giải quyết hậu quả phá rừng khá hay. Hay ở chỗ, nó phủ được đất trống, đồi trọc, và tạo hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân tại chỗ. Nhưng trong trường hợp này, chúng tôi xin được nhắc lại, quyết định giao rừng cho cộng đồng đã nêu rõ quyền lợi của cộng đồng: “Được liên kết với các thành phần kinh tế để huy động vốn đầu tư cho việc xây dựng và phát triển rừng”. Không hề có khoản, mục nào nói được trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê(!). Nếu làm như cách buôn Điết đang triển khai, chúng tôi e ngại rằng, trước hết gây ra tác động tiêu cực, gây hiệu ứng dây chuyền, dẫn tới một số cộng đồng khác cũng có thể phá trắng hàng trăm ha rừng nhận khoán, sau đó đứng ra liên kết với doanh nghiệp trồng cao su hoặc trồng cây công nghiệp khác để hưởng lợi.
Thậm chí, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp đứng đằng sau những cộng đồng phá rừng phá rừng nhận khoán để tìm cơ hội đầu tư. Như vậy vô hình chung, những quyết định giao hàng nghìn ha rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ lại bao trùm cả những dự án phát triển cây công nghiệp, mà doanh nghiệp không tốn công sức, tiền bạc để lập dự án cũng như thuê đất mà vẫn có được những dự án béo bở(!).
Chúng tôi cho rằng, cách làm ở buôn Điết, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo không những tiếp tay cho phá rừng mà còn gây thất thoát tài nguyên và nguồn thu của Nhà nước.
Đất rừng bị cộng đồng phá, nay doanh nghiệp liên kết |
Ví như việc sử dụng quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng, tiền thanh lý lâm sản khai thác trái phép mà cấp xã tịch thu, kinh phí thu các doanh nghiệp triển khai dự án thuê đất lâm nghiệp cần xem xét giao cho cấp xã, để xã thành lập “Quỹ bảo vệ phát triển rừng”. Với nguồn quỹ này cộng với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, là có thể thực hiện chi trả cho hộ và cộng đồng quản lý bảo vệ rừng với mức 100 nghìn đồng/ha/năm, như đề xuất từ sở.
Được biết, hiện tại toàn vùng Tây Nguyên còn 700 nghìn ha rừng đang giao cho cấp xã quản lý. Mà nói như đồng chí Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm “Rừng giao cho xã quản lý cũng như là rừng vô chủ!”. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng một cách phù hợp, làm thế nào để người giữ rừng sống được, thậm chí làm giàu từ nghề rừng thì mới hy vọng tới đây các tỉnh Tây Nguyên giao khoán và bảo vệ được 700 nghìn ha rừng cấp xã đang quản lý. Khi đã có cơ chế, chính sách phù hợp, cộng với việc thực thi pháp luật nghiêm minh, chính là lời giải bài toán giữ rừng ở Tây Nguyên.