Chuyện chưa biết trong lòng phố cổ Hà thành (7):

Bộn tiền từ trà đá, trà chanh vỉa hè

ANTĐ - Cái góc nhỏ bên hè phố ấy cứ như đang thì thầm kể một câu chuyện về nét sinh hoạt riêng tư của nhịp sống nhẹ nhàng, chầm chậm về một phố cổ Hà Nội.

Cái góc nhỏ bên hè phố ấy cứ như đang thì thầm kể một câu chuyện về nét sinh hoạt riêng tư của nhịp sống nhẹ nhàng, chầm chậm về một phố cổ Hà Nội.

Quán cóc- một góc Hà Nội

Trà đá quán cóc có phải là một phần cuộc sống của người dân đô thị hay không, mà sao nhiều người tìm đến thế. Bài viết này không cổ súy cho những quán cóc – dùng gọi cho quán chè chén - vô tội vạ, nhếch nhác bột phát mọc ở góc phố nào đó làm xấu đi hình ảnh phố phường mà chỉ hoài niệm về hình ảnh một quán cóc với cụ già chậm rãi bên khung cửa gỗ cũ xưa, mời khách chén nước chè nóng, trong mùa đông se lạnh. Đó là hình ảnh đẹp, chứa chất một Hà Nội nhẹ nhàng, và cổ kính mà ta khó tìm ở nơi khác.

Bên chén trà nóng ở quán cóc, sẽ làm vơi bớt lạnh trong mùa đông

Ghé quán trà cóc bên hè phố, thì kẻ sang người hèn đều như nhau. Rồi lạ hơn nữa, có khi ở nhà đầy trà ngon, để mốc thếch chẳng khi nào có ý định pha dùng. Nhưng ngày nào cũng thế, ngồi quán cóc nhâm nhi chén chè nhạt, thưởng thức như thế, lại thấy thú vị hơn.

Thế đấy! Trà đá, quán cóc nó vẫn có giá trị riêng của nó. Nó như gắn kết tình cảm của người xa lạ, trở nên quen thân. Nó như nơi dừng chân của kẻ lang bạt, trầm tư về quá khứ. Hình ảnh quán cóc thường gắn với người đô thị nhiều hơn, đặc biệt là gắn với Hà Nội, như một dòng ẩm thực dân dã, thấm sâu vào tâm khảm, vào nhịp sinh hoạt của người dân như một nét văn hóa giản dị.

Hình ảnh “quán cóc liêu xiêu” trên con phố nào đó của Hà Nội giờ nhiều người cho rằng xấu và nhếch nhác. Chính vì thế mà quán cóc cũng ít đi, với lại nó bị xu thế của thời đại đào thải nên nó vắng dần trên phố.

Chẳng phải là người hoài cổ, hay lạc hậu trong tư duy, nếp nghĩ, song ở khía người tiêu dùng dân dã, đến nay tôi vẫn thấy trà đá, chè chén là một phần khó có thể bỏ qua trong nhịp sống thường nhật, dù ít dù nhiều.

 

Liêu xiêu quán cóc trong ngõ phố cổ

Hà Nội

Nhâm nhi chén chè, có thể chỉ là cái cớ hẹn bạn, công việc hoặc ra đó chỉ để chuyện phù, chuyện phiếm cho bớt căng thẳng trong công việc cuộc sống. Chỉ có thế, song nó cũng đủ làm cho người thiên về hoài cổ ngẫm ngợi về hình ảnh từng đọng lại trong ký ức về một nhịp sống nhẹ nhàng trong từng góc phố.  

Hoài niệm, hay nuối tiếc về hình ảnh quán cóc Hà Nội xưa có thể có, có thể không xuất hiện trong đầu nhiều người, song khái niệm về quán cóc thì chắc hẳn chiếm lĩnh trong đầu hầu hết người dân Việt Nam. Lý thú, là lạ về cách thưởng thức, cũng là nét độc đáo mà tự thân chè chén hình thành nên. Mùa hè nóng bức, gọi một chén chè nóng, liệu có phải là kẻ khác người hay không? Người ta ghé quán chè chén bên góc phố, gọi một cốc trà đá đánh tiêu tan cái oi bức của mùa hè. Trong cái se lạnh heo may, ngồi khư khư trong tay cái chén cũ kỹ, sóng sánh chè nóng bốc hơi nghi ngút thì cái lạnh được tan giá trong lòng bàn tay. Vả lại, mùa hè gọi trà nóng, mùa đông gọi trà đá… thì cũng chẳng phải là lạ. Mà đó chỉ là thói quen, sở thích trong sinh hoạt mà thôi…  

Quán chè chén- niềm vui tuổi già của các cụ

Lanh canh trà chanh bên góc phố

Chè chén xuất hiện ở Hà Nội khi nào, thì ít ai biết chính xác. Một cụ già bán chè chén bên góc phố Phùng Hưng cho rằng, chè chén có từ khi người nghèo xuất hiện. Mốc thời gian mà cụ già hàng nước đưa ra, nghe có vẻ trìu tượng nhưng lại hàm chứa một sự cụ thể nào đó. Ai chẳng biết rõ, chè chén xưa kia thường là chủ nhân người nghèo bán, hay các cụ già tuổi cao lấy khách làm bạn, lấy chè chén làm vui tuổi già. Vả lại, gom nhặt tiền lẻ bán chén nước, để thêm tiền trầu cau, chứ chẳng đề làm giàu được...

Thời "hoàng kim" của trà chanh

 Ấy là trước đây. Bây giờ thì phong phú lắm. Quán có đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Nào là em gái trẻ măng. Nào là anh thanh niên khỏe mạnh hay chị phụ nữ đứng tuổi… cũng bán chè chén. Nhưng trong giới trà “vỉa hè” phố cổ thì trà chanh đang “thao túng” chiếm lĩnh thị trường giới trẻ. Ở bài trước nói về “cà phê các cụ” trên phố Tạ Hiện, thì trong bài này, phố Đào Duy Từ là tâm điểm của trà chanh mà thực khách lại chỉ có giới trẻ chứ cố tìm một thực khách đứng tuổi ngồi đó thì quả là hiếm hoi.

Trà chanh là thức uống gây nghiện hay sao mà hút giới trẻ đến vậy? Khen thay ai đó khéo pha, dùng nước chè mạn pha với lát tranh mà níu kéo thực khách từ sở đoản thành sở trường. Quán đông đặc kín khách. Khách ngồi kín vỉa hè. Thức uống cho hàng chục, hàng trăm con người ấy, chỉ là thứ đơn giản sẵn có cái gốc từ chè chén, quán cóc mà ra, chứ thời nay đâu tự có được. Cái công thức pha chế “đặc sản” tân thời vẫn là kế thừa giản đơn của cũ xưa, chỉ thêm chanh tươi làm thêm mới thức uống. Ấy thế mà chủ nhân thu tiền cứ mỏi tay, từ sáng đến khuya khách đông như ngày hội.

Trà chanh ồn ào chứ không lắng đọng như quán cóc chè chén

“Hữu xạ tự nhiên hương”. Lợi nhuận từ trà chanh cứ như buôn vàng buôn bạc đã lan tỏa, ai cũng biết mà không cần chủ nhân bộc bạch, khoe mẽ gì cả. Người này âm thâm về mở trên phố nọ, người kia về mở trước cửa nhà bên phố kia. Cứ thế, quán mọc nhanh như “dịch bệnh” bùng phát trên cơ thể người yếu. Chỗ nào cũng trà chanh, lanh canh khua khoắng cốc vội vã. Nó phát triển nhanh đến nỗi mà hàng cà phê “oai phai” máy lạnh tân thời cũng phải them thuồng, ghen tỵ.

“Thời buổi kinh tế giá cả điên đảo leo thang, tấc đất, tấc vàng phải thế chứ”. -Bà cụ bán chè chén ở chân cột điện phố Lương Ngọc Quyến, vừa bóm bém nhai trầu, vừa nói như trách mắng con cháu không thức thời.

Bà cụ nhổ toẹt bã trầu đỏ quạch trong miệng vào ống nhựa, rồi nói: “Mấy hàng chè chén bên phố Hàng Dầu ngày xưa cũng cũng đông khách lắm, giờ người ta cho thuê bán giầy dép cả rồi. Dạo này, tôi thấy mấy bà xách nước ra bán ở gần cổng ty văn hóa - Sở VHTT vè DL Hà Nội - nhưng chỉ bán vào sớm tinh mơ thôi”. Bà cụ cho biết, thực khách là những người đi chợ sớm hay những người đi tập thể dục buổi sáng ngồi nán lại nhâm nhi chén chè, rồi trở về bắt nhịp vào ngày mới. Bởi đối với người ăn trầu thì “miếng trầu đầu câu chuyện” còn đối với đàn ông thì “chén chè là đầu nhiều câu chuyện”. Nếp sinh hoạt giản dị ấy đã làm cho người ta thấy quen thân mà lạ lẫm, gần gũi mà mến thương, mỗi khi người đi xa nhớ về Hà Nội là nhớ đến “quán cóc liêu xiêu” bên góc phố cổ rêu phong.